Kinh tế

Tỷ phú Ấn Độ giàu thứ 2 châu Á xây cảng lớn tại Đà Nẵng

Tập đoàn của tỷ phú Ấn Độ Gautam Adani đã 'được chấp thuận' dự án xây dựng cảng biển tại Đà Nẵng (Việt Nam), một dự án nhằm khai thác các cơ hội từ hoạt động thương mại ngày càng tăng xung quanh khu vực này.

Theo ông Karan Adani - con trai cả của tỷ phú Gautam Adani và CEO Công ty Adani Ports and Special Economic Zone Ltd (APSEZ), công ty này đã nhận được "sự chấp thuận về nguyên tắc từ chính phủ Việt Nam" để phát triển một cảng mới tại Đà Nẵng.

Ông Karan cho biết dự án hiện đang trong giai đoạn đầu lập kế hoạch và tổng vốn đầu tư cần thiết vẫn chưa được hoàn thiện, nhưng dự án sẽ có các bến container và bến đa năng để xử lý các loại hàng hóa khác nhau vào cảng.

Ông Karan Adani, CEO Adani Ports.

Theo ông Karan, cảng dự kiến được xây dựng ở Đà Nẵng (Việt Nam) sẽ cảng quốc tế thứ 4 của Tập đoàn Adani, chỉ sau cảng Haifa ở Israel, cảng Colombo tại Sri Lanka và cảng Dar es Salaam ở Tanzania.

Được biết, APSEZ là công ty khai thác cảng lớn nhất Ấn Độ, và dự án tại Việt Nam sẽ góp phần "biến Ấn Độ thành một trung tâm hàng hải".

“Chúng tôi đang nhắm đến các quốc gia có sản xuất cao hoặc dân số cao, điều này sẽ dẫn đến mức tiêu thụ cao. Chúng tôi đang tập trung vào khối lượng xuất khẩu ở các quốc gia này”, ông Karan cho biết.

Ông Karan Adani cho biết Adani Ports hiện thu được khoảng 5% tổng khối lượng thương mại từ các hoạt động quốc tế và muốn tăng tỷ lệ này lên 10% vào năm 2030.

Thông tin này xuất hiện sau khi ông Karan Adani cho biết giai đoạn đầu tiên của cảng Vizhinjam tại Kerala (Ấn Độ) sẽ hoàn thành vào tháng 12 và cảng sẽ sẵn sàng hoạt động hoàn toàn vào năm 2028-29, với khoản đầu tư 20.000 crore ₹ từ công ty và chính quyền Kerala.

Đây là một cảng quan trọng vì gần các tuyến vận chuyển quốc tế có thể giúp Ấn Độ cạnh tranh với Dubai, Singapore và Sri Lanka.

Con trai người giàu thứ 2 châu Á cho biết công ty cũng đang tìm kiếm cơ hội thực hiện dự án quốc tế tại Trung Đông, Đông Nam Á, Đông Phi, Bangladesh, Sri Lanka, Maldives, Việt Nam và Campuchia vì các khu vực này có nhiều hoạt động thương mại với Ấn Độ.

Là dự án Cảng biển Liên Chiểu trị giá gần 2 tỷ USD?

Thông tin mới nhất từ phía người đại diện nhà Adani chưa nêu rõ thông tin về dự án cũng như định mức đầu tư.

Tuy nhiên, hồi cuối tháng 2 năm nay, truyền thông Việt Nam từng đưa tin Tập đoàn Adani của Ấn Độ và Tập đoàn Sumitomo của Nhật Bản đã bày tỏ sự quan tâm đến việc xây dựng dự án cảng biển Liên Chiểu trị giá 48.300 tỷ VNĐ (1,96 tỷ USD) tại Đà Nẵng.

Sự trùng hợp về thông tin khiến nhiều người đồn đoán dự án được nhà Adani đầu tư xây dựng là dự án Cảng Liên Chiểu.

Theo đó, Văn bản Đà Nẵng gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư xin Thủ tướng Chính phủ chấp thuận dự án nêu rõ phương án ưu tiên là đầu tư 8 bến container và 6 bến tổng hợp.

Các bến container có thể tiếp nhận tàu có trọng tải từ 50.000-200.000 tấn, trong khi các bến tổng hợp có thể tiếp nhận tàu có trọng tải từ 50.000-100.000 tấn.

Với diện tích 450 ha, cảng biển này có khả năng tiếp nhận lượng hàng hóa trao đổi khoảng 50 triệu tấn mỗi năm.

Dự án cũng bao gồm khoản đầu tư 3.462 tỷ đồng (140,5 triệu USD) từ ngân sách nhà nước cho các khu vực chung. Việc xây dựng phần này bắt đầu vào tháng 9/2023 và dự kiến hoàn thành vào năm 2025.

Địa điểm được chọn làm cảng Liên Chiểu tại thành phố Đà Nẵng. (Ảnh: Vietnamnet)

Lời hứa đầu tư 10 tỷ USD vào Việt Nam của "ông trùm" Ấn Độ

Vào tháng 12/2023, chủ tịch Gautam Adani của "đế chế" Adani cho biết tập đoàn Ấn Độ có kế hoạch đầu tư tới 10 tỷ USD vào cơ sở hạ tầng và năng lượng tái tạo tại Việt Nam.

Tỷ phú Ấn Độ Gautam Adani.

Theo ông Adani, tập đoàn này hướng đến các khoản đầu tư vào cảng biển, năng lượng xanh, truyền tải điện, sân bay, đường thủy nội địa và các lĩnh vực khác mà hai bên cùng quan tâm.

Tập đoàn Adani hiện sở hữu 14 cảng biển tư nhân, chiếm 25% năng lực cảng biển của Ấn Độ và 7 sân bay lớn. Trong năm 2023, tập đoàn này ghi nhận doanh thu đạt khoảng 33 tỷ USD, lợi nhuận khoảng 2,9 tỷ USD, với 29.000 nhân viên trên toàn cầu.

Tác giả: Quỳnh Anh

Nguồn tin: vietnamfinance.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok