Nhân ái

Tuổi thơ cơ cực của cô gái mồ côi chăn bò ước mơ tới Trường ĐH Ngoại thương

Cô bé sinh ra như để tạo hóa thử lòng người. 6 tháng tuổi em mồ côi mẹ và cũng mất đi tình thương của cha sau đó. Tuổi thơ tới trường của em, có khi mùa đông cả tuần chỉ mặc có một cái áo đồng phục.

"Em ấy mồ côi bố mẹ từ nhỏ. Vừa rồi thi được điểm rất cao nhưng không có tiền đi học, mong bạn đọc Báo Dân trí và các nhà hảo tâm giúp đỡ để em được đến trường", thầy Hà Duyên Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Lê Hoàn, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa, trao đổi với phóng viên Dân trí với lời khẩn cầu khi nhắc đến cô học trò cũ của nhà trường.

Cô gái mồ côi vượt nghịch cảnh tới trường và ước mơ trở thành tân sinh viên Trường Đại học Ngoại thương.

Phạm Thị Thương (SN 2003), cựu học sinh trường THPT Lê Hoàn, ở thôn 6, xã Xuân Lai, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa. Cô bé sinh ra như để tạo hóa thử lòng người. 6 tháng tuổi em đã chịu cảnh mồ côi mẹ, sau cơn đau tim đột ngột. Hơn một tuổi thì bố cũng qua đời trong vụ tai nạn khi đi lao động. Những ký ức của Thương về bố mẹ chỉ ẩn hiện trong trí tưởng tượng qua vài tấm ảnh và lời kể của người thân.

Mồ côi bố mẹ từ nhỏ, Thương lớn lên nhờ đôi bàn tay của bà Hoàng Thị Hoa. Bà Hoa năm nay đã 56 tuổi, là bác gái của Thương. Bà Hoa không có chồng, không con, bà ở vậy nuôi Thương từ bé nên tình cảm 2 bác cháu chẳng khác nào tình mẫu tử.

Bà Hoa bảo, bà thương cháu gái của mình và coi như con đẻ. Không ít đêm, bà ngồi nhìn cháu gái ngủ, nghĩ đến cảnh cháu không còn bố mẹ nữa, bà lại khóc.

Cô gái mồ côi lớn lên bằng tình thương của bác gái.

Bà Hoa kể, nhiều người thấy hoàn cảnh gia đình bà khó khăn, trước đây cũng có người khuyên bà nên đưa Thương đến trại trẻ mồ côi, nhưng dù đói, dù no, bà cũng quyết nuôi cháu khôn lớn, để vợ chồng em gái bà ở nơi cửu tuyền được thanh thản.

Giọng bà Hoa như nghẹn lại, "con bé đã thiếu đi tình thương của bố mẹ, giờ đây lại để nó thiếu đi hơi ấm của người thân nữa, tôi không đành".

Những ngày qua, khi nghe các bạn của cháu gọi hỏi thăm nhau và đang sắm sửa quần áo, đồ dùng mới để chuẩn bị hành trang vào đại học mà lòng bà nặng trĩu.

Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, Thương đạt 27,8 điểm tổ hợp xét tuyển khối D (Toán 9,4; Văn 9; tiếng Anh 9,4 điểm).

Với hi vọng thoát ra khỏi hoàn cảnh nghèo khó, để còn có tương lai chăm sóc bác lúc tuổi già, Thương đăng ký vào học ngành Kinh tế Quốc tế và tiếng Anh thương mại của Trường đại học Ngoại thương, Hà Nội.

Hàng ngày, ngoài giờ học trên lớp khi về nhà Thương lại giúp bác chăn bò và làm những công việc trong gia đình.

Bà Hoa tâm sự, "con bé sinh ra khổ như vậy, nhưng rất ham học và học giỏi. Nhà chẳng có điều kiện cho cháu đi học thêm nên những buổi đi chăn bò nó thường mang theo sách vở để tranh thủ học thêm. Thật tâm, dù khó khăn đến đâu tôi cũng mong cháu thoát ra khỏi cái cảnh nghèo khó bám riết gia đình từ thế hệ này đến thế hệ khác. Nó được ăn học đến ngày hôm nay cũng là nhờ bà con hàng xóm, thầy cô giáo giúp đỡ. Giờ có cơ hội được đi học đại học rồi mà chưa biết lấy đâu ra tiền để lo cho cháu", giọng bà Hoa như nghẹn lại.

Khi nhận được kết quả thi của cháu, bà mừng và tự hào về cháu gái của mình lắm. Nhưng rồi nỗi lo lại đè nặng trong suy nghĩ của bà. Bà bảo: "chi phí để cho cháu ra Hà Nội học tập quả thực quá lớn so với sức của tôi. Tôi luôn hy vọng cháu có thể tiếp tục học tập để có được cuộc sống tốt đẹp hơn sau này".

Nói về hoàn cảnh của Thương, cô giáo Hà Thị Nguyệt, Trường THPT Lê Hoàn chia sẻ: "tôi còn nhớ, có những mùa đông, cả tuần chỉ thấy em ấy khoác mỗi chiếc áo đồng phục của nhà trường trên mình, nhìn bạn ấy rất thương. Với hoàn cảnh như em ấy mà đạt được kết quả cao vậy là cả một sự nỗ lực không nhỏ. Ngày trước, tôi có tâm sự, em ấy mong được đi học đại học. Giờ đạt được điểm cao rồi lại thêm một mối lo, không biết em sẽ đi học bằng cách nào?".

Cô gái mồ côi chăn bò khát khao con đường đại học để thoát ra khỏi cái nghèo, cái khổ ở vùng quê.

Khép lại buổi trò chuyện với cô gái mồ côi, Thương kể, ngày học cấp một, mỗi khi đi học về chứng kiến các bạn được bố mẹ tới đón, em tủi thân lắm! Rồi mỗi dịp Tết đến hoặc đầu năm học mới, các bạn đều có quần áo, giày dép, đồ dùng mới, em cũng rất muốn nhưng đành chịu vì nhà không có tiền.

Mỗi khi đến trường, bạn bè cười đùa, vui vẻ kể chuyện về bố mẹ, anh chị, những lúc đó em cố cười nhưng trong lòng rất buồn. Cái cảm giác thiếu đi tình cảm của một gia đình thật khó tả...

Chia tay Thương, tôi mong sao hoàn cảnh của em có thể đến thật nhanh với bạn đọc và các nhà hảo tâm để sắp tới sẽ được gặp lại em, được nghe em kể về những người bạn ở môi trường đại học, hy vọng một tương lai tươi đẹp sẽ đến với em.

Bà Hoa mong muốn cháu gái sớm thoát ra khỏi cảnh nghèo khó bám riết gia đình từ thế hệ này đến thế hệ khác.

Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về em Phạm Thị Thương

Địa chỉ: Thôn 6, xã Xuân Lai, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa

Điện thoại: 0869104829

Tác giả: Duy Tuyên

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok