Nhà bà Lang bị nứt nghiêm trọng nhưng không dám sửa chữa và không dám ở do căn nhà ông Thái chưa được trả lại hiện trạng ban đầu - Ảnh: Chí Quốc
Đó là trường hợp của bà Thái Thị Lang (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) - người thắng kiện trong vụ kiện dân sự đối với người hàng xóm làm nghiêng, lún, nứt nhà bà.
“Để lại” một nửa bản án
Theo đơn khởi kiện của bà Thái Thị Lang, từ năm 2005 công trình xây dựng nhà ở của ông Tạ Quốc Thái (sát vách nhà bà Lang) làm hư hỏng nhà bà ở khu vực nhà bếp, vách dọc cầu thang, cửa phòng, cột nhà, tường nhà.
Thậm chí căn nhà của ông Thái bị nghiêng lệch sang nhà bà hơn 4cm, tường nhà ông Thái đâm sang tường nhà bà làm căn nhà bị nứt trầm trọng.
Bà khởi kiện yêu cầu ông Thái phải có biện pháp tách rời các phần thi công dính vào nhà bà và khôi phục hiện trạng ban đầu nhà ông Thái để chấm dứt việc thiệt hại cho nhà bà. Bà yêu cầu phía ông Thái phải bồi thường chi phí sửa chữa cho nhà bà với số tiền tạm tính là 150 triệu đồng.
Ngày 22-5-2014 tòa sơ thẩm tuyên xử buộc ông Thái bồi thường thiệt hại về tài sản do làm ảnh hưởng nhà bà Lang với số tiền 148,5 triệu đồng. Đồng thời buộc ông Thái khôi phục hiện trạng ban đầu của căn nhà ông để chấm dứt việc gây thiệt hại cho nhà bà Lang.
Ông Thái kháng cáo và TAND TP Cần Thơ đưa vụ việc ra xét xử phúc thẩm vào ngày 16-9-2014, tuyên y án sơ thẩm.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực, ông Thái đã bồi thường số tiền 148,5 triệu đồng cho bà Lang, nhưng phần “khôi phục hiện trạng ban đầu” mà tòa tuyên thì đến nay chưa thực hiện.
Bà Lang đã nhiều lần kiến nghị Chi cục Thi hành án quận Ninh Kiều thi hành bản án nhưng nơi đây không thực hiện.
Tháng 2-2016, Tổng cục Thi hành án dân sự tiếp tục có văn bản gửi cục trưởng Cục Thi hành án dân sự TP Cần Thơ “nhắc” vụ việc của bà Lang.
Tổng cục Thi hành án dân sự yêu cầu Cục Thi hành án dân sự TP Cần Thơ rà soát lại toàn bộ nội dung vụ việc và chỉ đạo chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự quận Ninh Kiều chỉ đạo chấp hành viên có biện pháp tổ chức thi hành bản án dân sự của TAND TP Cần Thơ.
“Hơn một năm qua gia đình tôi chạy qua chạy lại như con thoi giữa hai cơ quan Cục Thi hành án TP Cần Thơ và Chi cục Thi hành án quận Ninh Kiều để biết khi nào bản án được thi hành nhưng đến nay không có câu trả lời nào, gia đình tôi thì sống trong phập phồng lo sợ vì căn nhà ông Thái không được khắc phục thì không biết tai họa sẽ xảy ra lúc nào với nhà tôi.
Ông Thái không khôi phục hiện trạng ban đầu căn nhà thì tôi cũng không sửa chữa căn nhà mình được” - bà Lang bày tỏ.
Thi hành án: tòa tuyên khó thực hiện
Ông Nguyễn Viết Xuân - cục trưởng Cục Thi hành án dân sự TP Cần Thơ - thừa nhận vụ khiếu nại của bà Lang đã rất lâu, thuộc thẩm quyền giải quyết của Chi cục Thi hành án dân sự quận Ninh Kiều.
Cục Thi hành án dân sự TP Cần Thơ đã xuống hỗ trợ, đề nghị tiến hành một số việc nhưng đến nay vẫn chưa xong. Cách nay khoảng một tháng, UBND quận Ninh Kiều có cuộc họp giải quyết vụ việc này nhưng cũng không kết luận được.
Theo ông Xuân, cái khó của bản án là do tòa tuyên rất khó thực hiện. Cụ thể, phần tuyên bồi thường thiệt hại thì đã xong, nhưng phần tuyên thứ hai khôi phục hiện trạng ban đầu thì hiện trạng ban đầu là thế nào, có căn cứ, tiêu chí, tiêu chuẩn hay cái gì cụ thể để buộc ông Thái thực hiện?
Ông Xuân cũng cho rằng trường hợp xác định đã rõ nhà ông Thái tiếp tục nghiêng lún thì cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương phải có trách nhiệm xử lý, phải xác định có hay không, nếu cần thiết thì khởi kiện vụ nghiêng lún này tiếp.
“Việc ông Thái không thi hành bản án, ngành thi hành án cũng khó vào nhà người ta. Thi hành án mà mở cửa xông vào thì trình tự, thủ tục... phải có quy trình.
Thi hành án không thể vào đó làm thần đèn mà phải có cơ sở. Bản án tuyên không rõ ràng, tuyên không thể thực hiện được.
Vừa qua chúng tôi có tham khảo nghiệp vụ, trao đổi với cấp trên thì Tổng cục Thi hành án dân sự cũng thấy rằng bản án tuyên rất khó thực hiện.
Người dân thì bức xúc, chúng tôi đã làm văn bản báo cáo trưởng ban chỉ đạo thi hành án có cuộc họp hiến kế cho thi hành án thực hiện vụ việc đúng pháp luật” - ông Xuân nói.
Tuyên chung chung, thi hành án khó xử lý
Luật sư Nguyễn Duy Bình (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng muốn cơ quan thi hành án tổ chức cưỡng chế tháo dỡ phần nghiêng, đâm tường trả lại hiện trạng ban đầu thì trước hết khi thụ lý vụ việc tòa phải tổ chức thẩm định xác định rõ phần nghiêng, đâm tường, sau đó tuyên buộc bên ông Thái tháo dỡ khắc phục những phần cụ thể.
Nếu ông Thái không tự nguyện thi hành thì cơ quan thi hành án có quyền tổ chức cưỡng chế, tháo dỡ. Nếu bản án chỉ tuyên chung chung buộc khắc phục, tháo dỡ trả lại hiện trạng ban đầu thì thi hành án cũng rất khó xử lý.
Theo luật sư Bình, trường hợp này muốn khắc phục triệt để, tránh hậu quả tiếp theo thì ngoài việc thẩm định như trên, tòa án cần xác định độ nghiêm trọng của công trình và tuyên biện pháp khắc phục đúng kỹ thuật xây dựng (tháo dỡ, gia cố móng, thậm chí phải đập bỏ cả công trình xây dựng).
Nếu tòa giải quyết chưa chính xác, cụ thể và công trình xây dựng vi phạm là công trình nhiều tầng thì có khi phải đề nghị giám đốc thẩm hủy bản án sơ thẩm, phúc thẩm để xét xử lại.
Tác giả bài viết: Chí Quốc