Giáo dục

Tuyển sinh ĐH 2017: “Chẳng hiểu nhiều nguyện vọng để làm gì”

Trong dự thảo mới nhất về tuyển sinh ĐH năm 2017, Bộ GD-ĐT dự kiến “mở” đầu vào cho thí sinh bằng cách không khống chế số lượng nguyện vọng đăng ký dự thi và bỏ điểm sàn đại học.

Lãnh đạo các trường và chuyên gia tuyển sinh đón nhận những thay đổi này của Bộ với nhiều tâm trạng khác nhau.

“Nhiều nguyện vọng là không cần thiết”

Đáng chú ý, ý tưởng không hạn chế số lượng nguyện vọng của thí sinh lại không nhận được nhiều ủng hộ của những người được hỏi.

Thí sinh đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ năm 2016

Ông Trần Đình Lý, Trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, nhận xét “Nghe qua thì thấy dự thảo đang hướng đến đến quyền lợi một cách tối đa cho thí sinh. Nhưng điều này không cần thiết. Thực tế, tuyển sinh nhiều năm qua có nhiều em không sử dụng hết quyền trợ giúp về số nguyện vọng tối đa”.

Ông Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, thì thẳng thắn “Cho thí sinh đăng kí nhiều nguyện vọng chỉ làm rối phần mềm tuyển sinh”.

Theo ông Dũng, động tác này tưởng như tăng thêm điều kiện cho thí sinh nhưng thật ra bị rối. “Khi cả nước có 1 triệu thí sinh nếu một em đăng kí 100 nguyện vọng thì sẽ có bao nhiêu nguyện vọng?”.

Ông Dũng cho biết theo kinh nghiệm của ông, “một thí sinh đã chọn khối A thì đăng kí 4 nguyện vọng là hết cỡ. Ngay đợt đầu tiên nếu muốn vào trường công sẽ chọn những trường top trên trước, sau đó sẽ chọn những trường top 2, trong một trường chọn 2-3 ngành”.

Đồng tình với ông Dũng, ông Lê Trường Tùng, Chủ tịch HĐQT Trường ĐH FPT, phân tích “Đối với các nguyện vọng 1, 2, 3 thí sinh có thể so sánh nguyện vọng này hơn nguyện vọng kia, nhưng khi nhiều nguyện vọng quá thì mọi người không đủ sức để phân biệt nữa. Sẽ chỉ còn những nguyện vọng ở nhóm đầu và những nguyện vọng ở nhóm sau, trúng được cái nào thì trúng. Không đỗ trường nọ thì đỗ trường kia, để được đi học, để không phải ở nhà...”.

“Trong thực tế, phải tính đến khả năng nếu không bị cấm thí sinh sẽ chọn 3 nguyện vọng "ngon lành" nhất, còn lại sẽ nhét tất cả các nguyện vọng có thể vào phía sau. Lúc đó xử lý như thế nào?” – ông Tùng đặt câu hỏi.

Một chuyên gia khảo thí thì phân tích về mặt lý thuyết, phương án này là có lợi cho thí sinh khi các em có nhiều cơ hội trúng tuyển vào các trường ĐH hơn.

Tuy nhiên, vị này nhận định trong thực tế, việc cho phép đăng ký không hạn chế nguyện vọng có thể dẫn đến tình trạng nhiều thí sinh đậu các nguyện vọng thấp nhưng không nhập học vì đó không phải là ngành các em thực sự mong muốn học mà chỉ đăng ký cho có. Từ đó, lượng thí sinh ảo của các trường sẽ tăng lên nhiều và không loại trừ nhiều trường có nhiều thí sinh đăng ký nhưng số lượng thí sinh nhập học thực tế lại không có bao nhiêu.

Chống ảo là việc của các trường

Vị chuyên gia khảo thí nói trên cũng cho rằng, việc yêu cầu thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển ngay từ đầu trước khi có điểm thi và sau đó cho phép sửa lại sau khi có điểm là hợp lý.

Ảnh Đinh Quang Tuấn

Tuy nhiên, vị này lo ngại, việc quy chế tuyển sinh năm 2017 cho phép thí sinh sửa đổi nguyện vọng đăng ký xét tuyển nhiều lần, dù trong thời gian quy định dễ gây ra tình trạng rối loạn nhất là khi thí sinh thường có tâm lý chờ đợi nghe ngóng thông tin từ các trường và việc sửa đổi thông tin đăng ký xét tuyển có thể dồn vào ngày cuối cùng của thời hạn đăng ký.

Vị chuyên gia này cho rằng, nên hạn chế số lượng nguyện vọng đăng ký xét tuyển của thí sinh để thí sinh cân nhắc kỹ lưỡng và cũng để giúp các trường có thể lọc được thí sinh ảo.

Còn với việc Bộ GD-ĐT khống chế chỉ xác định trúng tuyển cho nguyện vọng ưu tiên cao nhất của thí sinh, ông Lê Trường Tùng cho rằng đây là can thiệp vào sự lựa chọn của thí sinh.

“Nếu như Bộ đưa ra giải pháp này để chống ảo, thì tôi nghĩ rằng ảo không phải là việc của Bộ, cũng chẳng phải việc của thí sinh, mà là của trường.Các trường đều có cách giải quyết thí sinh ảo, không triệt để được thì cũng ở mức độ nào đó” – ông Tùng bày tỏ quan điểm.

Ủng hộ bỏ điểm sàn

Việc Bộ dự kiến bỏ điểm sàn được đánh giá là “cũng tốt”.

Ông Phạm Thái Sơn, Trường ĐH Công Nghệ thực phẩm TP.HCM nhận định “Việc bỏ điểm sàn không có ý nghĩa nhiều khi xét bằng điểm học bạ. Khi giao tự chủ thì các sẽ có trách nhiệm hơn khi xác định thương hiệu".

Ảnh Đinh Quang Tuấn

Một chuyên gia tuyển sinh khác thì cho rằng việc bỏ điểm sàn có thể giúp một số trường khó khăn trong tuyển sinh tuyển thêm được một số thí sinh, song số này không nhiều vì các thí sinh vẫn phải đảm bảo điều kiện tốt nghiệp THPT.

Vị này cũng cảnh báo "Thương hiệu của các trường hiện nay đã được định hình vì vậy, việc các trường hạ điểm nhận hồ sơ xuống mức quá thấp để thu hút những thí sinh có điểm thi thấp có thể ảnh hưởng tới thương hiệu và vị thế của các trường. Chưa kể, điều này cũng có thể khiến họ mất những thí sinh điểm cao do tâm lý nghi ngại về chất lượng đào tạo".

Ông Lê Trường Tùng thì bình luận “Việc này là thực hiện quyền vào đại học của tất cả thí sinh đã tốt nghiệp THPT. Trước đây Bộ đặt ra rào chắn là ngưỡng đảm bảo chất lượng, năm nay dự kiến như vậy là đi theo hướng dân chủ hóa, mọi thí sinh đều có quyền vào đại học”.

Ông Đỗ Văn Dũng nhìn nhận hiện nay cả xã hội đang chạy theo tuyển sinh, cả trường chạy theo "làm khổ xã hội”.

Ông Dũng cũng đề nghị trong Bộ trưởng cần đưa ra lộ trình nhiều năm, từng bước cải cách, không thể mỗi năm lại chỉnh sửa.

Tác giả bài viết: Ngân Anh – Lê Huyền – Lê Văn

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok