Kinh tế

Tương Dương: Hiệu quả từ mô hình nuôi gà an toàn sinh học

Để thúc đẩy phát triển kinh tế cho các hộ gia đình trên địa bàn, đầu năm 2016, huyện Tương Dương đã lựa chọn xã Xá Lượng xây dựng mô hình điểm nuôi gà thả vườn theo hướng an toàn sinh học. Bước đầu, mô hình đã mang lại hiệu quả kinh tế cao giúp nhiều nông hộ trên địa bàn có thêm việc làm, cải thiện đời sống gia đình.

Gia đình ông Phạm Đình Cường ở bản Cửa Rào 1 xã Xá Lượng, huyện Tương Dương quyết định lựa chọn nuôi gà thả vườn để phát triển kinh tế gia đình được 10 năm nay. Tuy nhiên, do nuôi giống gà bản địa, lại chăn thả theo kiểu truyền thống, không áp dụng KHKT nên đàn gà phát triển chậm, hiệu quả kinh tế không cao.

Đầu năm 2016, được Trạm khuyến nông huyện lựa chọn xây dựng mô hình chăn nuôi gà thả vườn theo hướng an toàn sinh học, ông Cường mạnh dạn nhận 100 con gà giống Lương Phương lai để nuôi thử nghiệm. Đồng thời, chọn nuôi thêm 200 con giống gà bản địa. Nhờ được cán bộ kỹ thuật tận tình hướng dẫn quy trình kỹ thuật chăn nuôi nên gà mau lớn, ít bệnh.

Ông Cường mạnh dạn nhận 100 con gà giống Lương Phương lai để nuôi thử nghiệm


Ông Cường cho biết, giống gà Lương Phương lai gà bản địa có chất lượng cao, nguồn gốc con giống rõ ràng nên rất an tâm trong việc đầu tư. Gà nuôi khoảng 3 tháng là có thể xuất bán ra thị trường. Nếu chăm sóc cẩn thận, gà có thể đạt trọng lượng từ 1,7- 1,8kg/con. Với giá bán từ 90.000- 110.000đồng/kg đối với gà Lương Phượng, 130.000 đồng/kg với gà bản địa, từ đàn gà 300 con này, ông Cường có thu nhập khoảng 300-400 trăm triệu đồng. Ông Cường chia sẻ: “Hiệu quả của mô hình nuôi gà sinh học này, nhờ có sự giúp đỡ của ban khuyến nông huyện cho đi tập huấn, nuôi gà sinh học, đảm bảo chất lượng, gà nuôi không có dịch bệnh, thứ hai nữa là gà nhanh to, hiệu quả, đảm bảo tỷ lệ sống không được 100% thì cũng được 95%, và cái mô hình nuôi gà an toàn sinh học này rất phổ biến trong chăn nuôi.”

Giống gà Lương Phương lai gà bản địa có chất lượng cao, phát triển nhanh có thể đạt trọng lượng từ 1,7- 1,8kg/con/3thang


Theo ông Cường, việc nuôi gà theo hướng an toàn sinh học có nhiều điểm tương đồng với nuôi truyền thống, đó là gà được thả tự do trong không gian rộng lớn. Vì vậy, ngoài các loại thức ăn chính là lúa, ngô và bã bia, thì gà còn tự kiếm thêm các loại thức ăn khác như cỏ, côn trùng… để bổ sung thêm dinh dưỡng. Quan trọng hơn, cách nuôi này có nhiều quy định nghiêm ngặt từ cách chọn giống, cách chăm sóc gà qua từng gia đoạn sinh trưởng và phát triển. Cùng với đó, việc vệ sinh chuồng trại phải được thực hiện thường xuyên 1 lần/tuần. Đặc biệt, giai đoạn đầu giai đoạn ấp gà con cần thường xuyên theo dõi đàn gà thật cẩn thận.

Để xây dựng mô hình nuôi gà thả vườn theo hướng an toàn sinh học, Trạm khuyến nông huyện Tương Dương đã lựa chọn 6 hộ gia đình tại bản Cửa Rào 1 xã Xá Lượng làm thí điểm. Đây là mô hình phù hợp với điều kiện tự nhiên đất đai, khí hậu của Xá Lượng và đặc biệt các hộ gia đình này đều có lợi thế có vườn rộng, phù hợp với điều kiện chăn nuôi gà sinh học. Theo đó, trong đợt này, Ngân hàng BIDV và Trung tâm khuyến nông tỉnh đã hỗ trợ cho 6 hộ với tổng số 1000 con gà giống Lương Phượng lai. Đến thời điểm hiện nay, đàn gà phát triển tốt, tỷ lệ sống cao, phù hợp với điều kiện của địa phương.

Đến thời điểm hiện nay, đàn gà Lương Phương lai 1000 con của 6 hộ phát triển tốt, tỷ lệ sống cao, phù hợp với điều kiện của địa phương


“Vừa rồi đoàn kiểm tra lên nghiệm thụ đánh giá rất cao, thấy gà phát triển tốt, giá bán ra thị trường tương đối cao, các hộ dân rất phấn khởi. Đây là một mô hình mà người dân vừa học hỏi được quy trình kỹ thuật, vừa tăng thu nhập. Để đạt được kết quả trên, huyện chỉ đạo rất quyết liệt, thường xuyên cử cán bộ kỹ thuật xuống các hộ dân để hỗ trợ về quy trình kỹ thuật, đặc biệt là giai đoạn úm gà, thường xuyên hàng ngày hướng dẫn cách chăm sóc như thế nào, cách phát hiện dịch bệnh, thời kỳ tiêm phòng... “. Ông Lô Khăm Kha- Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tương Dương trao đổi.

Sắp tới huyện Tương Dương sẽ tuyên truyền, nhân rộng mô hình này ra các vùng có cùng điều kiện và khí hậu


Việc phát triển chăn nuôi gà thả vườn theo hướng an toàn sinh học có quy mô gia trại với số lượng từ vài trăm con trở lên, có kiểm soát dịch bệnh, tạo ra sản phẩm sạch, an toàn cho người tiêu dùng. Mô hình này đã góp phần tạo việc làm, cải thiện đời sống cho nhiều hộ gia đình trên địa bàn huyện. Từ hiệu quả của mô hình này, sắp tới huyện Tương Dương sẽ tuyên truyền, nhân rộng ra các vùng có cùng điều kiện và khí hậu và có khả năng tiêu thụ sản phẩm gà thịt. Tuy nhiên, để phát huy và khai thác có hiệu quả thế mạnh của địa phương cần sự vào cuộc của các cấp, các ngành trong việc xác định mục tiêu phát triển bền vững, tuyên truyền, kết nối thị trường để người dân yên tâm sản xuất.

Tác giả bài viết: Hiến Chương

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok