Kinh tế

Tuyên bố không thiếu gạo, Việt Nam vẫn phải nhập từ Ấn Độ

Lãnh đạo Bộ NN-PTNT khẳng định, gạo sản xuất không hề thiếu, đủ cho nhu cầu tiêu dùng trong nước, dư thừa để xuất khẩu. Còn các doanh nghiệp nhập khẩu gạo Ấn Độ về để chế biến, làm thức ăn chăn nuôi.

Mới đây, sau khi có thông tin Việt Nam lần đầu tiên nhập khẩu gạo từ Ấn Độ, nhiều ý kiến cho rằng đây là điều bất thường, bởi Việt Nam vốn là 1 trong 3 nước xuất khẩu gạo nhiều nhất thế giới. Thế nên, việc đột nhiên nhập khẩu gạo từ Ấn Độ có phải do mặt hàng này trong nước đang thiếu hụt?

Trao đổi với PV.VietNamNet về vấn đề này, Cục trưởng Cục trồng trọt (Bộ NN-PTNT) Nguyễn Như Cường khẳng định, chúng ta nhập khẩu gạo không phải do thiếu. Theo ông, đến thời điểm này, Việt Nam vẫn dư thừa lương thực vì trong năm 2020, chúng ta sản xuất được tới 42,8 triệu tấn thóc.

Trong khi đó, bước sang năm 2021, việc sản xuất lúa tại các địa phương trên cả nước vẫn diễn ra bình thường. Đặc biệt, tại ĐBSCL, trong tháng 1 này sẽ bước vào vụ thu hoạch Đông Xuân sớm với sản lượng dự kiến đạt 1,2 triệu tấn thóc.

Lãnh đạo Cục Trồng trọt khẳng định nước ta không thiếu gạo, thậm chí dư thừa để xuất khẩu

“Tôi khẳng định chúng ta nhập khẩu gạo từ Ấn Độ không phải vì thiếu. Gạo Việt Nam chúng ta sản xuất đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước, còn dư thừa để xuất khẩu”, ông Cường nói và cho biết, ông đọc thông tin trên báo nói các doanh nghiệp đã nhập khoảng 70.000 tấn gạo của Ấn Độ. Đây đều là gạo 100% tấm. Hàng này nhập về để chế biến và làm thức ăn chăn nuôi.

Ngày trước, ông đã từng ăn loại gạo 100% tấm này của Ấn Độ. Gạo rất khó ăn, không ngon như gạo của chúng ta sản xuất, ông chia sẻ thêm.

Đề cập đến tình hình sản xuất lúa gạo của Việt Nam trong năm 2021 này, ông Cường cho hay, hạn mặn vẫn tiếp tục xảy ra, nhưng Bộ NN-PTNT, cơ quan chuyên môn và các địa phương đã có kế hoạch né hạn mặn bằng việc thay đổi cơ cấy giống lúa, đẩy sớm lịch gieo cấy.

Như vụ Đông Xuân sớm ở ĐBSCL sắp thu hoạch chính là diện tích lúa mà chúng ta đẩy sớm vụ để không bị ảnh hưởng bởi hạn mặn. Theo ông Cường, sản lượng lúa năm nay của nước ta dự kiến sẽ thu khoảng gần 43 triệu tấn.

Trả lời Reuters trước đó, một doanh nghiệp gạo có trụ sở tại TP.Hồ Chí Minh cho biết, gạo nhập khẩu từ Ấn Độ chủ yếu sử dụng làm thức ăn chăn nuôi và nấu bia. Nguyên nhân là chất lượng gạo quá kém.

Năm 2021, dự kiến sản lượng lúa của nước ta đạt gần 43 triệu tấn

Chia sẻ về chuyện Việt Nam nhập khẩu gạo từ Ấn Độ trên báo Dân Việt, ông Nguyễn Quang Hòa, Giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu gạo, cho biết, các doanh nghiệp Việt nhập gạo từ Ấn Độ nhưng chủ yếu là nhập tấm về chế biến bún, bánh, thức ăn gia súc hoặc làm bia.

Nguyên nhân theo ông là do giá gạo của Ấn Độ đang thấp hơn so với gạo của Việt Nam cùng loại. Chưa kể, thuế nhập khẩu tấm rất thấp nên các doanh nghiệp nhập khẩu mặt hàng này từ Ấn Độ về chế biến sẽ có nhiều lợi thế hơn.

Ngoài lý do về giá và thuế, sở dĩ năm nay các doanh nghiệp Việt nhập tấm từ Ấn Độ còn vì vài năm trở lại đây, nước ta chủ trương giảm diện tích lúa chất lượng trung bình như IR40404, tăng diện tích lúa thơm, lúa chất lượng cao. Do đó, phân khúc gạo cấp thấp, tấm phục vụ chế biến đang thiếu.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, sản xuất lúa năm 2020 tiếp tục xu hướng tăng tỷ lệ sử dụng giống lúa chất lượng cao lên trên 74% (cao hơn so với mức 50% của năm 2015). Tỷ trọng gạo chất lượng cao chiếm trên 85% gạo xuất khẩu đã góp phần nâng giá gạo xuất khẩu bình quân từ 440 USD/tấn năm 2019 lên 496 USD/tấn năm vừa qua.

Bộ NN-PTNT cho hay, trong tháng 12/2020, gạo 5% tấm của Việt Nam được chào bán với giá từ 495-500 USD/tấn. Đây là mức giá cao nhất trong vòng một thập kỷ qua và một lần nữa đưa Việt Nam lên ngôi số 1 thế giới về giá bán gạo.

Còn về tình hình sản xuất lúa gạo trong năm 2020, các vựa lúa ở nước ta đồng loạt thông báo trúng mùa lớn, sản lượng lúa đạt gần 43 triệu tấn. Do đó, gạo Việt không chỉ làm tròn trách nhiệm đảm bảo an ninh lương thực mà còn phục vụ xuất khẩu, thu về 3,1 tỷ USD, tăng 9,3% so với năm 2019.

Tác giả: T.An

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok