Phạm Minh Công tại phiên tòa ngày 24/8/2017 (ảnh Phương Hảo) |
TAND huyện Tân Kỳ (Nghệ An) vừa mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử Phạm Minh Công (SN 1994, quê huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) về tội “Bắt giữ người trái pháp luật”. Thời điểm gây án, Phạm Minh Công là phạm nhân đang thụ án tại Trại giam số 3 – Bộ Công an đóng tại xã Nghĩa Dũng, huyện Tân Kỳ.
23 tuổi nhưng Phạm Minh Công có bảng thành tích bất hảo, án mới chồng án cũ.
Đủ 18 tuổi, Công bị TAND quận Ô Môn (Cần Thơ) xử phạt 7 năm 6 tháng tù về tội “Cướp tài sản”. Phạm Minh Công được chuyển đến Trại giam số 3 để thi hành án.
Vào trại, thay vì cải tạo để sớm được trở về với gia đình thì Phạm Minh Công càng tỏ ra bất trị. Gã luôn cho rằng mình bị cán bộ quản giáo chèn ép, không thể sống nổi ở đây để đòi chuyển về trại giam gần nhà.
Đề đạt nguyện vọng để được chuyển trại nhưng không được chấp nhận, gã bắt đầu quậy phá, gây hấn để tạo áp lực. Khi quãng đường trả án đi chưa được 1 nửa, gã đã phạm tội mới.
Ngày 3/6/2013, Phạm Minh Công cùng 7 phạm nhân khác giả vờ bị bệnh để lên Bệnh xá của Trại xin thuốc. Tại đây, các phạm nhân đã bắt và nhốt cán bộ y tế của trại với mục đích gây áp lực, đòi được chuyển về trại giam gần nhà.
Năm 2014, với tội “Bắt, giữ người trái pháp luật”, “Gây rối trật tự công cộng”, Phạm Minh Công bị TAND tỉnh Nghệ An tuyên phạt tổng cộng 4 năm tù. Cộng với hình phạt tội “Cướp tài sản” trước đó chưa thi hành 5 năm 3 tháng 4 ngày, Phạm Minh Công phải chấp hành thời gian phạt tù 9 năm, 3 tháng, 4 ngày.
Chỉ 2 năm sau, Phạm Minh Công lại tiếp tục phạm tội mới. Lần này, gã gây sự, hành hung bạn tù và tiếp tục bị TAND tỉnh Nghệ An tuyên phạt 3 năm tù về tội “Cố ý gây thương tích”.
Trong khi các phạm nhân khác có thành tích cải tạo tốt liên tiếp trong 2 năm được xem xét, chuyển về trại gần nhà theo nguyện vọng thì vẫn luôn nghĩ cách gây hấn, tạo áp lực để đòi chuyển trại. Luôn mang tư tưởng chống đối, Phạm Minh Công luôn tìm cách giả bệnh để trốn lao động.
Sáng 25/4/2017, trong khi các phạm nhân khác chuẩn bị đi lao động cải tạo thì Phạm Minh Công báo ốm, xin lên Bệnh xá của Trại để lấy thuốc. Khi đi, gã dấu nửa chiếc lưỡi dao lam vào lòng bàn tay.
Đến Bệnh xá, Công tiến lại sau lưng chị D. (cán bộ y tế của Bệnh xá) 1 tay quàng qua cổ, tay còn lại dí nửa lưỡi dao vào cổ chị này: “Nếu cán bộ la lên tôi sẽ rạch mặt cán bộ”. Hoảng sợ, chị D. kêu cứu.
Công kéo nạn nhân đến trước cửa phòng nhà vệ sinh của bệnh xá để cố thủ, ra yêu sách Ban Giám thị cho chuyển trại giam. Các phạm nhân ở gần đó nghe tiếng kêu của chị D. liền chạy đến khống chế Phạm Minh Công, giải cứu an toàn cho nữ cán bộ này.
Tại phiên tòa, Phạm Minh Công cho biết, bố mẹ đã qua đời, anh chị em đều nghèo nên không có điều kiện ra thăm nuôi, tiếp tế thường xuyên. Công cũng cho rằng, bị cáo bị quản giáo chèn ép và “không hợp với tính cách của người ngoài này”.
Lý giải về việc dùng lưỡi dao lam kề vào cổ, kéo chị D. vào nhà vệ sinh cố thủ, bị cáo Công cho rằng nhằm buộc Ban Giám thị Trại giam số 3 thực hiện lời hứa. “Giám thị hứa với bị cáo là sẽ cho chuyển trại nhưng không thực hiện”, Phạm Minh Công nói.
Thẩm phán Trần Thị Trà – Chủ tọa phiên tòa nhận định: Vụ việc xẩy ra trong trại giam, làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự cũng như môi trường cải tạo của các phạm nhân khác, làm cho các phạm nhân hoang mang dao động. Khi thực hiện hành vi phạm tội, bị cáo nhận thức được việc dùng lưỡi dao lam khống chế bắt giữ chị D. làm con tin để đòi yêu sách đổi trại không những vi phạm pháp luật mà còn xâm phạm đến danh dự của cán bộ làm nhiệm vụ tại trại giam nên cần phải nghiêm trị.
Cân nhắc toàn diện vụ án, HĐXX tuyên phạt Phạm Minh Công 18 tháng tù về tội “Bắt giữ người trái pháp luật”. Cộng với thời gian thi hành các bản án cũ còn 8 năm 3 tháng 13 ngày, Phạm Minh Công phải chấp hành thời gian phạt tù 9 năm, 9 tháng 13 ngày.
Tác giả: Hoàng Lam
Nguồn tin: Báo Dân trí