Kinh tế

Vận hành mô hình cũ, lạc hậu, mỗi thập kỷ tăng trưởng GDP Việt Nam giảm 1%

Đây là khẳng định của TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) tại Hội thảo tình hình kinh tế vĩ mô quý III/2016 và vấn đề Tái cơ cấu kinh tế giai đoạn 2016 và 2020.

Theo ông Cung, hiện nay tăng trưởng của chúng ta đã có dấu hiệu chậm lại do các biện pháp kích thích tăng trưởng như tăng trưởng vốn, mở rộng tài khoá, tín dụng... không còn hiệu quả. Nguồn lực tăng trưởng theo mô hình cũ đã cạn kiệt, trong khi những mô hình và cách thức tăng trưởng mới, chưa được thực thi và có hiệu quả.

Thực tế, tăng trưởng GDP của giai đoạn 2000 - 2010, trong khoảng 7,0 - 7,5%, tuy nhiên, theo TS Cung, từ năm 2011 đến nay tăng trưởng bình quân đã giảm xuống dưới 7,0%- 6,0%, tăng trưởng của Việt Nam ngày càng giảm.

cn ho tro 1474011839653
Kinh tế Việt Nam đang đòi hỏi động lực và cách thức tăng trưởng mới (ảnh minh hoạ)

"Mỗi một thập kỷ, chúng ta giảm 1% tăng trưởng kinh tế. Đây là vấn đề rất lớn, ảnh hưởng đến kinh tế xã hội, dù cho chúng ta đã sử dụng nhiều cách thức khác nhau. Nguyên nhân là do nhưng biện pháp kích thích tăng trưởng ngắn hạn của Việt Nam đã không còn hiệu quả như trước, trong khi các biện pháp tăng trưởng về dài hạn, bền vững như: nâng giá trị gia tăng, cạnh tranh cho nền kinh tế, tăng trưởng dựa vào tăng năng suất lao động, tái phân bổ nguồn lực và thị trường hoá nguồn lực, tạo động lực cạnh tranh chưa được thực hiện", TS Cung nhấn mạnh.

Theo ông Cung, nếu Việt Nam cứ tăng trưởng theo kiểu thâm dụng vốn đầu tư, tăng cung tín dụng, chính sách tài khoá tiền tệ mở rộng, giải ngân nhanh, thúc đẩy tín dụng, sử dụng hàng loạt các gói kích thích kinh tế... thì tăng trưởng chỉ trong ngắn hạn mà các rủi ro ngày càng phát sinh như: nợ xấu, tăng thu, chi cho ngân sách, bội chi, nợ công và không có nguồn lực tăng trưởng dài hạn.

Theo ông Cung, hiện áp lực tăng trưởng bằng thâm dụng vốn, đi vay đang đặt đất nước vào tình trạng thu ngân sách ít đi, phải đi vay nhiều, vay từ trong nước đến vay ngoài nước, hết dài hạn, chúng ta phải vay ngắn hạn. Bội chi tăng lên và ít đi thì phải vay, vay trong nước và vay ngắn hạn, bội chi ngân sách tăng lên.

Ông này nói thêm, hiện chủ trương của Chính phủ là không thay đổi mục tiêu tăng trưởng. Như vậy, đòi hỏi chúng ta sẽ phải làm gì để tăng trưởng hay vẫn dựa vào: khai thác dầu thô, khai thác than hay tăng cung tiền như trước đây? Bối cảnh hiện nay, cố găng tăng trưởng theo cách cũ là múc tài nguyên thì không được, dầu thô và than đá của Việt Nam thời gian qua xuất khẩu không đạt mục tiêu, giá giảm, đóng góp ngân sách rất ít.

"Chúng ta cần đào sâu theo cách tăng trưởng nào khác, trong đó nên thay đổi cách thức và hệ điều hành của Chính phủ. Hiện, việc điều hành và cách tăng trưởng của chúng ta, nói như TS Vũ Thành Tự Anh ở Đại học Fullbright là đã cũ và lạc hậu lắm rồi, không hiệu quả. Bây giờ chúng ta phải tìm kiếm cái mới cho tăng trưởng, thúc đẩy sự thay đổi của nền kinh tế chứ đừng giật gấu vá vai", ông Cung nhấn mạnh.

Theo gợi ý của Viện trưởng Cung, thời gian qua Việt Nam thực hiện nhiều đổi mới, cải cách. Nhưng tái cơ cấu bằng cách cổ phần hoá, phân phối lại nguồn lực tăng trưởng là hiệu quả nhất.

"Kịch bản của chúng tôi đưa ra là, điều kiện mọi yếu tố kinh tế cứ để bình thường như này, nếu thắt chặt chi tiêu đẩy mạnh tái cơ cấu (cổ phần hoá) thì sẽ tăng thêm 0,5 điểm % tăng trưởng là 7% tăng trưởng", ông Cung nhấn mạnh.

Ông Cung cho hay: Quy tắc của các nền kinh tế trên thế giới, mọi nguồn lực đều là khan hiếm, không thể cứ dựa mãi, khai thác mãi sẽ nhờn thuốc và không thể tạo giá trị tăng trưởng. Hiện nay, chúng ta đang khan hiếm nguồn lực tăng trưởng thì cần phải khai thác và tìm kiếm nguồn lực chỗ khác như năng suất lao động, sản phẩm gia tăng từ con người, từ kinh tế xanh từ khởi nghiệp... Chúng ta phải luôn luôn cần và đặt nền kinh tế vào tình trạng cạnh tranh để phân bố lại nguồn lực để tăng dư địa phát triển".

"Nâng cao hiệu quả, năng suất là cách tăng trưởng bền vững, chứ không phải đổ tiền, mở rộng. Khu vực kinh tế Nhà nước nhỏ đi, nhưng thông minh hơn, còn khu vực thị trường phát triển mạnh hơn, lớn hơn. Cải cách hệ thống kinh tế cơ sở. Buộc thị trường phải vào guồng cạnh tranh", Viện trưởng CIEM nói.

Tác giả bài viết: Nguyễn Tuyền

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok