Chủ nhiệm Uỷ an Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo sáng 22.10 |
Sau báo cáo của Thủ tướng Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 và 3 năm thực hiện kế hoạch 5 năm 2016-2020; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019.
Đánh giá về tình hình kinh tế năm 2018, theo Uỷ ban Kinh tế Chính phủ thống kê trong 12 chỉ tiêu, dự kiến có 4 chỉ tiêu đạt và 8 chỉ tiêu vượt mục tiêu kế hoạch đề ra: kinh tế vĩ mô ổn định; lạm phát được kiểm soát; tăng trưởng GDP ở mức cao hơn mức tăng GDP tiềm năng trung hạn, tăng trên cả 3 lĩnh vực, quy mô nền kinh tế khoảng 240,5 tỉ USD…
Uỷ ban này đề nghị, tăng trưởng GDP dự báo đạt ở mức cao, song cần phân tích rõ động lực của tăng trưởng này để bảo đảm duy trì mức tăng trưởng một cách ổn định. Diễn biến mức tăng trưởng GDP của ba quý vừa qua có sự khác biệt so với kịch bản tăng trưởng kinh tế đã dự báo đầu năm. Lạm phát đang được kiểm soát, nhưng áp lực lạm phát cuối năm còn tiềm ẩn. Đề nghị cần đánh giá hiệu quả điều hành chính sách giá thông qua việc điều chỉnh giá dịch vụ công mà nhà nước cung cấp, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa bên cung ứng và bên sử dụng dịch vụ.
Về các chỉ tiêu chủ yếu cho năm 2019, Uỷ ban Kinh tế cơ bản nhất trí như báo cáo của Chính phủ, tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị lưu ý tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 7-8% và tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3% đều thấp hơn so với năm 2018 trong khi chỉ tiêu tăng trưởng GDP đặt ra ở mức 6,6-6,8% (tương đương với mục tiêu ước đạt của năm 2018). Bên cạnh đó, tốc độ tăng giá tiêu dùng CPI bình quân khoảng 4% là tương đối phù hợp trong điều kiện sức ép về lạm phát gia tăng, đồng thời với mục tiêu tiếp tục giữ ổn định kinh tế vĩ mô và kích thích tăng trưởng. Tuy nhiên, cần lưu ý các biện pháp giảm dần lạm phát thông qua các biện pháp bình ổn giá cả, ổn định lãi suất và điều chỉnh giá dịch vụ công để.
Uỷ ban Kinh tế đề nghị Chính phủ quan tâm một loạt giải pháp: rà soát, hoàn thiện và đẩy nhanh hơn nữa tiến độ ban hành các văn bản; bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế… Đặc biệt, chấn chỉnh, xử lý nghiêm các sai phạm trong quản lý, sử dụng đất đai, nhất là ở các thành phố lớn. Rà soát lại toàn bộ hệ thống quy hoạch, triển khai xây dựng sớm hệ thống quy hoạch quốc gia, quy hoạch ngành, quy hoạch tỉnh, quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng, bảo đảm tính kết nối đồng bộ. “Sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên đất đai, kiểm soát chặt chẽ việc phê duyệt chuyển đổi mục đích sử dụng đất và điều chỉnh quy hoạch phân khu chức năng, tránh lợi ích cục bộ và lợi ích nhóm”, Uỷ ban Kinh tế đề nghị .
Tác giả: Anh Vũ
Nguồn tin: Báo Thanh Niên