Pháp luật

Tuổi thơ sóng gió ít ai biết của Nguyễn Xuân Đường

Đại gia khét tiếng Nguyễn Xuân Đường từng có tuổi thơ đầy sóng gió và hoàn cảnh gia đình vô cùng éo le...

Nguyễn Xuân Đường và Nguyễn Thị Dương

Ngày 17/4, chúng tôi tìm đến căn nhà bố mẹ Nguyễn Xuân Đường sinh sống, nằm trên con đường Nguyễn Danh Đới, phường Kỳ Bá, TP.Thái Bình, tỉnh Thái Bình. Trong căn nhà khang trang với đầy đủ tiện nghi, người đàn ông đã tuổi ngoại bát tuần ngồi trên chiếc ghế giả cổ, đôi mắt nặng trĩu lo âu, không giấu được nỗi buồn trong lòng.

Mặc dù đã ở cái tuổi "xưa nay hiếm", ông Nguyễn Xuân Nhuệ (bố của Nguyễn Xuân Đường) vẫn đang phải đấu tranh, giằng xé tâm can khi con trai, con dâu đang bị cơ quan chức năng tạm giam để điều tra về những hành vi vi phạm pháp luật trong suốt thời gian dài. Đặc biệt là những vụ việc các con ông đã làm khiến dư luận vô cùng bức xúc, được người dân cả nước quan tâm theo dõi.

Cầm chén trà nóng, tay ông run run, đó không còn là cái run của tuổi già mà là nỗi niềm không biết nói cùng ai của người cha có đứa con hư. Ông Nhuệ chia sẻ, từ khi chúng nó (Vợ chồng Nguyễn Xuân Đường - PV) bị bắt đến nay, tôi và bà ấy (vợ ông Nhuệ - PV) không thể ngủ nổi, tôi cũng thường xuyên theo dõi thông tin trên mạng, mới biết được những việc nó làm, thấy rất buồn.

Ông Nhuệ rơm rớm nước mắt kể: Sau kết hôn với bà Vũ Thị Liên, năm 1971 vợ chồng ông sinh hạ ra Đường. Ngày đó, ông là giáo viên, còn bà làm ở nhà máy tơ Thái Bình. Cuộc sống hết sức khó khăn, nhưng ông vẫn cố gắng động viên bà vượt qua để nuôi dạy các con. Năm Đường lên 7 tuổi, vì quá khó khăn, mẹ Đường đã dứt áo ra đi, tìm hạnh phúc ở nơi khác, còn ông đành gà trống nuôi con một mình...

Ngày đó, gia đình ở tập thể, Đường còn có một đứa em gái, cuộc sống của 3 bố con phụ thuộc hoàn toàn vào số gạo ít ỏi được phân phát. Chưa đầy nửa tháng , nhà đã ăn hết gạo, do vậy cơm độn khoai, cơm độn sắn là chủ đạo trong những bữa ăn của 3 bố con.

Khoảng năm 1984, ông Nhuệ đi thêm bước nữa, hai vợ chồng tập trung nuôi các con ăn học. Đến năm 1986, ông và bà hai sinh hạ thêm được một người con trai. Lúc này, Đường và các em vẫn còn nhỏ, chưa phụ giúp được gia đình nhiều, cuộc sống còn hết sức khó khăn, vẫn phải chạy ăn từng bữa.

Nói về đứa con hư của mình, ông Nhuệ tay quệt ngang khoé mắt: Học hết cấp 2 (lớp 8), gia đình quá khó khăn, ông đành gửi Đường về quê nhà ở huyện Kiến Xương (Thái Bình) để tiếp tục học tập. Thế nhưng, sau một thời gian, vì điều kiện gia đình, Đường lại phải quay lại thành phố để theo học lớp bổ túc văn hóa. Sau khi học xong, vì không có công ăn việc làm ổn định, Đường ở nhà vài năm rồi xin sang Nga đi lao động. Sau đó là cả quãng đường dài với những câu chuyện hết sức éo le.

Ở nước Nga, Đường làm quen với một người phụ nữ gốc Việt, hai người tổ chức đám cưới và có với nhau một đứa con gái. Cuộc sống xứ người vất vả, Đường chia tay vợ cả, sau đó trở về nước, qua các mối quan hệ ngoài xã hội, Đường quen biết Nguyễn Thị Dương, cũng là gái đã qua một lần đò và hai người nhanh chóng quyết định đến với nhau.

Đám cưới Nguyễn Xuân Đường và Nguyễn Thị Dương được tổ chức. Sau 1 thời gian, hai người có với nhau một đứa con trai và mua nhà ở khu vực đường Lý Thường Kiệt sinh sống. Khoảng năm 2010, vợ chồng Đường chuyển về xây dựng nhà cửa ở địa chỉ mới, số 366 Lê Quý Đôn, phường Kỳ Bá, TP. Thái Bình, tỉnh Thái Bình.

Từ đây, Nguyễn Xuân Đường bắt đầu cuộc sống đậm chất giang hồ, bảo kê, cho vay nặng lãi... và trở thành "đại ca cầm đầu" ở quê lúa.

Tác giả: Tiến Nguyễn

Nguồn tin: Báo Giao thông

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok