Thể thao

V-League 2020 bế tắc, giải cứu bằng cách nào?

Đại dịch Covid-19 làm LS V-League 2020 liên tục gián đoạn, nhưng vấn đề lớn hơn lúc này là giải đấu chưa tìm được tiếng nói chung trong các phương án tổ chức mới.

V-League 2020 bế tắc...

Ít ngày trước, VPF sau khi họp trực tuyến với 13/14 đại diện các đội bóng tham dự (HAGL không họp theo lệnh của bầu Đức) đã quyết định hoãn LS V-League 2020 vô thời hạn. Đây là lần thứ 3 giải đấu cao nhất Việt Nam phải dời lịch thi đấu.

Việc dời lịch thi đấu để đảm bảo an toàn sức khoẻ cho các đội bóng, cầu thủ ở thời điểm hiện tại là chuyện phải làm và nhận được sự đồng thuận từ các đại diện trong giải đấu. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra với VPF rằng V-League sẽ diễn ra như thế nào sau khi dịch cúm Covid-19 đi qua.

VPF đang phải đối mặt với thách thức lớn khi V-League chịu ảnh hưởng từ dịch cúm Covid-19

Rất nhiều phương án, ý kiến từ các đội bóng đã được VPF ghi nhận. Trong đó đáng chú ý với các phương án không có suất xuống hạng, thậm chí dời giải đấu sang năm 2021 nhằm chủ động hơn cho các đội bóng trong thời điểm dịch bệnh chưa biết chính xác khi nào kết thúc.

Hàng loạt phương án đã được đưa ra, nhưng kết thúc cuộc họp BTC hay VPF cũng không thể “chốt”, và phải chờ ý kiến từ cấp cao hơn để V-League tiếp tục bị “delay” không thời hạn.

Giải cứu bằng cách nào?

V-League 2020 khi nào tổ chức trở lại là câu hỏi khó vào lúc này, nói rõ hơn giải đấu cao nhất Việt Nam chỉ có thể thi đấu khi dịch cúm Covid-19 được khống chế.

Tuy nhiên, phương án để tổ chức thì lúc này VPF nên có vài tình huống giả định nhằm chủ động khi đại dịch đi qua. Nhưng, chắc chắn khó có thể đi theo giải pháp không có đội xuống hạng như các đại diện CLB Nam Định, Đà Nẵng, Hồng Lĩnh Hà Tĩnh hay SLNA đề xuất.

các phương án đã được đưa ra bàn thảo, nhưng khả năng dời sang năm sau hay đá không có đội xuống hạng là thiếu khả thi và không hợp lý

Không thể dùng phương án này là bởi nó sẽ khiến V-League thiếu tính cạnh tranh, đồng thời cũng làm cho các đội bóng ở giải hạng Nhất thiệt thòi, khi nhiều CLB vừa có sự đầu tư lớn để tìm cách thăng hạng.

Phương án dời giải đấu sang năm 2021 cũng không mấy khả thi, trừ khi dịch kéo quá dài cho tới tháng 8-9 bởi sẽ không đủ thời gian để tổ chức. Nhưng nhìn vào tình hình hiện tại, Việt Nam đang làm tốt công tác chống dịch thì việc dời sang năm sau có lẽ chưa cần thiết..

Hai phương án kể trên không khả thi, thế thì VPF tính như thế nào để đưa V-League trở lại với lộ trình? Đây là câu hỏi chẳng dễ, bởi rõ ràng VPF hoàn toàn không chủ động được thời gian, nhưng ít nhất phải đảm bảo những phương án để khi dịch đi qua V-League có thể chủ động, tổ chức được ngay.

Khả dĩ nhất và cũng được một số đội bóng ủng hộ là việc đá tập trung khi dịch lắng xuống. Nhưng phương án này cần VPF thoả thuận với các đội bóng sao cho quyền lợi được đảm bảo và công bằng nhất.

V-League 2020 đang trông chờ một phương án chủ động để bắt nhịp ngay sau khi dịch Covid-19 lắng xuống

Ngoài ra, khả năng V-League đá một lượt cũng phải tính đến, nếu thời gian không đủ và lúc này VPF cũng cần thương thảo với các CLB sao cho hợp lý, vì cái chung của cả giải đấu, quyền lợi tuyển Việt Nam, nhà tài trợ...

Tựu trung lại, vào lúc này rất khó để có phương án hoàn hảo cho V-League, nhưng chưa phải quá bế tắc để việc dời giải đấu sang năm sau hoặc đá không có đội xuống hạng cần phải loại bỏ vì thiếu tính xây dựng trong bối cảnh mà bóng đá Việt Nam đang ổn định với thành tích của đội tuyển.

Chờ dịch Covid-19 đi qua, và mấu chốt VPF cứ phải tính đến phương án chủ động cho V-League 2020 không bị hụt bước.

Tác giả: Xuân Mơ

Nguồn tin: Báo Vietnamnet

  Từ khóa: V-League 2020 , Covid-19 , Bầu Đức , VPF

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok