Xe

Túi khí ô tô và những điều quan trọng bạn cần nắm

Mặc dù là một trong những tính năng an toàn cực kỳ quan trong trên ô tô nhưng đôi khi, túi khí cũng chính là nguyên nhân gây ra những chấn thương nghiêm trọng cho hành khách nếu bạn không nắm rõ những đặc tính của nó.


Túi khí được xem là một trong những phát minh vĩ đại nhất trong ngành công nghiệp ô tô. Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông Mỹ (NHTSA), trong 21 năm từ 1987 đến 2008, túi khí đã cứu được tính mạng của hơn 25.000 lái xe trong các vụ tai nạn trên toàn nước Mỹ.

Chính vì vậy, hiện nay, trên thị trường ô tô thế giới, hầu hết các mẫu xe (từ xe rẻ tiền đến xe đắt tiền) đều được trang bị túi khí an toàn. Có những mẫu xe đã được trang bị hơn 14 túi khí. Thậm chí, túi khí an toàn cũng đã từng xuất hiện cả trên những chiếc mô tô phân khối lớn. Tuy nhiên, dù có khả năng bảo vệ con người rất cao, nhưng trong một vài trường hợp, túi khí lại là nguyên nhân gây ra những chấn thương nghiêm trọng cho các hành khách khi họ không nắm rõ những ảnh hưởng khi chúng được kích hoạt.

Nguyên lý hoạt động

Hệ thống túi khí được cấu tạo từ các bộ phận như cảm biến va chạm, cảm biến gia tốc, cảm biến tốc độ, cảm biến trọng lượng ở ghế ngồi, bộ phận kích nổ, hỗn hợp chất hóa học và túi khí. Tất cả đều được kiểm soát và điều khiển bởi bộ xử lý trung tâm ECU.

ECU thu nhận tín hiệu liên tục từ các cảm biến, khi có va chạm xảy ra với lực đạt giới hạn tối thiểu, ECU sẽ ra lệnh cho bộ phận kích nổ hoạt động. Bộ phận này sẽ đốt cháy hỗn hợp Natri và Kali Nitrate để tạo ra khí Natri, Hydro và Oxy lấp đầy phần túi khí được làm từ sợi Composite tổng hợp.


Toàn bộ quá trình xảy ra chỉ trong vẻn vẹn 0,04 giây – bằng 1/5 thời gian chớp mắt, vì vậy túi khí được bơm căng cực nhanh và bung ra khỏi vô lăng hay các phần khác của xe với vận tốc 322km/h, ngay khi va chạm vừa xảy ra để đỡ cơ thể người lái, cụ thể là phần đầu, đầu gối và 2 bên hông không va phải những vật cứng trong cabin. Sau khi cơ thể người lái ngừng di chuyển thì túi khí cũng xẹp nhanh chóng thông qua các lỗ thông hơi trên bề mặt túi, nhằm tránh gây chèn ép cơ thể hành khách.

Những nguy hiểm do hiểu sai túi khí

* Không thắt dây an toàn

Điều quan trọng là túi khí không hoạt động độc lập mà nó kết hợp với dây đai an toàn để bảo vệ hành khách. Nếu không thắt dây an toàn khi va chạm xảy ra, cơ thể hành khách sẽ lao thẳng về phía trước, cùng lúc đó túi khí bung ra sẽ đẩy phần đầu đập vào kính lái và lực bung 322km/h của nó sẽ gây chấn thương nặng ở vùng ngực hành khách.


* Cho trẻ em ngồi sai cách

Túi khí tương tự như một quả bom nhỏ phát nổ khi có tai nạn, nó được thiết kế để đỡ cơ thể người lớn với trọng lượng hơn 100kg. Trong khi đó, cơ thể trẻ em lại quá nhỏ và yếu ớt, vì vậy hậu quả sẽ rất khôn lường khi chúng phải chịu lực va đập lớn với túi khí.

Các nhà sản xuất luôn khuyến cáo nên để trẻ em ngồi ở hàng ghế sau và phải thắt dây an toàn. Đối với trẻ sơ sinh, bạn nên dùng ghế chuyên dụng và treo chúng vào móc phía trong xe, được chế tạo riêng cho loại ghế này. Nếu ghế của bạn không thể treo được, hãy xoay chúng lại sao cho tầm mắt của trẻ nhìn vào mặt lưng ghế ngồi, để túi khí khi bung sẽ không va chạm trực diện với trẻ.

Đặt vật trang trí không đúng chỗ

Tránh đặt những chai nước hoa, vật trang trí lên táp lô chỗ mặt bung túi khí, vì chúng sẽ thành những viên “đạn” gây nguy hiểm cho hành khách khi túi khí được kích hoạt. Thao tác để tay trên vô lăng cũng rất quan trọng, nhiều tài xế có thói quen để 1 tay lên vô lăng hướng 12 giờ, đánh chéo tay khi rẽ cua gắt hoặc đặt 1 tay lên kèn sẵn. Trong trường hợp có tai nạn bất ngờ xảy đến, túi khí bung ra sẽ khiến tay đập thẳng vào mặt người lái và gây chấn thương nghiêm trọng.

Lỗi túi khí

Lỗi túi khí là một điều bạn cũng cần quan tâm, thời gian gần đây rất nhiều hãng xe đã xác nhận có hàng triệu xe đang bị vướng phải lỗi túi khí Takata. Cụ thể, khi túi khí bị lỗi được kích hoạt, áp lực lớn sẽ làm cụm bơm hơi bị nứt vỡ và giải phóng những mãnh kim loại sắc nhọn với vận tốc cao. Thực tế đã có một bé gái và một người đàn ông tại Mỹ tử vong vì bị mảnh kim loại từ túi khí bung ra đâm vào cổ. Chính vì thế, bạn nên liên hệ với hãng để xác nhận xe mình có nằm trong diện bị thu hồi sửa chữa hay không nhằm tránh những sự cố đáng tiếc có thể xảy ra.


Nguồn tin: Tạp Chí Giao Thông Vận Tải

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok