Kinh tế

Tỷ phú đứng sau kho nhôm bí ẩn ở Việt Nam bị Mỹ nghi ngờ là ai?

Khởi sự từ một công ty nhỏ lẻ ở vùng Đông Bắc Trung Quốc, Liu Zhongtian đã biến Zhongwang trở thành một trong những nhà sản xuất nhôm lớn nhất thế giới.

Kho nhôm bí ẩn liên quan tới tỷ phú Trung Quốc tại Việt Nam bị nghi trốn thuế

Một kho dự trữ nhôm bí ẩn bị nghi trốn thuế bất ngờ "bốc hơi" khỏi Mexico và rồi được phát hiện nằm dưới những tấm bạt được giới bảo vệ canh phòng nghiêm ngặt tại một cảng biển Vũng Tàu. Kho nhôm này được cho là có liên quan mật thiết tới China Zhongwang Holdings, công ty nhôm khổng lồ do tỷ phú người Trung Quốc Liu Zhongtian sáng lập và điều hành.

Liu Zhongtian sinh năm 1970 tại tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc. Khi Trung Quốc bắt đầu thực hiện cải cách, Liu đã tận dụng thời thế thay đổi để lập nghiệp.

Ông Liu Zhangtian, Chủ tịch China Zhangwong Holdings. Ảnh: Wall Street Journal


Từ năm 14 tuổi, với số tiền vay được là 200 nhân dân tệ, ông Liu bắt đầu sản xuất và bán sơn chống cháy cho các nhà máy địa phương và thiết lập một hệ thống nhà máy trong những năm sau đó. Năm 1989, ông bắt đầu mở nhà máy tổng hợp nhựa, hóa chất và một số nhà máy nhôm.

Trong chiến lược kinh doanh, ông quan niệm rằng: "Mục tiêu của chúng rôi là bước đi 2, 3 bước lớn trong vòng 3-5 năm, nếu không, Zhongwang sẽ bị vùi dập bởi các công ty lớn hơn".

Năm 2003, ông được bầu làm đại biểu Quốc hội Trung Quốc và giữ cương vị này trong hai nhiệm kỳ liền.

Liu Zhongtian nổi danh là một "ông trùm" trong ngành nhôm từ năm 1993 khi ông bắt tay với một doanh nhân Hong Kong thành lập nên Zhongwang Holdings. Khởi sự từ một doanh nghiệp nội địa nhỏ lẻ ở vùng Đông Bắc Trung Quốc, Zhongwang ngày nay trở thành một trong những nhà sản xuất nhôm hàng đầu thế giới.

Theo Wall Street Journal (WSJ), hoạt động kinh doanh chính của công ty China Zhongwang là sản xuất các sản phẩm nhôm ép như ống nhôm, thanh nhôm và các tấm nhôm dùng để làm các khung cửa sổ, tủ lạnh hay xe ô tô.

Ông Liu đưa China Zhongwang niêm yết trên sàn chứng khoán Hong Kong vào tháng 5/2009 do chính ông nắm 74% cổ phần. Ông đã huy động được 1,26 tỷ USD trong đợt IPO và China Zhongwang trở thành một trong những thương vụ IPO đắt giá nhất thế giới trong năm đó.

Dù giá cổ phiếu China Zhongwang đã giảm một nửa kể từ đợt IPO khiến khối tài sản do ông nắm giữ cũng sụt giảm, song ông Liu vẫn là một trong các doanh nhân giàu có nhất bậc nhất Trung Quốc, với giá trị tài sản ước tính của tạp chí Forbes vào khoảng 3 tỷ USD.



Cùng năm công ty tiến hành IPO, kim ngạch xuất khẩu nhôm ép của Trung Quốc sang Mỹ tăng hơn gấp đôi so với năm 2008, lên 192.000 tấn. Dữ liệu của Dịch vụ Thông tin Thương mại Toàn cầu (GTIS) cho thấy, giá nhôm nhập khẩu của Mỹ năm đó giảm 30% so với năm trước.

Sự bất thường này đã khiến Bộ Thương mại Mỹ nghi ngờ, và các cuộc điều tra cho thấy có một số công ty, bao gồm các chi nhánh của China Zhongwang, đã bán phá giá nhôm khi nhận được sự hỗ trợ ở trong nước. Năm 2010, Mỹ đã áp mức thuế trừng phạt lên một số nhà nhập khẩu nhôm, bao gồm cả những công ty thuộc tập đoàn Zhongwang.

Các lô hàng đến Mỹ của China Zhongwang bỗng chốc tạm ngừng, và lợi nhuận năm 2010 của hãng giàm tới 26% so với năm trước đó. Công ty của ông Liu không hề phản hồi gì về cuộc điều tra của Bộ Thương mại của Mỹ, cơ quan này cho biết.

Công ty này cũng không hồi đáp yêu cầu bình luận về vấn đề này trên mặt báo. Trong một tuyên bố mới đây, China Zhongwang cho biết đã không còn bán các loại nhôm ép mà Bộ Thương mại Mỹ nhắm đến.

Trong khoảng thời gian này, doanh nhân trẻ gốc Singapore đầy tham vọng Po-Chi "Eric" Shen, cựu sinh viên Đại học California ở Berkeley và cũng là bạn của con trai ông Liu, bắt đầu mua lại nhiều mảnh đất tại thành phố San José Iturbide (Mexico).

Ở đó, Shen thành lập công ty Aluminicaste Fundicion de México nhằm xây dựng một nhà máy 200 triệu USD để làm tan chảy nhôm thành kim loại thô.

Kho nhôm khổng lồ tại Mexico nay đã được chuyển tới Việt Nam. Ảnh: Wall Street Journal
Tại Mexico, ông Shen đã thực hiện một kế hoạch đầy táo bạo. Theo nguồn tin thân cận với vụ việc, mạng lưới các công ty thương mại của ông có thể vận chuyển hàng trăm đến hàng nghìn tấn nhôm từ Trung Quốc sang Mexico, nơi một nhà máy sẽ làm tan chảy chúng cho những lô hàng xuất sang Mỹ để trốn thuế, đồng thời hưởng lợi từ Hiệp định mậu dịch Tự do Bắc Mỹ (NAFTA).

Trong hai năm 2011, 2012 sau đó, nhập khẩu nhôm ép của Mexico tăng mạnh, trong đó, đa phần là nhập về cho công ty logistics của Aluminicaste, khiến tin đồn về các kho dự trữ khổng lồ xuất hiện trong giới sản xuất nhôm của Mỹ.

Giờ đây, khối nhôm khổng lồ "trú ẩn" trên sa mạc Mexico đã được vận chuyển tới Việt Nam, theo nguồn tin của WSJ. Hành trình kho nhôm từ Mexico tới Việt Nam trùng hợp với sự gia tăng xuất khẩu kim loại này vào Việt Nam từ hai nước Trung Quốc và Mỹ.

Kể từ đầu năm 2015, khoảng 1,7 triệu tấn nhôm ép trị giá 5 tỷ USD đã được nhập cảng Việt Nam từ Mexico, Trung Quốc và Mỹ, theo GTIS.

Theo ước tính, kho nhôm này chiếm tới 14% tổng lượng hàng tồn kho nhôm trên thế giới. Nếu được bán ra thị trường, khối nhôm này sẽ tác động đáng kể đến giá nhôm toàn cầu.
Tác giả bài viết: An Phong
Nguồn tin: Tạp Chí Nhịp Cầu Đầu Tư

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok