Một trung tướng của Thái Lan đã bị kết án 27 năm tù giam vì tội buôn bán người tại một phiên tòa quy mô lớn, theo BBC.
Các bị cáo, gồm nhiều sĩ quan quân đội, cảnh sát và chính trị gia, bị bắt vào năm 2015 sau khi nhà chức trách nước này phát hiện hàng chục ngôi mộ sơ sài trong những khu rừng gần biên giới giữa Thái Lan với Malaysia.
Tướng Manas đã bị bắt vào năm 2015. |
Các ngôi mộ nằm trong một lán trại nơi những kẻ buôn lậu người bắt người Hồi giáo Rohingya làm con tin và tống tiền gia đình nạn nhân. Nhiều người đã chết vì đói hoặc sốt rét.
Những người Hồi giáo Rohingya đã trốn khỏi Myanmar nhiều năm qua và trả tiền cho những kẻ buôn lậu người để giúp họ trốn thoát.
Theo đó, tướng Manas Kongpan là một trong 60 người bị buộc tội buôn lậu người Bangladesh và Hồi giáo Rohingya trốn khỏi Myanmar và dẫn đến thảm kịch nói trên.
Một cựu quan chức cấp cao khác cũng đã bị tuyên án 75 năm tù. Hơn 100 bị cáo khác đang nằm trong diện xét xử.
Các tổ chức nhân quyền cho rằng vụ án này mới chỉ cho công chúng thấy “bề nổi của tảng băng chìm”, các đường dây buôn người Thái Lan vẫn còn đó.
Trong số những người bị kết án trong phiên xử phúc thẩm hôm 19/7, có thượng tướng Manas Kongpaen, quan chức cao cấp nhất bị xét xử.
Vụ án này càng thu hút thêm sự chú ý khi người đứng đầu cuộc điều tra về nạn buôn người - trung tướng Paween Pongsirin, phải ra nước ngoài vì bị đe dọa tính mạng.
Việc bắt giữ cựu trung tướng Manas Kongpan hồi tháng 6/2015 được xem là một phần nỗ lực của Thái Lan trong việc chặn đứng một tuyến đường buôn lậu người xuyên quốc gia.
Theo BBC, tướng Manas Kongpan là thành viên đầu tiên trong lực lượng quân đội Thái Lan dính líu đến buôn lậu dân nhập cư.
Nạn buôn người đang là một vấn đề nhức nhối ở Thái Lan. |
Vụ bắt giữ đã dẫn đến làn sóng chỉ trích của dân chúng đối với những quan chức cấp cao trong quân đội. Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha đã phải lên tiếng trấn an tình hình rằng đường dây buôn lậu người này chỉ có số ít người trong quân đội dính vào.
"Có rất nhiều người liên quan đến mạng lưới buôn lậu người này", ông nói với báo giới. "Nhưng đừng đánh đồng tất cả binh lính sĩ quan".
Trước đó vào năm 2015, hàng ngàn người tị nạn đã bị bỏ mặc ngoài biển khi họ cố gắng chạy trốn khỏi miền nam Thái Lan vào Malaysia và những quốc gia trong khu vực.
Cuộc khủng hoảng gia tăng sau khi dư luận quốc tế gây áp lực với Chính phủ Thái Lan với yêu cầu các cuộc điều tra mạng lưới buôn lậu phải mạnh tay hơn.
Việc này dẫn dến nhiều kẻ buôn người bỏ rơi dân tị nạn, bỏ mặc họ trên biển hoặc dọc đường khi không quốc gia láng giềng nào muốn nhận họ.
Tác giả: Quốc Vinh
Nguồn tin: Báo Người đưa tin