Giáo dục

Tuyệt đối không khảo sát trình độ của trẻ trước khi vào lớp 1

Đây là lưu ý c ủa Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc trong hướng dẫn tuyển sinh vào lớp 1 năm học 2017 - 2018 trên địa bàn.

Theo hướng dẫn này, việc biên chế học sinh vào các lớp 1 và phân công giáo viên chủ nhiệm được Sở GD&ĐT yêu cầu thực hiện như sau:

Hồ sơ học sinh được lấy ngẫu nhiên để lập danh sách học sinh của từng lớp, đảm bảo cân bằng giới trong từng lớp. Việc biên chế học sinh vào các lớp 1, phân công giáo viên chủ nhiệm phải được công khai và thể hiện bằng biên bản.

Việc thay đổi học sinh từ lớp này sang lớp khác chỉ thực hiện khi thật sự cần thiết, có lý do chính đáng và phải được công khai để tạo tâm lý ổn định cho học sinh khi vào học.

Nhà trường tổ chức các hoạt động tiếp nhận học sinh chu đáo để tạo ấn tượng tốt đẹp, gây hứng thú cho các em khi đến trường. Đồng thời chú trọng hướng dẫn làm quen môi trường học tập mới. Hướng dẫn mua sách, vở, đồ dùng học tập, chuẩn bị tâm lý cho các em mạnh dạn, tự tin khi vào học lớp 1.

Tuyệt đối không khảo sát trình độ của trẻ trước khi vào lớp 1. Giáo viên khi nhận lớp cần nghiên cứu hồ sơ học sinh để biết trẻ đã hoàn thành hay chưa hoàn thành chương trình mẫu giáo 5 tuổi, qua đó có kế hoạch dạy học phù hợp với đối tượng học sinh, nghiêm cấm tình trạng dạy theo số đông đã biết chữ mà bỏ rơi học sinh khác.

Không bố trí lớp chọn theo yêu cầu của cha mẹ học sinh hoặc khả năng đọc, viết của học sinh. Năm học 2017-2018, các nhà trường cần xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết để tiếp tục triển khai dạy học Tiếng Việt 1- Công nghệ giáo dục đạt hiệu quả cao.

Nhà trường cần bố trí thời gian khi học sinh tựu trường để hướng dẫn học sinh làm quen với lớp 1 như chuẩn bị cặp, sách vở, đồ dùng học tập, chỗ ngồi, giới thiệu về nhà trường, thầy cô, bạn bè… giúp trẻ làm quen dần với việc học tập. Thường xuyên trao đổi với cha mẹ học sinh về những trường hợp học sinh có biểu hiện nhút nhát, sợ sệt để có giải pháp giúp các em có tâm lý thoải mái, tự tin khi đến trường.

Để làm tốt điều này giáo viên cần chú ý: Hướng dẫn học sinh ngồi đúng tư thế, cách cầm bút, đặt vở, mở trang sách giáo khoa…Chú trọng dạy học kĩ năng giao tiếp, cách xưng hô, phép lịch sự trong sinh hoạt hàng ngày, cách diễn đạt, trình bày với thầy cô, bạn bè, cha mẹ,…

Khi giảng dạy giáo viên không phân biệt học sinh biết và chưa biết đọc, viết. Tuyệt đối không bỏ qua bài học mà phải hướng dẫn đầy đủ các bước theo quy trình dạy học của từng môn học. Đối với học sinh đã biết đọc, viết, giáo viên cần kiểm tra lại cách viết, đọc, tư thế ngồi để điều chỉnh kịp thời.

Đối với học sinh chưa qua lớp mẫu giáo 5 tuổi, ngay từ những ngày đầu tựu trường, các nhà trường cần có kế hoạch giúp đỡ, rèn luyện cho các em một số kiến thức, kỹ năng làm quen với môi trường học tập để chuẩn bị tâm lý cho các em vào học lớp 1.

Hiệu trưởng nhà trường phổ biến, tuyên truyền và tổ chức cho giáo viên ký cam kết không tổ chức dạy thêm trong và ngoài nhà trường dưới mọi hình thức. Nghiêm cấm tổ chức dạy trước cho học sinh lớp 1. Hiệu trưởng chịu hoàn toàn trách nhiệm trước các cấp quản lý nếu để giáo viên của nhà trường vi phạm qui định về dạy thêm, học thêm.

Tác giả: Lập Phương

Nguồn tin: Báo Giáo dục & Thời đại

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok