Học sinh Trường THPT Nhân Việt trong một giờ kiểm tra (Ảnh minh họa)
Thầy Hồ Hoài Khanh, tổ Ngữ văn của trường chia sẻ: Không phải riêng đề thi sáng nay mà những đề thi trước đó chúng tôi vẫn luôn hướng đến yêu cầu, đó là cập nhật những thông tin thời sự để HS tiếp cận và tạo kích thích cho HS khi làm bài cũng như học tập. Tuy nhiên, đề thi sáng nay là điều khiến tôi và các giáo viên thấy thú vị nhất, ra đề mà vẫn cảm thấy vô cùng lâng lâng hạnh phúc.
Ngay trưa nay, tôi đã đọc qua một vài bài làm của các em, bài viết rất mạch lạc và các em đã sử dụng triệt để các cụm từ: lịch sử gọi tên Việt Nam, không thể tin là sự thật, hơn cả giấc mơ, một thế hệ vàng của bóng đá Việt Nam, của bóng đá Đông Nam Á, sức mạnh của cả dân tộc… Những câu văn rất hay, đậm chất văn, và nhiều bài làm rất chất lượng.
Nhiều HS sau khi kết thúc bài thi cũng tỏ ra rất vui vì nhà trường ra đề kiểm tra liên quan đến sự kiện nóng, hấp dẫn và đầy ý nghĩa, tạo sự hưng phấn cho hàng triệu triệu trái tim Việt Nam.
Cụ thể, đề kiểm tra định kỳ dành cho khối 11, thời gian 120 phút
I. PHẦN ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Đọc đoạn ngữ liệu bên dưới và hoàn thành các câu hỏi:
Những ngày này, khi đội tuyển bóng đá U23 Việt Nam lập nên kỳ tích vang dội, lọt vào chơi trận chung kết giải U23 Châu Á khiến lớp lớp người dân đất Việt luôn trong tâm trạng sung sướng, tự hào. Chiến thắng này, mục tiêu này đã phải trải qua hàng chục năm, là mốc son trong lịch sử bóng đá nước nhà.
Không chỉ đơn thuần là bóng đá mà còn là lòng tự tin, tự hào dân tộc, khát vọng vươn tới của người Việt ở nhiều lĩnh vực khác. Vấn đề là từ “quả ngọt” của U23, Việt Nam sẽ phải làm gì để khát vọng ấy được thể hiện trên nhiều lĩnh vực khác; nhất là giúp thế hệ trẻ hôm nay luôn có khát vọng vươn tới tầm châu lục trong xây dựng cuộc sống và phát triển đất nước…
…Chúng ta vui mừng là đã có rất nhiều bạn trẻ mang trong mình khát vọng Việt và họ đang vươn tới để khẳng định giá trị của mình ở nhiều lĩnh vực. Không chỉ làm giàu cho bản thân, gia đình mà còn cống hiến rất nhiều cho cộng đồng, xã hội. Có không ít người đã vượt qua châu lục đạt tới tầm cao của thế giới ở các lĩnh vực như toán học, âm nhạc…
Vậy nên, tự hào về đội tuyển bóng đá U23 cho chúng ta một niềm tin: Khát vọng Việt là có thật trong từng con người cụ thể và cả xã hội, nhất là trong thế hệ trẻ. Vấn đề là nhà quản lý, gia đình, nhà trường, xã hội phải khơi dậy, đánh thức. Tiếp đó là ươm mầm, nuôi dưỡng. Để khát vọng ấy không chỉ được thể hiện trong bóng đá, trong thể thao mà cả trong cuộc sống, đặc biệt là trong khởi nghiệp, làm giàu.
Tự mỗi người trẻ cũng phải cảm nhận đầy đủ quyền lợi, nghĩa vụ của mình với bản thân, gia đình và xã hội trong việc vun đắp ước mơ, xây bờ hạnh phúc. Có khát vọng đi tới, tự bồi đắp, được dựng xây, người trẻ Việt sẽ có cơ hội tỏa sáng không chỉ ở trong nước mà còn vươn đến châu lục và toàn thế giới. Chúng ta cùng có niềm tin như vậy.
(Từ thành công của đội tuyển U23 Việt Nam nghĩ về khát vọng Việt, Baodantoc.com.vn, ngày 25/1/2018)
Câu 1 (0.5đ): Xác định phương thức biểu đạt của văn bản.
Câu 2 (0.5đ): Xác định nội dung của văn bản.
Câu 3 (1.0đ): Khát vọng Việt là có thật trong từng con người cụ thể và cả xã hội, nhất là trong thế hệ trẻ. Anh/chị suy nghĩ thế nào về câu nói trên.
Câu 4 (1.0đ): Có khát vọng đi tới, tự bồi đắp, được dựng xây, người trẻ Việt sẽ có cơ hội tỏa sáng không chỉ ở trong nước mà còn vươn đến châu lục và toàn thế giới. Anh/chị có đồng tình với quan điểm trên hay không? Vì sao?
II. PHẦN LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1 (2.0đ): 15h00 ngày 27/1/2018, đội tuyển U23 Việt Nam sẽ đá với đội tuyển U23 Uzbekistan tại VCK U23 Châu Á 2018. Đây là thời khắc lịch sử với đất nước, tất cả chúng ta đều hướng trái tim của mình về những đôi chân điêu luyện, hùng dũng đã sẵn sàng viết lên trang sử mới cho bóng đá nước nhà. Khát vọng Việt sẽ bước thêm một bước nữa để thắp sáng ngọn đuốc của sức mạnh, niềm tin dân tộc.
Anh/chị hãy bày tỏ xúc cảm của mình về sự kiện này bằng đoạn văn 200 chữ.
Câu 2 (5.0đ): Anh/chị hãy phân tích quan niệm sống hào hùng, tích cực, mới mẻ của Phan Bội Châu trong tác phẩm Lưu biệt khi xuất dương.
Tác giả: Hồng Đăng
Nguồn tin: Báo Giáo dục & Thời đại