Tương truyền rằng, thuở xa xưa cả vùng cửa biển Tư Hiền và đầm Cầu Hai ngày nay, là một vùng mênh mông song nước, có lẽ gọi là vịnh Cầu Hai mới đúng. Rồi giữa vùng mênh mông sông nước ấy nổi lên 2 hòn đảo, mà sau này chúng chính là 2 quả núi Linh Thái và Túy Vân ngày nay. Núi Linh Thái to hơn, hình dáng như một con rùa nên còn có tên là núi Rùa, hay Quy Sơn, nằm phía ngoài gần cửa Tư Hiền; núi TúyVân nhỏ hơn, nằm sâu vào phía đầm Cầu Hai. Hai trái núi cách nhau không xa, như 2 người lính canh gác nơi cửa biển Tư Hiền.
Núi Túy Vân phía trong đầm Cầu Hai
Ngày xa xưa trước, núi Túy Vân được gọi là Mỹ Am Sơn. Tới thế kỷ XVII, một lần chúa Nguyễn Phúc Tần(1648 – 1687) đi qua vùng này thấy phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp hữu tình, bèn cho lập một cái am nhỏ trên sườn núi làm nơi cầu phúc cho dân địa phương. Năm 1692, chúa Nguyễn Phúc Chu đã cho tu sửa, nâng cấp am cũ thành một ngôi chùa.
Trong chiến tranh, loạn lạc cuối thế kỷ XVIII, ngôi chùa bị tàn phá hoàn toàn. Đến năm 1825, vua Minh Mạng cho dựng lại một ngôi chùa mới 3 gian 2 chái trên nền cổ tự cũ, về sau xây thêm bên trái điện thờ một tăng xá để làm chỗ cho sư trụ trì và một nhà bếp, đặt tên là Thúy Hoa Tự, từ đó núi được gọi là núi Thúy Hoa. Năm 1836, nhân lễ đại khánh mừng Thuận Thiên Hoàng Thái hậu 70 tuổi, vua Minh Mạng tiếp tục cho sửa sang chùa Thúy Hoa, xây thêm Đại Từ các, tháp Điều Ngự, khắc bia đá nói về chùa Thánh Duyên dựng trên núi Thúy Hoa. Từ đó chùa mang tên Thánh Duyên, tên chùa và tên núi cũng tách ra từ đó.
Vua Thiệu Trị lên ngôi báu, vì kiêng tên húy của mẹ là bà Hoàng Thái hậu Hồ Thị Hoa, nhà vua đã lệnh đổi tên núi Thúy Hoa thành Thúy Vân. Thúy Vân Sơn – núi mây xanh biếc - kết hợp với thúy ba (sóng biếc) của vùng đầm Cầu Hai – Tư Hiền mà hình thành nên cảnh đẹp được (vua Thiệu Trị) xếp hàng thứ 9 của đất Thần Kinh.
Lại có tương truyền rằng, về sau có người say rượu chếnh choáng đi qua đây, thấy mây vờn đỉnh núi lại ngỡ là … mây say, nên mới gọi núi là núi Túy Vân – một cách lý giải thật ngộ nghĩnh làm sao. Đại khái là như thế, giờ đi qua đây hỏi núi Thúy Vân hay núi Túy Vân, người ta đều biết và dĩ nhiên đều chỉ về một chỗ.
Trải qua gần 200 năm với mưa gió và thời gian, hiện nay ngôi chùa đã được trùng tu một vài phần như: cổng tam quan và chính điện theo kiểu mới; chỉ còn lại tháp Điều Ngự vẫn còn giữ nguyên dáng vẻ của ngày trước. Trong chùa hiện còn lưu giữ được bộ tượng đồng Thập Bát La Hán, đây là bộ tượng cổ rất có giá trị.
Cổng tam quan chùa Thánh Duyên trên núi Túy Vân
Bia ký trong sân chùa Thánh Duyên
Chánh điện - có bậc tam cấp bằng đá, và tăng xá phía góc trái.
Chánh điện là tòa nhà ba gian hai chái, cao rộng và thoáng đãng. Phần mái được lợp ngói liệt theo kiểu trùng thiềm điệp ốc đặc trưng của Huế trang trí bằng cù giao, lưỡng long, vân hóa long tinh xảo.
Nội điện gian chính ở giữa thờ Tam Thế Phật: Quá khứ, Hiện tại và Vị lai.
Hai bên có hai dãy sập để tôn trí thờ Thập Điện Minh Vương và Thập Bát La Hán...
... Mỗi bên 5 vị trong Thập Điện Minh Vương ...
... và 9 vị trong Thập Bát La Hán.
Cổng Đại Từ Các lấp ló dưới tán cây, theo con đường lát đá trên lưng chừng núi.
Tháp Điều Ngự ẩn hiện dưới tán cây, sau những bậc đá lên cao.
Đình Tiến Sảng phía sau tháp Điều Ngự, dọc lối đi phủ đầy lá mục.
Xuống núi trong chiều muộn, không khí tĩnh lặng có phần hoang vu, gió xào xạc trong tán rừng, những tia nắng cuối cùng trong ngày yếu ớt xuyên qua tán lá. Xuống qua khỏi Đại Từ Các, gần tới lưng chùa Thánh Duyên thì nhìn thấy đầm Cầu Hai trong ráng hoàng hôn. Ghé bước chân ra mé sườn núi phía đầm, có một ngôi chòi nhỏ hướng ra mặt đầm. Hoàng hôn trên đầm Cầu Hai đẹp quá.
Mặt trời đã lặn, chút ánh sáng cuối cùng còn vương trên mặt đầm.
Những con thuyền thong thả trở về ...
Nếu đến Huế, bạn hãy cố gắng thu xếp thời gian để một lần đến vãn cảnh chùa Thánh Dyên trên núi Túy Vân và ngắm hoàng hôn trên đầm Cầu Hai, bạn sẽ được hưởng một không khí u nhã thanh bình, một cảnh sắc thiên nhiên tuyệt diệu.
Tác giả: Đức Hùng
Nguồn tin: Báo Dân trí