Số hóa

Ứng dụng xe công nghệ ồ ạt ra mắt, 'cửa' nào để cạnh tranh với Grab?

Thị trường gọi xe công nghệ ở Việt Nam chưa lúc nào sôi động như thời điểm này, khi một loạt ứng dụng ra đời. Tuy nhiên, để cạnh tranh với vị trí thống lĩnh của Grab là không dễ.

Go-Viet, ứng dụng bắt nguồn từ Go-Jek, là cái tên mới nhất tuyên bố tham gia thị trường gọi xe công nghệ ở Việt Nam. Từ lâu, Việt Nam với 90 triệu dân, tăng trưởng dịch vụ vận chuyển luôn ở mức cao, là thị trường hấp dẫn không chỉ với các doanh nghiệp nội mà còn cả các doanh nghiệp ngoại.

Việc Uber tuyên bố rút khỏi Việt Nam tưởng chừng khiến Grab “một mình một chợ”, nhưng ngay sau đó là sự ra mắt của một loạt ứng dụng, cho thấy cuộc chơi của Grab không dễ dàng. Aber, FastGo, Go-Viet, T.net. VATO… đồng loạt gia nhập thị trường, chưa kể sự bứt tốc của các hãng taxi.

Người tiêu dùng Việt chưa bao giờ có nhiều sự lựa chọn với xe công nghệ như bây giờ. Tài xế Việt cũng có nhiều hơn sự lựa chọn cho công việc.

Các đối thủ vẫn phải đuổi theo Grab

Nhưng nếu so kỹ lại các đối thủ của Grab, có vẻ như cuộc rượt đuổi vẫn còn rất xa. Chưa một đối thủ nào có thể được coi là xứng tầm với Grab, thực sự chứng tỏ sự nổi trội của mình.

Trước khi rời Việt Nam, Uber được coi là ứng dụng thông minh nhất cho cả tài xế và khách hàng. Từ việc định vị, tính tiền, chọn quãng đường, chọn tài xế… đều làm hài lòng nhiều người.

Grab có phần chưa ưu việt như Uber, nhưng vẫn là một đối thủ lớn về công nghệ.

Grab tỏ ra am hiểu khách hàng và thói quen của người Việt. Công nghệ cũng được hãng không ngừng nỗ lực cải thiện, song song với sự thống lĩnh thị trường Việt Nam. Tiềm lực tài chính lớn, ứng dụng thống nhất với các nước khác, Grab cho thấy mình đang là hãng có công nghệ tốt bậc nhất ở thị trường Việt Nam.

Nhiều đối thủ vẫn bị Grab bỏ xa.

Nhảy vào khoảng trống Uber bỏ lại, hiện tại mới chỉ có những ứng dụng thuần Việt chính thức đến tay khách hàng. Trên các trang mạng xã hội, không khó để thấy những phàn nàn về ứng dụng của taxi truyền thống.

“Vừa chậm, giao diện khó dùng, định vị tài xế không chính xác…” là những phàn nàn thường gặp.

Những đối thủ xe công nghệ được cho là cạnh tranh trực diện với Grab cũng đang gặp khó khăn nhất định. T.net của Đại học FPT liên tục bị "tố" chậm chạp, thậm chí mở ứng dụng lên cũng bị chậm, chứ chưa nói việc đặt xe.

FastGo mới ra mắt vài ngày nhưng liên tiếp gặp trục trặc.

VATO cũng từng bị phàn nàn khi báo cho một tài xế nhận cuốc cách khách hàng cả vài km. ABER mới chỉ xuất hiện ở TP.HCM và chưa thể hiện sự ưu việt.

Không thể phủ nhận các đối thủ thuần Việt của Grab đang không ngừng cải thiện công nghệ. FastGo đã tích hợp với các hãng taxi truyền thống vào cùng ứng dụng, để người dùng thoải mái lựa chọn. VATO có công nghệ không chỉ gọi được xe trong nội thành mà còn cả xe khách liên tỉnh…

Tuy nhiên, những nỗ lực này vẫn chưa đủ để chạy theo một đối thủ mang tầm khu vực như Grab. Khi đó, mọi ánh nhìn đổ dồn về Go-Viet, một ứng dụng dành riêng cho Việt Nam của Go-Jek đến từ Indonesia.

Ở Indonesia, Go-Jek không dừng lại ở dịch vụ gọi xe công nghệ, mà còn là một nền tảng phục vụ người dùng ở nhiều dịch vụ khác nhau, như gọi thức ăn, hỗ trợ khách hàng đi chợ, giúp việc tại nhà, thanh toán trực tuyến...

Liệu có thể cạnh tranh bằng giá và dịch vụ?

Khi được hỏi thế nào là một dịch vụ gọi xe công nghệ tốt, nhiều người khẳng định chỉ cần giá rẻ và gọi xe nhanh. Câu chuyện về giá và gọi xe nhanh, có lẽ Grab vẫn dẫn đầu.

Sau khi mua lại Uber, Grab như được đà tăng giá phi mã nhiều quãng đường khiến cho khách hàng bức xúc. Bị phản ứng, Grab có phần “tiết chế” hơn. Nhiều quãng đường đã bắt đầu rẻ đi và không có nhiều chênh lệch với các đối thủ.

