Kinh tế

Tuần quan trọng nhất của kinh tế thế giới 2018 bắt đầu

Cuộc họp của lãnh đạo Mỹ - Triều, Nga - Arab Saudi và khả năng Fed nâng lãi suất có thể tác động lên thị trường tài chính toàn cầu.

Trong báo cáo mới nhất gửi khách hàng, Bank of America đã gọi tuần này là tuần quan trọng nhất với kinh tế thế giới năm nay, với hàng loạt căng thẳng thương mại, các cuộc họp của ngân hàng trung ương và sự bất đồng giữa các nhà lãnh đạo. Mỗi sự kiện đều có thể gây bất ổn thị trường tài chính và định hình tăng trưởng toàn cầu trong năm nay.

Thứ Hai

Nhà đầu tư sẽ có thêm thông tin về những gì đã xảy ra tại Hội nghị Thượng đỉnh G7 cuối tuần trước. Cuộc họp kết thúc bằng việc Tổng thống Mỹ - Donald Trump bất đồng với các lãnh đạo khác và không ủng hộ tuyên bố chung, làm tăng khả năng gây ra căng thẳng thương mại mới.

Thứ Ba

Ông Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên - Kim Jong Un sẽ có cuộc gặp lịch sử tại Singapore. Tuần trước, ông Trump đã dự báo cuộc gặp sẽ là “một thành công lớn” và hai nước có thể ký một thỏa thuận chính thức chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên.

Cùng ngày, tại Mỹ, số liệu lạm phát hàng tháng cũng sẽ được công bố. Đây sẽ là chỉ báo cho thấy nền kinh tế Mỹ có đang đi đúng hướng hay không.

Tại Anh, Thủ tướng Theresa May cũng sẽ trình lại dự luật Brexit lên Hạ viện nước này, sau khi bị sửa đổi tới 15 lần ở Thượng viện. Trong hai ngày tranh luận và bỏ phiếu, các câu hỏi sẽ quay quanh việc Quốc hội Anh quyết định thế nào về thỏa thuận Brexit cuối cùng và liệu Anh có nên ở lại một liên minh hải quan hay không.

Thứ Tư

Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) được kỳ vọng nâng lãi suất lần thứ hai trong năm tại cuộc họp giữa tuần này. Chủ tịch Fed - Jerome Powell sẽ công bố các dự báo mới, có thể cho thấy họ nghiêng về khả năng nâng lãi 4 lần năm nay, thay vì 3 như ám chỉ hồi tháng 3.

Tại Argentina, Ngân hàng trung ương nước này cũng được dự báo giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức 40% hiện tại, nhằm bình ổn đồng peso.

Thứ Năm

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đang dần tiến tới chấm dứt chương trình mua lại trái phiếu quy mô lớn. Trong cuộc họp chính sách vào thứ Năm, giới chức sẽ có các cuộc nói chuyện chính thức đầu tiên về thời điểm và cách thức thực hiện việc này.

Tổng thống Nga - Vladimir Putin và Thái tử Arab Saudi - Mohammed bin Salman sẽ gặp nhau tại trận khai mạc World Cup. Việc này có thể ảnh hưởng đến thị trường dầu toàn cầu, do nó diễn ra một tuần trước cuộc họp quan trọng của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) tại Vienna. Đây sẽ là cơ hội phút chót để hai lãnh đạo bàn bạc về khả năng tăng sản lượng.

Cùng ngày, Trung Quốc sẽ công bố số liệu bán lẻ và sản lượng công nghiệp, giúp các nhà phân tích đánh giá dễ dàng hơn nền kinh tế lớn nhì thế giới.

Thứ Sáu

Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) có thể công bố giữ nguyên chính sách tiền tệ hiện tại. Cơ quan này đang mua vào lượng lớn trái phiếu chính phủ và được dự báo tiếp tục làm điều này khi lạm phát còn kém xa mục tiêu 2%, còn GDP quý I lại giảm.

15/6 cũng là hạn chót Mỹ công bố danh sách các mặt hàng của Trung Quốc chịu thuế nhập khẩu. Thuế này có thể sẽ sớm có hiệu lực.

Tác giả: Hà Thu

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok