Đến ngày 25-1, cơ quan chức năng tỉnh Thừa Thiên – Huế vẫn chưa đưa ra kết luận cuối cùng liên quan đến cái chết của ông Huỳnh Văn Đường (SN 1958), trú tại xã Phú Thượng, huyện Phú Vang (Thừa Thiên – Huế) vào ngày 22-1.
Ông Đường là nạn nhân của một vụ tai nạn giao thông hàng loạt xảy ra vào chiều 21-1 nên được đưa vào Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình và phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ Huế (CTCH&PTTHTM) ở số 102 đường Phạm Văn Đồng (TP Huế) cấp cứu với chẩn đoán gãy cẳng chân trái. Ông Đường tử vong sau khi phẫu thuật chưa tới một ngày khiến gia đình nạn nhân bức xúc.
Bà Hoàng Thị Phương Liên (vợ nạn nhân), nói rằng khi vào viện ông Đường hoàn toàn tỉnh táo, quan sát bên ngoài chỉ thấy vết thương ở cẳng chân trái và một xây xước nhẹ ở cằm. Ông Đường được phẫu thuật vào chiều 21-1. "Sau khi phẫu thuật xong chồng tôi cũng khá tỉnh táo.
Tuy nhiên, đến khoảng 1 giờ sáng ngày 22-1, chồng tôi nói với các con là khó thở, đau ở lưng và ngực. Lúc này tôi chạy tới bệnh viện, gặp nhân viên của họ và đề nghị xin chuyển viện thì có 2 người nói rằng chồng tôi bị hen suyễn, bệnh viện đã xử lý được, không cần chuyển đi đâu" – bà Liên kể lại.
Trước mổ, bệnh viện chỉ phát hiện bệnh nhân gãy cẳng chân trái |
Vậy nhưng đến khoảng 14 giờ ngày 22-1, ông Đường phải chuyển lên cấp cứu tại Bệnh viện Trung ương Huế nhưng đã tử vong sau đó vài giờ đồng hồ. "Lúc chuyển đi tôi thấy chồng mình không thể qua khỏi, nhưng thấy các con làm dữ quá nên tôi giữ bình tĩnh với hy vọng mong manh" – bà Liên khẳng định.
Theo hồ sơ bệnh án được Bệnh viện CTCH&PTTHTM Huế cung cấp cho gia đình nạn nhân, ông Đường bị gãy hở độ 3 A 1/3 xương chày chân trái. Lúc vào viện tiếp xúc tốt, da và niêm mạc hồng nhạt; vùng cẳng chân trái bị đau nhức, sung nề và chảy máu và vận động khó khăn. Ông Đường được can thiệp cấp cứu, chụp phim phổi, cẳng chân và làm các xét nghiệm trước khi phẫu thuật.
Anh Huỳnh Thái Hưng, con trai nạn nhân, cho biết: "Việc chụp phim phổi trước khi phẫu thuật không thấy bệnh viện nói rằng cha tôi bị gãy 4 xương sườn nhưng chúng tôi được biết giải phẫu tử thi có ghi nhận việc này. Còn nữa, cha tôi từ trước đến nay chưa đi khám bệnh tiểu đường, gia đình chưa bao giờ nghe ông bị mắc bệnh này nhưng trong bệnh án lại ghi rằng ông bị bệnh tiểu đường 12 năm".
Làm việc với chúng tôi, ông Nguyễn Xuân Chiến, Phó Giám đốc Bệnh viện CTCH&PTTHTM Huế, đưa ra một tập hồ sơ bệnh án và khẳng định rằng các công đoạn chuẩn bị phẫu thuật đều được bệnh viện làm rất kỹ. Phương pháp mổ nẹp vít, gây tê tủy sống và có truyền máu. "Trước, trong và sau phẫu thuật bệnh nhân hoàn toàn tỉnh táo, cho đến trưa ngày 22-1 thì bệnh nhân rơi vào trường hợp khó thở. Chuyển biến bệnh rất nhanh, chỉ trong 10-15 phút, chúng tôi phải can thiệp đường thở, an toàn mới chuyển lên Bệnh viện Trung ương Huế" – ông Chiến nói thêm.
Bệnh án cung cấp cho gia đình chỉ ghi nhận gãy cẳng chân |
Ông Chiến nói rằng việc suy hô hấp nhanh của bệnh nhân xảy ra đột ngột sau mổ, có khả năng do xẹp phổi vì gãy xương sườn sau tai nạn. Vì sao bệnh án không ghi nhận việc gãy xương sườn? Người nhà bệnh nhân không hề được bệnh viện thông báo dù có chụp phim phổi? Ông Chiến thừa nhận rằng bệnh viện có chụp phim phổi nhưng các bác sĩ không phát hiện ra việc gãy xương trước khi mổ. Việc này, có thể do trình độ chuyên môn người đọc phim, cần kết hợp siêu âm và có trình độ lâm sàng.
Bên cạnh đó, ông Chiến nói rằng có những trường hợp bệnh nhân tai nạn nhưng có những chấn thương kín đáo, thứ phát và cần có thời gian mới phát hiện. Đối với bệnh nhân Đường thì qua khám phổi không có dịch, không có máu, phổi không tổn thương, không có triệu chứng khó thở, bệnh nhân tỉnh táo, các chỉ số đều cho phép được mổ.
"Nếu phát hiện gãy xương sườn trước mổ thì may ra hồ sơ bệnh án có ghi nhận mà thôi, chứ việc mổ vẫn tiến hành bởi các chỉ số cho phép. Đây là phẫu thuật hở, thêm nữa gây tê tủy sống thì rất hợp lý và không ảnh hưởng gì tới bộ phận phổi" – ông Chiến nói.
Theo ông Chiến, sau khi phẫu thuật xong, đến 5 giờ 40 phút hôm sau (22-1), bác sĩ Nguyễn Ngọc Khiêm (cố vấn chuyên môn của bệnh viện) đi công tác về đã đến thăm khám và đọc phim mới phát hiện bệnh nhân gãy xương sườn. Lúc này, bác sĩ Khiêm chỉ định cho thêm kháng sinh điều trị vì bệnh nhân gãy xương hở, cảnh giác co thắt khí quản. Tuy nhiên, đến trưa cùng ngày do bệnh nhân chuyển biến khó thở khá nhanh, trong vòng 10-15 phút, suy hô hấp nặng nên phải cấp cứu và chuyển lên Bệnh viện Trung ương Huế.
Tác giả: Q.Nhật
Nguồn tin: Báo Người lao động