Ứng dụng này vẫn tiếp tục tung ra khuyến mại lớn, đặc biệt là cho khách hàng thanh toán bằng thẻ tín dụng. Những quãng đường đi thường được giảm 20.000-30.000 đồng, khiến cho giá cước rẻ đi rất nhiều. Nhiều người sau khi được khuyến mại, chỉ cần phải trả 15.000-30.000 đồng cho những quãng đường ngắn 3-4 km. Đó là một mức giá rất dễ chịu.

Nhiều ứng dụng muốn cạnh tranh với Grab bằng chất lượng và giá cả.

Nhược điểm lớn nhất Grab chưa bao giờ cải thiện là tăng giá rất cao vào giờ cao điểm. Những đối thủ khác thì không, và điều này là "cửa" có thể cạnh tranh được.

Một chuyên gia kinh tế từng cho rằng tiềm lực tài chính của Grab là rất mạnh so với các đối thủ nội. Do đó, Grab dễ dàng thực hiện các chiến lược về giá, để cạnh tranh và giành lấy khách hàng. Vị này chỉ ra rằng Grab đã chấp nhận lỗ hàng trăm tỷ đồng ở Việt Nam, thì cái thu được sẽ không dừng lại ở việc thu lời từ tài xế, mà là các vòng gọi vốn hàng trăm triệu USD từ các ông lớn.

Về giá, các đối thủ Việt không phải không có lợi thế khi tiết giảm được mức chiết khấu. Nghĩa là các hãng nội “ăn lãi ít đi” để kéo giá dịch vụ đi xuống, thay vì mức trên 28% mà Grab đang áp dụng phổ biến.

Ngoài ra, ứng dụng này đang gặp vấn đề về chất lượng dịch vụ, đó là cơ hội để các hãng gọi xe khác đi sau bức phá. Grab đã phát triển quá nhanh và quy mô lớn. Sau khi sáp nhập cả Uber, hãng thừa nhận gặp vấn đề về quản trị với lượng tài xế khổng lồ. Không ít vụ việc tài xế chửi bới, ăn cắp đồ của khách hàng… bị phát hiện.

Các hãng gọi xe khác, với quy mô tài xế không quá lớn, được tuyển chọn một cách cẩn thận, hoàn toàn có thể tạo sự khách biệt trong dịch vụ. Đó có thể là những bước tiến dần dần, để nhiều đối thủ cùng lấy lại thị phần từ tay Grab.

Mấu chốt là cuộc chiến tài xế?

Thời gian chờ đợi tài xế là một trong những tiêu chí quyết định đến lựa chọn của khách hàng. Muốn đáp ứng nhanh yêu cầu của khách phải có lượng xe lớn. Rõ ràng hiện tại, Grab đang có lượng xe lớn nhất và có thể đáp ứng nhu cầu của khách nhanh nhất.

Các đối thủ phần lớn chỉ mới ra mắt, lượng tài xế không nhiều, do đó khả năng đáp ứng khách hàng sẽ kém hơn. Đợi tài xế khoảng 2-3 phút khác với đợi tài xế khoảng 5-10 phút. Đó là 2 mức chất lượng khác hoàn toàn nhau, mà hãng gọi xe công nghệ nào khi gia nhập thị trường cũng biết được.

Để làm được điều này phải có tài xế. Grab đang có lượng tài xế nhiều nhất, nhưng cũng là hãng có nguy cơ mất nhiều tài xế nhất bởi áp mức chiết khấu trên 28% với tài xế mới gia nhập. Một số ít khác được hưởng thấp hơn mức này 5%. Tuy nhiên, chừng đó, so với các đối thủ, là quá cao.

Việc giành lấy tài xế là vấn đề mà hãng gọi xe công nghệ nào cũng quan tâm đầu tiên. Ảnh: Go-Jek.

Nhiều hãng mới ra mắt như ABER và FastGo đã áp dụng hình thức không thu chiết khấu thời gian đầu, sau một thời gian thì “khoán” chiết khấu theo ngày. Nghĩa là tài xế chỉ phải trả khoảng 30.000 đồng cho một ngày sử dụng ứng dụng, hãng không quan tâm tài xế kiếm được bao nhiêu.

Có hãng còn quan tâm các yếu tố khác cho tài xế để tạo môi trường làm việc tốt nhất. ABER xây dựng hình tượng “người lái xe hoàn hảo” theo chuẩn châu Âu (cụ thể là Đức). Lái sẽ được hướng dẫn về văn hoá giao thông, văn hoá ứng xử và các hành vi nên và k nên khi tham gia lái xe.

Tài xế còn được phát gói khám chữa bệnh miễn phí, được tổ chức các ngày hội tài xế, ngày chủ nhật vui, được cắt tóc miễn phí, cà phê được giảm 50% trên hệ thống cafe ABER toàn quốc…

Những hành động này dù nhỏ, nhưng để thấy các hãng quan tâm đến việc hút tài xế về phía mình như thế nào. Và rất có thể, bài toán tài xế sẽ quyết định sự thành bại của mỗi ứng dụng.

Trao đổi với Zing.vn, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch hiệp hội vận tải ôtô Việt Nam, cho rằng thị trường gọi xe công nghệ sẽ tiếp tục rất hấp dẫn và cạnh tranh khốc liệt. Ông Thanh nhấn mạnh còn rất nhiều thị trường ngách, nhiều lợi thế để cho các ứng dụng mới cạnh tranh với Grab được. Nhưng bằng cách nào thì các hãng phải lấy giá cả chất lượng dịch vụ lên hàng đầu.

Tác giả: Hiếu Công

Nguồn tin: zing.vn

  Từ khóa: Ứng dụng , grab , công nghệ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok