Cực đoan nhưng không bảo thủ
Anh tự nhận thấy mình là người cực đoan hay quyết liệt trong nghệ thuật?
- Tôi nghĩ hai tính từ ấy đều cần thiết để vẽ nên chân dung của một người nghệ sĩ thực thụ. Nếu là người không có chính kiến trong nghệ thuật thì tác phẩm sẽ không tới và không thể hiện được bản sắc trong phong cách nghệ thuật của mình. Tôi biết nhiều nghệ sĩ rất cực đoan. Cực đoan đến mức bảo thủ. Nhưng đó cũng là điểm yếu của người nghệ sĩ, nếu không biết lắng nghe, mặc kệ xung quanh, không cần nghe ý kiến đóng góp của ai thì bản chất rồi cũng sẽ dậm chân tại chỗ, tự dung túng cho mình những thứ sai lệch cho bản thân. Để có được thành công ngày hôm nay, tôi nghĩ mình khá cực đoan và rất quyết liệt, nhưng tôi không bảo thủ.
Có phải vì sự quyết liệt với nghệ thuật này khiến anh có những tranh luận gây bão với Hồ Quỳnh Hương và Dương Khắc Linh về sự dễ dãi trong cách đưa ca khúc và giới thiệu giọng ca trẻ ra công chúng?
- Ai cũng có tôn chỉ nghệ thuật của mình. Điều gì tôi nói đã nói, tôi cũng không muốn nhắc lại nữa. Bạn đã thấy vì để bảo vệ quan điểm nghệ thuật của mình, nên tôi nghiêm khắc đến mức khắc nghiệt. Tôi cho rằng tôi đã làm đúng với những điều mình suy nghĩ, tôi không cố tình hạ bệ hay xúc phạm ai cả.
Và bạn cũng có quyền chê tôi hát dở một bài hát nào đó trong những bài tôi hát nếu thực sự nó không lay động được bạn. Tôi sẽ rất vui vì chúng ta thẳng thắn với nhau. Nghệ thuật là phải thẳng thắn, sòng phẳng và công tâm. Không thể ép tôi thích được. Hãy nhìn vào thực tế, những ca khúc có ca từ chất lượng gần đây đếm trên đầu ngón tay, thị phần đã được chiếm lĩnh bởi những ca từ phản cảm, tiêu cực hoặc hời hợt, nhạt nhẽo...
Chúng ta vẽ và khắc họa cuộc sống xung quanh, không có nghĩa rằng chúng ta thể hiện cái nhìn hời hợt, vô cảm, vô tâm. Các bạn trẻ ngày nay, một bộ phận không nhỏ đang tự dung dưỡng và thẩm thấu cho mình những điều đó. Tôi chỉ cảnh báo như vậy theo quan điểm của tôi. Chứ một mình cá nhân tôi không thể thay đổi được thói quen nghe nhạc của một bộ phận khán giả trẻ. Nhưng biết sao được, bạn là người thế nào không khó thể đọc được bạn trong cách nghe nhạc, trong cách sống, thẩm mỹ...
Tùng Dương nghĩ mình khá cực đoan và rất quyết liệt, nhưng không bảo thủ
Không biến học sinh thành bản sao
Nhạc sĩ Quốc Trung vừa có bài trả lời phỏng vấn trong đó có nhắc đến thực trạng các ca sĩ trẻ hiện giờ chỉ đầu tư cho nhan sắc và quần áo, anh có chung quan điểm hoặc có ý kiến không?
- Tôi rất đồng quan điểm với nhạc sĩ Quốc Trung. Chúng tôi thực sự vẫn cho rằng giá trị cao nhất nằm chất gỗ chứ không phải là nước sơn. Đó là điều kiện tiên quyết để trở thành người nghệ sĩ thực thụ. Còn trở thành “ngôi sao” thì lại khác. Bạn có nhiều cách để trở thành ngôi sao, nhưng trở thành nghệ sĩ thực thụ thì chỉ có thực chất mà thôi.
Mỗi người nghệ sĩ sẽ có những đặc thù khác nhau, trong đó quan trọng nhất là mức độ tài năng cũng như tính cách, mục tiêu hình ảnh hướng tới khác nhau. Khi ngồi ghế nóng X Factor, nhiều ý kiến cho rằng Tùng Dương đang muốn người khác phải đi con đường mình đã chọn. Họ thắc mắc những lời khuyên của anh với các ca sĩ trẻ liệu có còn đúng đắn trong thời showbiz “trăm hoa đua nở” như hiện nay?
- Mọi người hãy nhìn học trò của tôi là có thể trả lời được câu hỏi này. Tôi không bao giờ có ý định biến học sinh thành những bản sao của mình, mà luôn tìm những thế mạnh, bản sắc riêng của các em để phát triển. Nếu có sự áp đặt duy nhất thì chính là sự văn minh mà tôi đòi hỏi ở cách bạn trong việc thể hiện một ca khúc hoặc tạo dựng hình ảnh cho mình. Tôi tin những lời nói của tôi sẽ nhận được sự chia sẻ của những bạn trẻ mong muốn tiếp thu và nghĩ tới những điều lâu dài trên con đường nghệ thuật chứ không phải những giá trị trước mắt. Không ai có thể lựa chọn con đường cho chính mình ngoài minh cả. Nhất thời và lâu dài - tuỳ các bạn tự lựa chọn!
Trước khi tư vấn, hay góp ý cho một giọng ca trẻ trên cương vị giám khảo hay huấn luyện viên, Tùng Dương thường cân nhắc những yếu tố gì? Anh có nghe câu cái gì tốt nhất với mình chưa chắc đã tốt cho người khác, chưa? Anh đã bao giờ để ý kiến chủ quan của mình áp đặt lên các thí sinh?
- Thay vì đưa ra những lời nhận xét khen ngợi,tung hê quá lời có thể gây sự ảo tưởng cho các em khi không nhìn nhận đúng thực lực của mình, tôi chọn cách thẳng thắn. Thật khó để nghe những lời chê,nhưng dù có khó đón nhận thế nào,tôi cũng phải nói. Bởi những lời cảnh tỉnh cũng chính xuất phát từ những kinh nghiệm, những bài học sâu sắc của bản thân mình đã đúng kết. Bạn đã thấy rất nhiều những quán quân gần đây, sau các cuộc thi họ gần như mất hút. Sự thực là sự định hướng cho họ ở góc độ nhất thời. Vì vậy câu chuyện ai đúng ai sai không để tranh cãi, mà quan trọng nhất là kết quả thực tế của từng cá nhân. Các bạn trẻ cũng không khó để nhận ra những lời khuyên nào là có tâm với mình, hay những lời khen ngợi theo kiểu "đầu môi chót lưỡi".
Giám khảo The X-Factor cho biết sẽ luôn bảo vệ quan điểm của mình đến cùng
Bảo vệ sự nhân văn trong nghệ thuật
Khi nhận xét hay phản pháo ý kiến một ai đó, Tùng Dương có phải cân nhắc từng câu từng chữ để tránh người nhận cảm thấy tổn thương không?
- Bản thân tôi cũng thực sự không muốn làm ai bị tổn thương. Tôi chỉ nói những gì mà tôi cảm thấy là đúng theo quan điểm nghệ thuật của tôi. Và nói xong không có ác cảm, hay để bụng. Tôi bảo vệ cho sự nhân văn trong nghệ thuật. Anh muốn làm gì thì cốt lõi trong nghệ thuật vẫn phải là sự nhân văn. Sự nhân văn là giá trị cao nhất của loài người. Chúng ta sống trong xã hội phát triển, vì vậy hãy tôn trọng những quan điểm làm nghệ thuật vươn tới chân thiện mỹ và những giá trị tích cực. Tôi là thế, tôi sẽ luôn bảo vệ quan điểm của mình đến cùng.
Coi hoà nhạc “Điều còn mãi” như người bạn thân
Lần thứ 3 anh được mời biểu diễn tại hòa nhạc “Điều còn mãi”, cảm xúc của anh như thế nào?
- Hai năm liên tiếp tôi được mời tham gia biểu diễn hoà nhạc “Điều còn mãi” của VietNamNet. Và năm nay là năm thứ ba, tôi nghĩ chắc do mình đã làm tốt ở những chương trình trước và tôi cảm thấy rất vui khi tiếp tục lại được báo VietNamNet tín nhiệm.
Tôi là vậy, khi nhận lời tham gia bất cứ một chương trình nào, tôi luôn hết mình trong công việc và nghiêm túc từ những buổi tập luyện. Và đến năm thứ ba liên tiếp này, tôi coi hoà nhạc “Điều còn mãi” như một người bạn thân thiết của mình, cứ vào dịp lễ 2/9 tôi lại được cất cao tiếng hát với cảm xúc quen thuộc mà tươi mới tại thánh đường Nhà hát Lớn Hà Nội.
Với tác phẩm “Người là niềm tin tất thắng”, anh có chút lo sợ nào không khi đây là tác phẩm đã gắn với tên tuổi của thày anh, NSND Quang Thọ?
- Khi tôi được học tại Học viên âm nhạc Quốc gia VN, thầy giáo Quang Thọ có dạy chúng tôi rằng "khi một tác phẩm các em chưa từng hát và cảm thấy chưa tự tin để hát, nếu trong tương lai giải quyết được nó có nghĩa là mình đã vượt qua chính mình".
Bài hát này đã có nhiều những thế hệ nghệ sĩ thể hiện thành công. Tôi không nghĩ là mình phải tìm cách vượt qua được họ, tôi thể hiện với tâm thế là một nghệ sĩ nhạc nhẹ cũng có thể hát những tác phẩm kinh điển theo lối hát hiện đại và mang hơi thở của thế hệ ngày hôm nay.
Và được hát tôn vinh Bác Hồ - vị cha già dân tộc trong kỷ niệm ngày lễ Quốc khánh, ngày mà Bác đã đọc tuyên ngôn độc lập thì quả là một điều thật ý nghĩa. Đó là lý do tôi chọn tác phẩm "Người là niềm tin tất thắng" một tác phẩm dạt dào tình cảm và đầy hào sảng.
Anh được giới chuyên môn ca ngợi khi biết cách làm mới các tác phẩm nhạc đỏ kinh điển. Cách nào giúp anh làm mới nhạc đỏ mà không khiến các thế hệ đi trước phật lòng, lại được thế hệ trẻ đón nhận?
- Có rất nhiều cách để khai thác hay làm mới những ca khúc chính thống. Tuy nhiên, chúng ta thực hiện đó với thái độ như thế nào, đó mới là điều quan trọng. Vì giờ đây ai cũng biết mỗi thời một khác, các nghệ sĩ gạo cội họ như những người đã khai phá ra cách hát chuẩn mực cho nhạc đỏ, và chúng tôi vẫn luôn luôn muốn giữ những tinh thần hảo sảng, bất khuất, kiên cường ấy.
Chỉ khác là chúng tôi được sinh ra trong thời bình, thì lòng yêu nước lại được thể hiện theo một tâm thế khác, luôn mong muốn đất nước giàu đẹp, luôn muốn ca ngợi vẻ đẹp của những người anh hùng như những tấm gương noi theo từ quá khứ. Chúng tôi nghĩ mình chính là cầu nối cho các thế hệ tiếp theo tiếp nhận và gìn giữ những giá trị truyền thống.
Cũng có những sự làm mới của các bạn trẻ vì không đúng tinh thần nên vẫn bị các bậc tiền bối không ngại ngần chê thẳng thừng đấy thôi (cười). Nếu có bị chê, tôi nghĩ chắc không phải do người xưa bảo thủ đâu, mà do các bạn trẻ có thể đã ẩu và chưa thực sự dành nhiều tâm sức khi hát những bài hát ấy. Do đó họ chưa thể thuyết phục được những đôi tai khắt khe. Và một điều nữa theo quan điểm của tôi, đã hát chính ca - những tác phẩm ca ngợi quê hương đất nước thì phải hát với một tâm thế hào hùng, tươi sáng, tự tin và khỏe khoắn.
Dự định của anh trong năm nay thế nào?
- Tôi bắt tay thực hiện cuốn album "Tùng Dương - Hits" gồm những bài hát hit của tôi trong suốt hơn 1 thập kỷ qua và hoàn thành DVD Thập kỷ hoan ca. Tôi đã nhận lời tham gia rất nhiều những chương trình lớn và ca những concert của riêng tôi từ nay tới cuối năm. Còn CD "Rễ cây" với nhạc sĩ Sa Huỳnh vì thay đổi nhà sản xuất nên sẽ rời lại. Mong rằng dự án âm nhạc nào cũng sẽ nhận được sự quan tâm của khán giả ruột của mình và của công chúng. Còn bây giờ trước mắt, tôi phải tập luyện thật tốt 2 tác phẩm để lại thăng hoa trong chương trình hoà nhạc "Điều còn mãi" (cười).
- Xin cảm ơn anh!
Tác giả bài viết: Việt Anh