Hai người có vợ đi xuất khẩu lao động nhưng không biết vợ hiện đang ở đâu |
Theo lời kể của chị Y Hmel (28 tuổi, ở làng Đăk Prông, xã Đăk Tờ Kan, H.Tu Mơ Rông), vào những ngày cuối tháng 9.2017, bà Y Duần, cán bộ phụ nữ xã Đăk Tờ Kan, xưng là người của Công ty Colecto - chi nhánh Thanh Hóa đến nhà tuyển XKLĐ, mời chào đi lao động ở Ả Rập Xê Út. Bà Duần nói nếu XKLĐ, mỗi tháng được hưởng 9 triệu đồng. Đến ngày 7.10.2017, Y Hmel được hướng dẫn ra Thanh Hóa để đào tạo nghề. "Họ bảo em không được mang theo điện thoại di động", Y Hmel nói.
Ra đến Thanh Hóa, Y Hmel ở cùng phòng với các chị: Y Lập, Y Ánh (trú H.Ngọc Hồi), Y Ninh, Y Hồng (xã Đăk Tờ Kan) và Y Ben, Y Leo (xã Đăk Sao, H.Tu Mơ Rông, Kon Tum). Theo Y Hmel, ngoài thời gian học tiếng Ả Rập Xê Út, cả nhóm đều ở trong phòng đã bị khóa trái cửa. Muốn mua đồ hay ra ngoài thì người của công ty dẫn đi, không cho đi một mình.
Cảm thấy bất an, Y Hmel tìm cách cầu cứu người nhà và chính quyền địa phương. Bà Đỗ Thị Phượng, cán bộ phụ trách chính sách, xã hội xã Đăk Tờ Kan, H.Tu Mơ Rông, cho biết khi chính quyền can thiệp thì Y Hmel mới được cho về nhưng phải bồi thường cho công ty 13 triệu đồng. Y Hmel năn nỉ vì không có tiền, họ giảm xuống còn 6 triệu đồng và đầu tháng 11.2017 mới về được nhà.
Ông Nguyễn Thuận Hóa, Chủ tịch UBND xã Đăk Tờ Kan, cho biết Công ty Colecto - chi nhánh Thanh Hóa tuyển người đi lao động nước ngoài nhưng không thông qua chính quyền. Hiện Công an H.Tu Mơ Rông đã vào cuộc tìm kiếm những trường hợp “được tuyển đi lao động” đang ở đâu. Còn ông Nguyễn Văn Bền, Phó chủ tịch UBND xã Đăk Sao, cũng xác nhận Công ty Colecto - chi nhánh Thanh Hóa tuyển lao động rồi đưa đi khỏi xã, chính quyền không hay biết. Vì vậy xã đã báo cáo UBND H.Tu Mơ Rông xin ý kiến giải quyết vụ việc.
Theo UBND H.Tu Mơ Rông, ngoài 2 xã nói trên, Công ty Colecto - chi nhánh Thanh Hóa còn tuyển lao động chui ở các xã khác trong huyện. Ông Y Rin Ka, Phó chủ tịch UBND H.Tu Mơ Rông, nói rằng huyện đã có văn bản gửi các xã, yêu cầu thông báo cho người dân biết, để tránh XKLĐ qua tuyển dụng trái quy định. UBND H.Tu Mơ Rông cũng đề nghị Sở LĐ-TB-XH tỉnh Kon Tum can thiệp để các doanh nghiệp tuyển dụng lao động trái quy định đưa các công dân trở về gia đình trong thời gian sớm nhất.
Ông Trần Văn Thiện, Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh Kon Tum, cho biết có khoảng 15 lao động ở 2 huyện Kon Plông và Tu Mơ Rông đã được Công ty Colecto - chi nhánh Thanh Hóa đưa ra Thanh Hóa đào tạo nghề trái quy định để XKLĐ sang Ả Rập Xê Út.
Theo ông Thiện, tháng 12.2017, Sở mới cho phép Công ty Colecto - chi nhánh Thanh Hóa (trụ sở tại P.Quảng Hưng, TP.Thanh Hóa) tuyển lao động tại tỉnh Kon Tum, nhưng trừ 2 huyện: Tu Mơ Rông và Kon Plông, tuy nhiên họ vẫn bất chấp, tuyển "chui" người XKLĐ. Hiện, tỉnh đã có văn bản tạm dừng hoạt động tư vấn tuyển dụng người đi XKLĐ làm việc có thời hạn ở nước ngoài đối với Công ty Colecto trên địa bàn. Bởi công ty này không chấp hành các nội dung cam kết với cơ quan chức năng tỉnh Kon Tum, tự ý tuyển lao động ở 2 huyện Tu Mơ Rông và Kon Plông khi chưa được phép.
Tác giả: Phạm Anh
Nguồn tin: Báo Thanh Niên