“Phương án chúng tôi chọn là đi vào thị trường ngách, nơi chưa bị các công ty lớn của nước ngoài chiếm đóng”, đại diện Cốc Cốc chia sẻ. Thay vì đối đầu với những sản phẩm như Google Maps, startup này dựa trên cơ sở dữ liệu của Google Maps để xây dựng dữ liệu POI (point of interest - điểm dịch vụ) riêng từ thành phố đến các huyện lị trên khắp Việt Nam.
POI là một địa điểm có dịch vụ hoặc địa danh có ý nghĩa tìm kiếm với người dùng trên bản đồ. Đó có thể là quán cafe, quán phở, cây xăng, hiệu thuốc, đại diện của Cốc Cốc giải thích. “Khi tìm kiếm các dịch vụ trên Cốc Cốc Maps, người dùng sẽ thấy kết quả trả về là địa điểm cụ thể, có kèm ảnh chụp thực tế. Các địa điểm đó đều có thông tin chi tiết dù là quán trà đá hay tiệm bơm xe vỉa hè mà nhiều người không biết đến”, vị này giải thích thêm.
DỊch vụ bản đồ của Cốc Cốc có các bản cho desktop, iOS và Android. Ảnh: Thành Duy. |
Chia sẻ về quá trình phát triển Cốc Cốc Maps, vị đại diện này khẳng định vào năm 2013, họ đã hoàn thành mục tiêu ban đầu là 500.000 điểm dịch vụ. Tuy nhiên, sau đó vài tháng, nhóm phát triển phát hiện ra cơ sở dữ liệu thu thập được có sự thay đổi đáng kể.
Nguyên nhân của việc này là do nhiều quán xá, cửa hàng chỉ sau vài tháng hoạt động đã sang tên đổi chủ, thậm chí đổi luôn cả dịch vụ cung cấp. “Theo khảo sát của chúng tôi, trung bình có 40-50% doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ sau khoảng 2 năm hoạt động không còn trụ lại trên thị trường", đại diện Cốc Cốc chia sẻ.
Để tránh cung cấp dữ liệu sai, đơn vị này tiến hành cập nhật mỗi vòng dữ liệu cách nhau 2-3 tháng tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM. Với Đà Nẵng là khoảng 1 tháng/lần. Hiện Cốc Cốc đã xây dựng dữ liệu POI tại 60/63 tỉnh. Số lượng POI cụ thể tại một số địa phương như Hà Nội là 260.000 điểm, TP.HCM 400.000 điểm, Đà Nẵng gần 80.000 điểm.
Họ tự tin khẳng định với các địa điểm cố định như đường phố, trường học, trung tâm thương mại, bệnh viện, Cốc Cốc Maps có kết quả tương tự như các dịch vụ bản đồ khác. Tuy nhiên khi cần tìm kiếm những thông tin gần nhất và mới nhất thì kết quả từ ứng dụng bản đồ này tốt hơn 30%.
Chia sẻ về việc tại sao sử dụng dịch vụ của Google Maps thay vì tạo bản đồ riêng, đơn vị này khẳng định Maps của Google có chất lượng thực sự tốt. Trước khi làm bản đồ riêng thì Apple cũng từng dùng Google Maps cho iOS hay Uber cũng dùng Google Maps. Thực tế, họ phải trả phí để sử dụng dịch vụ chứ không phải miễn phí.
Nói về hướng phát triển trong tương lai, Cốc Cốc cho hay họ đang triển khai tính năng xếp hạng, đánh giá của người dùng về chất lượng các điểm dịch vụ. Chẳng hạn, một cây xăng có hành vi gian lận, cửa hàng bán sản phẩm kém chất lượng, bị khách hàng cho điểm kém, họ sẽ gặp nhiều bất lợi và ngược lại.
Tác giả: Thành Duy
Nguồn tin: zing.vn