Như VTC News thông tin, vào khoảng 20h ngày 9/8 tại sân Quảng trường TP Bắc Kạn khi mọi người đang vui chơi thì một trong hai cụm tượng đài chiến thắng đã bất ngờ bị đổ sập.
Vụ việc khiến một trẻ em đang chơi đùa tại đây bị thương và được đưa đi cấp cứu ngay sau đó tại Bệnh viện Đa khoa Bắc Kạn.
Ông Phạm Duy Hưng - Phó Chủ tịch tỉnh Bắc Kạn cho biết, nguyên nhân xảy ra vụ việc trên là do một cháu bé trèo lên lên tượng đài rồi đu vào một cụm tượng đài khiến một phần của cụm tượng đài này bị đổ.
Tượng đài Chiến thắng ở Bắc Kạn gãy đổ khiến một cháu bé bị thương. |
Việc trẻ nhỏ trèo lên tượng đại Chiến thắng với số vốn hơn 10 tỷ đồng sau đó một phần tượng đài bị đổ dù công trình này chỉ mới được hoàn thành khoảng 2 năm đã khiến dư luận hoài nghi về chất lượng của công trình này.
Liên quan đến vụ việc này, trả lời VTC News, kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng, khẳng định rằng, việc tượng đài Chiến thắng đổ sập chỉ vì cháu bé đu lên là việc không thể chấp nhận được.
Vị kiến trúc sư này cho biết, tượng đài ở Bắc Kạn được làm bằng đá xanh Ninh Bình sau đó được lắp ráp từng chi tiết lại với nhau bằng các loại chất kết dính.
Đây là tượng đài Chiến thắng Bắc Kạn nên việc thi công công trình này đặc biệt hơn và phức tạp hơn, yêu cầu đội ngũ kỹ thuật tiên tiến mới có thể hoàn thành được.
Chính vì vậy việc cháu bé 12 tuổi đu lên tượng đài khiến một phần tượng đài đổ sập là không thể chấp nhận được.
“Tượng đài là công trình bền vững hàng trăm năm theo thời gian, làm gì có công trình tượng đài nào chỉ hai năm đã gãy đổ.
Ở đây theo tôi, công trình thi công này chắc chắn có vấn đề, cần phải thanh tra toàn bộ kết cấu của công trình này. Để tránh dư luận hoài nghi tỉnh Bắc Kạn nên khẩn trương lập tổ tư vấn kiểm tra độc lập, giám định chất lượng công trình này", kiến trúc sư Tùng đề nghị.
Kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng cho rằng công trình tượng đài Chiến thắng ở Bắc Kạn thi công có vấn đề. |
Ông Tùng bày tỏ đây là tượng đài Chiến thắng, là tượng đài thể hiện sự tôn vinh bà con các dân tộc Bắc Kạn, thế mà bây giờ chỉ một hai năm mà đã sập thì hỏng thì khó ăn nói với nhân dân địa phương.
"Cũng may trong trường hợp này, tượng đài đổ không gây thiệt hại về tính mạng con người, trường hợp nếu có thiệt hại về người, người dân đưa kiện thì vấn đề không còn là vấn đề tượng đài nữa, mà nó sẽ sang vấn đề khác.
Việc này phải xem lại từ bản vẽ đến thi công. Đơn vị thi công phải chịu trách nhiệm về vụ việc này. Công trình tượng đài chứ không phải ngôi nhà cấp bốn hay công trình quảng cáo mà hờ hững thế được”, ông Tùng chia sẻ.
Trả lời báo chí, ông Phạm Duy Hưng - Phó Chủ tịch tỉnh Bắc Kạn cho rằng tượng đài đổ là do công trình này nằm ngoài trời, chịu mưa nắng nên làm ảnh hưởng đến chất kết dính.
Bình luận vấn đề này, ông Tùng cho rằng cách nói này thể hiện sự thiếu trách nhiệm với nhân dân.
Kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng cho rằng, tỉnh Bắc Kạn nhanh chóng vào cuộc kiểm tra chất lượng công trình tượng đài sau khi xảy ra sự cố trên. |
“Hiện việc biến đổi khí hậu đang ngày một phức tạp, đòi hỏi các công trình xây dựng, đặc biệt là công trình tượng đài phải chịu được tính khắc nghiệt của thời tiết.
Mặt khác, công trình tượng đài nào mà chẳng làm ngoài trời, chẳng phải chịu mưa nắng, thời tiết khắc nghiệt. Đây là một bài học không phải hôm nay mới xảy ra, chúng ta đã phải trả giá quá đau ở tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ rồi, một loạt cán bộ đã phải đi tù.
Nói vậy để thấy được rằng, xây dựng tượng đài là công việc rất quan trọng, là công trình kiến trúc văn hóa nghệ thuật đặc biệt, không thể hờ hững nửa vời được.
Vụ việc này sẽ là bài học không chỉ riêng Bắc Kạn mà còn cho những tỉnh chuẩn bị xây dựng và những tỉnh đã xây dựng", kiến trúc sư Tùng khẳng định.
Tác giả: Ngọc Thắng
Nguồn tin: Báo VTC NEWS