Giáo dục

Tự tử ở trẻ vị thành niên: Cần sự lắng nghe đúng cách từ người lớn

Một năm số người tự tử do trầm cảm ở Việt Nam lên đến 36.000-40.000 người. Trong đó có rất nhiều vụ tự tử thương tâm của các em ở tuổi vị thành niên, thanh niên để lại nhiều lo ngại trong dư luận về vấn đề tâm lý, suy nghĩ của giới trẻ.

Trầm cảm dẫn đến tự tử

Mới đây vào ngày 3/1, một nữ sinh lớp 7 đang học tại trường THCS Tân Lâm (huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) dùng khăn quàng đỏ thắt cổ, tử vong trong lớp học. Em L để lại thư tuyệt mệnh bằng tiếng Việt và tiếng Anh. Được biết, L ngoan ngoãn, hiền lành. L học rất giỏi, đặc biệt là môn tiếng Anh. Sự việc xảy ra khi các bạn học sinh trong lớp đi học môn Tin học tại phòng máy, em L ở lại lớp. Giờ học kết thúc, các em trở lại lớp để học các môn còn lại thì phát hiện L đã tử vong.

Áp ực học hành dẫn đến bệnh trầm cảm trong giới trẻ.

Trước đó vào ngày 2/10, người dân ở khu đô thị Tây Đô - Hà Nội đã bàng hoàng khi chứng kiến cái chết của một nữ sinh 16 tuổi đang học tại một trường chuyên ở Hà Nội. Em tự tử bằng cách gieo mình từ tầng 25 xuống đất. Theo thông tin ban đầu từ phía nhà trường, gần đây nữ sinh này có biểu hiện trầm cảm. Theo người thân, bố mẹ của nạn nhân đã ly hôn và nữ sinh này đang ở với mẹ.

Vào tháng 7, Nguyễn Đức A. (SN 1998, quê Thanh Hóa), sinh viên năm nhất Học viện Bưu chính Viễn thông, được cho là đã nhảy từ tầng tum của khu ký túc xá Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội xuống đất, tử vong tại chỗ. Qua xác minh ban đầu, gia đình A. có hoàn cảnh đặc biệt, mẹ mất 8 năm nay, bố có biểu hiện không bình thường hay đi lang thang.

Thống kê của Viện Sức khỏe tâm thần - Bệnh viện Bạch Mai, cho thấy trung bình mỗi ngày, bệnh viện tiếp nhận khoảng 200 bệnh nhân đến khám, trong đó có nhiều em chỉ 15-16 tuổi. Một thách thức hiện nay, theo các bác sĩ điều trị rối loạn tâm thần, là phần lớn bệnh nhân trầm cảm đều không được nhận biết và điều trị sớm; 80% bệnh nhân trầm cảm thường chậm trễ trong việc phát hiện và điều trị đúng chuyên khoa. Đáng lo ngại là khi trầm cảm nặng, người bệnh luôn có ý nghĩ chết chóc, muốn tự sát...

Theo nhiều chuyên gia tư vấn tâm lý giáo dục, nguyên nhân chủ yếu là các em bị sang chấn tâm lý. Trong giai đoạn dậy thì, tâm lý thanh thiếu niên có sự thay đổi, có những tình cảm mới dành cho người khác phái và những mối quan hệ, những thú vui ngoài xã hội, nhưng khi gặp khó khăn trong những mối quan hệ đó thì chưa biết cách xử lý, nên nhiều em đã tìm đến tự tử để giải quyết những bế tắc của mình

Khủng hoảng tâm lý trong giới trẻ

Theo PGS.TS Cao Tiến Đức - Chủ nhiệm Khoa Tâm thần, Bệnh viện Quân y 103, một năm số người tự tử do trầm cảm ở Việt Nam lên đến 36.000-40.000 người. Hiện có khoảng 30% dân số bị rối loạn tâm thần, trong đó trầm cảm chiếm tới 15-25%. Hầu hết trường hợp tự tử đều do rối loạn tâm thần, trong đó 75% trầm cảm, 22% nghiện rượu, nghiện ma túy, cờ bạc, chỉ 3% còn lại do tâm thần phân liệt, động kinh.

Tại hội thảo quốc gia “Sức khỏe tâm thần trong trường học”, do Quỹ Tài năng Trẻ tâm lý học - giáo dục học - Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam tổ chức, nhiều chuyên gia tâm lý, sức khỏe tâm thần đã lên tiếng cảnh báo về tình trạng ngày càng sa sút của học sinh. Tâm lý lo sợ không hoàn thành bài vở mới là nỗi ám ảnh với các học sinh lứa tuổi THPT, nhất là các em lớp 12. Từ đó, học sinh cảm thấy căng thẳng trong việc học. 13,6% học sinh khá cảm thấy ăn không ngon, 17,6% chỉ muốn uống nước hoặc sữa và gần 20% thường xuyên bỏ bữa. Thậm chí, một số em tâm sự đang đối mặt một kỳ thi quan trọng, sợ làm bài không tốt, sợ gia đình thất vọng và khi nghĩ đến những điều đó thì các em chỉ muốn... “nổ tung”.

Những cú sốc trong cuộc sống khiến nhiều trẻ vị thành niên tự hủy hoại bản thân.

PGS-TS Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm Điều tra dư luận xã hội - Viện Xã hội học, cho rằng ở giai đoạn giao thời giữa "trẻ con" và "người lớn", trẻ thường rất nhạy cảm, mong manh trong tâm hồn và cách nghĩ nên khi có những rắc rối dù rất nhỏ cũng dễ dàng suy sụp. Do vậy, trong giai đoạn này rất cần sự quan tâm của gia đình, bạn bè và nhà trường để có thể động viên, tham gia gỡ rối giúp các em vượt qua những áp lực từ cuộc sống hằng ngày. Trong khi đó, điều dễ nhận thấy là đa số trường hợp học sinh tự tử thường là những em chăm ngoan, rất ít bị trách phạt. "Phải chăng các em đã không được trang bị tâm thế cần thiết trong cuộc sống, nên khi gặp vấn đề khó khăn, trẻ cảm giác không ai hiểu và coi trọng mình. Đó là chưa kể mỗi khi trẻ mắc lỗi, nhiều bậc phụ huynh còn có những lời nói vô tình xúc phạm đến trẻ”- PGS Bình nhận định.

Theo chia sẻ của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Phương Hoa - Phó Trưởng bộ môn Y tế Gia đình, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, điều quan trọng nhất để giúp trẻ vị thành niên thoát khỏi tình trạng trầm cảm hoặc hành vi tự tử là sự lắng nghe đúng cách từ cha mẹ. Tìm hiểu những vấn đề con gặp phải, hoặc con quan tâm và cố gắng đứng dưới góc nhìn của con để suy xét, hiểu được con cảm nhận thế nào. Thay vì áp đặt suy nghĩ của bản thân lên con, cha mẹ nên kiên nhẫn nghe con giãi bày, sau đó trao đổi ý kiến với con, để con cảm thấy tâm tư, suy nghĩ của mình được tôn trọng thực sự. Khi ấy, trẻ sẽ tin tưởng cha mẹ và dễ dàng tâm sự với cha mẹ hơn.

Tác giả: PHƯƠNG ANH

Nguồn tin: Báo Dân sinh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok