Cà phê chứa caffeine, chất kích thích cung cấp năng lượng và giúp người uống tỉnh táo tức thì cùng nhiều hoạt chất có lợi cho sức khỏe. Polyphenol trong cà phê có thể giảm căng thẳng oxy hóa gây hại và viêm tế bào, mang lại lợi ích về thần kinh khi cải thiện tâm trạng, giảm lo lắng và nguy cơ trầm cảm.
Một nghiên cứu năm 2021 của các bác sĩ tại thành phố Kansas (Mỹ) cho thấy uống cà phê liên quan đến việc giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2, trầm cảm, bệnh thoái hóa thần kinh, ung thư và bệnh gan.
Trong một nghiên cứu dựa trên dữ liệu 200.000 người tham gia được theo dõi trong vòng 30 năm, các nhà khoa học đã tìm thấy mối liên quan giữa việc uống một lượng cà phê vừa phải và giảm nguy cơ tử vong sớm. Các tác giả cho rằng các hợp chất hoạt tính sinh học trong cà phê có thể là nguyên nhân cản trở sự phát triển của bệnh mãn tính bằng cách giảm viêm và giảm tình trạng kháng insulin.
Tuy nhiên một số cách uống cà phê có thể làm giảm lợi ích của loại đồ uống này, thậm chí gây hại sức khỏe:
1. Uống cà phê quá sớm hoặc quá muộn
|
Uống cà phê quá sớm ngay khi vừa tỉnh dậy tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại sức khỏe, nhất là khi uống vào thời điểm bụng đói. Sau khi ngủ dậy là khoảng thời gian hormone căng thẳng cortisol của cơ thể đang ở mức cao nhất. Uống cà phê khi bụng đói sẽ kích hoạt giải phóng các hormone gây căng thẳng như adrenaline và cortisol.
Nồng độ cortisol tăng cao trong thời gian dài có thể làm suy giảm hệ thống miễn dịch, gây ra các vấn đề về sức khỏe: ảnh hưởng xấu đối với đường ruột, hormone, tuyến thượng thận và tâm trạng, làm tăng lượng đường trong máu.
Bên cạnh đó, vì tác dụng kích thích của caffeine từ cà phê kéo dài từ 3–5 giờ tùy thuộc vào cơ địa của mỗi người, khoảng một nửa tổng lượng caffeine tiêu thụ vẫn còn trong cơ thể sau 5 tiếng uống, không nên uống cà phê sau 12h trưa.
Khoảng thời gian vàng được nhiều chuyên gia đánh giá là thời điểm thích hợp để uống cà phê là từ 9h30 đến 11h30 sáng, khi nồng độ cortisol bắt đầu giảm. Khi đó người uống sẽ hưởng lợi nhiều hơn từ tác dụng kích thích thần kinh của cà phê.
2. Uống quá nhiều cà phê
|
Các chuyên gia khuyến nghị mức tiêu thụ caffeine an toàn trong ngày là 300mg, mỗi người không nên uống quá 3 ly cà phê/ngày. Uống quá nhiều cà phê có thể gây rối loạn nhịp tim, ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa và giấc ngủ.
Lạm dụng caffeine để tăng sự tỉnh táo có thể gây ra cảm giác lo lắng, bồn chồn, khó đi vào giấc ngủ và giảm thời gian ngủ, rối loạn nhịp sinh hoạt. Thiếu ngủ có thể gây ra một số vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe như bệnh tim, bệnh thận, huyết áp cao, tiểu đường, đột quỵ, béo phì và trầm cảm.
Caffeine không làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim hay đột quỵ nhưng được chứng minh có thể làm tăng huyết áp, tăng nhịp tim vì vậy người có tiền sử mắc bệnh tim cần lưu ý khi sử dụng loại đồ uống này với liều lượng hợp lý.
3. Thêm quá nhiều chất tạo ngọt vào cà phê
|
Thói quen uống cà phê thêm nhiều đường, sữa, kem béo làm tăng lượng calo nạp vào cơ thể, về lâu dài có thể gây ra tác động tiêu cực cho sức khỏe như tăng cân, tăng lượng đường trong máu. Tiêu thụ quá nhiều đường còn làm tăng huyết áp và tăng tình trạng viêm mãn tính, dẫn đến tiểu đường, gan nhiễm mỡ,... thậm chí rút ngắn tuổi thọ. Trong khi đó, thêm sữa vào cà phê có thể làm giảm tác dụng chống oxy hóa của loại đồ uống này.
Dùng cà phê đen nguyên chất, pha cold brew (ủ lạnh), có thể thêm dùng sữa hạt hoặc các gia vị như quế, đường cỏ ngọt, bột cacao... là cách uống cà phê mang lại nhiều lợi ích sức khỏe nhất.
Tác giả: Kim Linh
Nguồn tin: doisongphapluat.nguoiduatin.vn