Đó là một trong những điểm khiến công an nghi ngờ và bắt đầu theo dõi mẹ của Cao Mỹ Duyên - nữ sinh giao gà bị sát hại ở Điện Biên hồi đầu năm, gây rúng động dư luận.
Nhiều tình tiết trong suốt quá trình điều tra vụ án được thiếu tướng Sùng A Hồng, Giám đốc Công an Điện Biên, chia sẻ với Zing.vn sau khi công an vừa công bố kết luận điều tra vụ án này.
Thiếu tướng Sùng A Hồng - Giám đốc Công an tỉnh Điện Biên. Ảnh: Hoài Thu. |
Mẹ nữ sinh giao gà bị tống tiền vì đăng tin lên Facebook
Câu chuyện được tướng Sùng A Hồng nhắc đến nhiều nhất xoay quanh bà Trần Thị Hiền - mẹ của nữ sinh bất hạnh Cao Mỹ Duyên.
Ngay khi tiếp nhận thông tin vụ việc, tướng Hồng cho biết công an đã đi tìm nạn nhân khắp nơi. Nhưng ban đầu cơ quan điều tra chỉ nghĩ nạn nhân bị mất tích vì thông tin này do bà Trần Thị Hiền cung cấp. “Trong khi công an đi tìm Cao Mỹ Duyên, gặp bà Hiền hỏi rất tỉ mỉ nhưng bà này luôn mồm nói không biết”, ông Hồng kể.
Đến khi tìm thấy chiếc xe máy của nạn nhân, công an bắt đầu nhận định “có khả năng án đã xảy ra”.
Diễn biến tiếp theo là mẹ nữ sinh này nhận được điện thoại tống tiền, nhưng khi cơ quan điều tra xác minh thì thấy số điện thoại tống tiền bà này đến từ biên giới Campuchia. Tính toán về thời gian và khoảng cách, công an xác định nạn nhân không thể được đưa đến biên giới Campuchia.
Bà Trần Thị Hiền trong một bức ảnh cùng con gái Cao Mỹ Duyên. Ảnh: FBNV. |
Sau này, khi công an làm rõ thì biết rằng do bà Hiền tung lên Facebook thông tin con gái bị mất tích nên những đối tượng ở biên giới Campuchia đọc được, lợi dụng nhắn tin tống tiền.
Nhưng theo tướng Hồng, thực ra bà Trần Thị Hiền khi đó đã biết hết mọi việc. Trước khi xảy ra vụ việc, bà Hiền nợ Vì Văn Toán 300 triệu đồng, từng bị Toán cùng một số đối tượng khác chặn đòi tiền nhưng không trả.
Ban đầu, các đối tượng bàn bắt bà Hiền, nhưng sau khi suy tính, chúng cho rằng bắt bà Hiền không giải quyết được vấn đề, không đòi được tiền nên chúng quyết định bắt con gái là Cao Mỹ Duyên.
Khi bắt nạn nhân, chúng đã thông báo cho bà Hiền và bà này còn yêu cầu “chúng mày thả nó ra không tao báo công an”.
Bà Hiền sau đó báo công an, nhưng lại không trung thực, chỉ nói rằng con gái đi ship gà không thấy về chứ không báo con bị nhóm đối tượng kia bắt.
Tướng công an nhận định nhân vật Trần Thị Hiền là người “có rất nhiều vấn đề”.
Trong suốt quá trình điều tra vụ án, khi công an bắt một số đối tượng, bà này liên tục lên mạng nói “đó không phải chủ mưu, không phải kẻ cầm đầu”. Thậm chí bà này còn đòi xử lý một số luật sư và nhà báo vì đưa tin về vụ án.
“Khi bắt Vì Văn Toán, bà Hiền còn gọi điện cho tôi. Tôi bảo tại sao cô cứ thích lên Facebook làm gì, hãy để cơ quan điều tra làm, thì bà này nói phải nghiên cứu, phải tìm hiểu để cung cấp thông tin cho công an”, tướng Hồng kể.
Theo nhận định của Giám đốc Công an Điện Biên, bà Hiền có tâm lý lo lắng, sợ sệt nên luôn cố tạo ra việc này, việc khác để cơ quan điều tra mất tập trung.
Đặc biệt, trong quá trình điều tra, từ khi phát hiện nạn nhân, khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, Giám đốc Công an Điện Biên đã cho trinh sát mặc thường phục, ngụy trang theo dõi mẹ nữ sinh giao gà.
Có tình tiết đáng lưu ý là khi mổ tử thi nạn nhân, bà này khóc và nói rằng “con chết trong vinh dự”. Nghi ngờ từ điểm này nên thiếu tướng Sùng A Hồng đã giao các trinh sát điều tra, nghiên cứu ngay.
Nhiều vấn đề cần chứng minh nên phải khai quật tử thi
Khi vụ án xảy ra, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Điện Biên phải chịu áp lực rất lớn từ dư luận xã hội, đặc biệt khi cơ quan điều tra khai quật lần 2 tử thi của nữ sinh giao gà để làm rõ một số vấn đề.
Đối tượng Vì Văn Toán. Ảnh: VOV. |
Trải lòng về những áp lực này, thiếu tướng Sùng A Hồng cho rằng “những người phản ứng với việc này là người không trong ngành, không hiểu nghiệp vụ của cơ quan điều tra”.
Theo ông, khai quật tử thi là việc làm bình thường được quy định trong Bộ luật Tố tụng Hình sự. Nếu trong quá trình điều tra mà thấy có những vấn đề cần chứng minh, làm rõ thì khai quật tử thi.
Trong vụ án này, các đối tượng khai Cao Mỹ Duyên bị giam trên xe và một số nơi khác. Nhưng căn cứ vào quy luật sinh tồn của con người, công an đặt ra câu hỏi tại sao giữa sự sống và cái chết, nạn nhân không có bất cứ phản ứng nào? Tại sao thi thể của nạn nhân rất sạch sẽ?
Vì thế, công an phải khai quật tử thi để lấy các mẫu sinh hóa, tìm hiểu xem liệu các đối tượng có cho nạn nhân uống thuốc mê hay thuốc ngủ không mà nạn nhân không có phản ứng gì. Còn việc thi thể nạn nhân sạch sẽ, công an điều tra xác định đối tượng Thu – vợ của Công đã tắm rửa cho Duyên trước khi đem thi thể nạn nhân đi vứt.
Tướng Hồng cũng kể ban đầu các đối tượng khai dùng sợi thép siết cổ Cao Mỹ Duyên, nhưng trong bản ảnh cho thấy vết siết trên cổ lại là 2 vết và có khoảng cách, điều tra viên nhận định khả năng tang vật gây án là sợi xích, có đan vào nhau.
Bùi Văn Công (giữa) và 4 đồng phạm. Đồ họa: Phượng Nguyễn. |
Các trinh sát đi tìm sợi dây thép như chúng khai nhưng không có, vì thế phải khai quật thi thể để chứng minh xem lời khai của các đối tượng đúng hay sai. Và khi khai quật thì thấy vết trên cổ nạn nhân không phải do sợi dây liền siết. Công an về tiếp tục đấu tranh thì đối tượng khai đó là dây xích nối của 2 đầu côn nhị khúc.
Công an lại tiếp tục đi tìm côn nhị khúc theo lời khai của chúng, lấy về, gửi đi giám định thì thấy có tế bào của Cao Mỹ Duyên trên tang vật.
Giám đốc Công an Điện Biên cũng chia sẻ khi đó, có người nói “tại sao khi phát hiện thi thể nạn nhân không có quần áo mà công an không xác định đó là hiếp dâm, phải để sau khi khai quật mới khởi tố về tội hiếp dâm”.
Nhưng ông giải thích khi khai quật tử thi nạn nhân, công an không đặt vấn đề này vì nạn nhân đã được chôn cất hơn 10 ngày, có khai quật cũng không thể lấy mẫu xác định. Nhưng công an phải làm rõ các tình tiết khác để tiếp tục đấu tranh, từ đó mới có đủ căn cứ kết tội những đối tượng hết sức ngoan cố và tinh vi trong vụ án.
Tác giả: Hoài Thu
Nguồn tin: zing.vn