Kinh tế

Tự tạo cơ hội: Từ trồng lúa chuyển sang rau sạch

Từ mấy sào đất lúa cho năng suất thấp, vợ chồng bà Lê Thị Thanh Nga đã mạnh dạn chuyển sang trồng rau củ quả sạch, mang lại nguồn thu nhập ổn định.


Vợ chồng bà Nga chăm sóc vườn rau của mình. Ảnh: Tuyết Khoa
Vườn của bà Lê Thị Thanh Nga là một trong những nơi cung cấp rau củ quả sạch uy tín ở huyện vùng cao A Lưới (Thừa Thiên-Huế), bởi không dùng chất hóa học, nên được người dân đến tận vườn thu mua.

Với diện tích gần 1.500 m2, vườn rau mang lại thu nhập ổn định từ 300.000 - 500.000 đồng mỗi ngày. Nhờ vậy, vợ chồng bà Nga cải thiện được cuộc sống, nuôi các con ăn học. Bà Nga chia sẻ: “Trước đây, chỉ làm mấy sào ruộng nên túng thiếu đủ đường, hai vợ chồng quyết định chuyển sang trồng rau. Bởi nhu cầu người dân ở đây khá cao, người trồng rau lại ít”.

Từ việc trồng những loại rau màu quen thuộc như xà lách, cải, ngò, hành, tía tô, mồng tơi..., vợ chồng bà Nga mở rộng trồng các rau củ ít có ở vùng cao A Lưới như su hào, bắp sú, cà chua, các loại đậu... Theo ông Trần Hữu Quảng, chồng bà Nga, rau tại vườn được trồng sạch, không phun tưới chất hóa học. Tuy rau không xanh tốt như những luống rau được phun thuốc, nhưng giá bán lại cao hơn rau bình thường.

“A Lưới là vùng núi nên đa phần hàng hóa đều được buôn từ dưới xuôi lên, trong đó có nhiều loại rau củ. Vì thế giá khá đắt đỏ. Nhận thấy việc trồng rau mang lại kinh tế cao gấp nhiều lần trồng lúa, thị trường lại rất tiềm năng nên vợ chồng chúng tôi dần mở rộng diện tích và đa dạng các loại rau củ đáp ứng nhu cầu của người dân nơi đây. Từ 1 sào đến 2 sào, 3 sào, cứ thế chuyển dần diện tích trồng lúa sang trồng rau”, ông Quảng nói.

Ông Quảng thường trồng luân canh nhiều loại rau củ để hạn chế sự lây lan của sâu bệnh từ vụ trước sang vụ sau. Sâu bệnh cũng được phòng trừ bằng các chế phẩm sinh học như hỗn hợp gừng, ớt, tỏi... Thời tiết A Lưới những năm gần đây nắng mưa thất thường nên cách đây 2 năm, vợ chồng bà Nga quyết định đầu tư mái che bằng ni lông trắng, xung quanh bao lưới. Mái che được làm bằng khung sắt kết hợp với tre, cao chừng 2 - 3 m. Do A Lưới là vùng gió nên mái che phải được làm kiên cố. Ni lông làm mái che phải chọn loại dày và tốt để có độ bền. Hệ thống nước cũng được bố trí theo các luống và tưới tự động. Với cách trồng này, người trồng không bị động trước những diễn biến của thời tiết, hạn chế lượng ánh nắng mặt trời, lượng mưa và ổn định được nhiệt độ trong vườn. Vườn rau có lưới bảo vệ che chắn côn trùng xâm nhập, tránh được sâu bệnh gây hại...

Với mô hình này, năng suất rau quả tăng 2 - 3 lần. Do không có nguồn vốn nên ban đầu hai vợ chồng bà Nga chỉ làm được nhà mái che với vài trăm mét vuông. Nhiều sào rau còn lại vẫn trồng theo cách thức truyền thống. “May mắn, đầu năm nay, UBND H.A Lưới có chương trình hỗ trợ mô hình trồng rau sạch nên chúng tôi được hỗ trợ thêm nguồn vốn và kỹ thuật để phát triển vườn rau sạch của mình, mở rộng diện tích rau trồng trong nhà mái che lên gần 1.000 m2”, bà Nga phấn khởi.

Chị Hồ Thị Hoa, cán bộ phụ trách nông nghiệp UBND TT.A Lưới, cho biết: “Vườn rau chị Nga là địa chỉ rau sạch, tươi ngon và tin cậy của người dân ở đây. Nhờ sự cần cù cũng như mạnh dạn đầu tư, chuyển đổi cây trồng, ham tìm tòi học hỏi, gầy dựng vườn rau quả nên vợ chồng chị Nga đã cải thiện được kinh tế gia đình, có thu nhập để nuôi các con ăn học đến nơi đến chốn”.

Bạn đọc quan tâm mô hình trồng rau sạch của vợ chồng bà Lê Thị Thanh Nga, có thể đến địa chỉ: tổ dân phố 2, TT.A Lưới, H.A Lưới, Thừa Thiên-Huế. Điện thoại liên hệ: 01677848860.

Tác giả bài viết: Tuyết Khoa

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok