Kinh tế

Tự tạo cơ hội: Sống khỏe nhờ nuôi chim trĩ đỏ

Một lần tình cờ lên mạng tìm thông tin, anh Trương Thừa Vũ (31 tuổi, ngụ thôn 5, xã Mê Linh, H.Lâm Hà, Lâm Đồng) biết đến mô hình nuôi chim trĩ đỏ nên nuôi thử.


Anh Vũ bên đàn chim trĩ đỏ. Ảnh: Lâm Viên
Anh Vũ cho biết nghề chính của anh là sửa mô tơ điện dùng để bơm nước tưới cho bà con nông dân trong vùng. Cách đây 2 năm, trong một lần “lướt web” thì phát hiện mô hình nuôi chim trĩ đỏ mang lại hiệu quả kinh tế cao. Vũ bàn với vợ gom góp tiền mua được 35 con chim trĩ giống với giá 400.000 đồng/con, trong đó có 28 con mái về nuôi thử trong khu chuồng nhỏ ngay sau nhà ở. Đàn chim trĩ đỏ sinh trưởng và phát triển khá nhanh, một thời gian sau anh Vũ phải mở rộng chuồng trại.

Do chim trĩ đỏ là động vật hoang dã, nên các cán bộ Hạt kiểm lâm H.Lâm Hà đã hướng dẫn Vũ làm đơn xin cấp phép nuôi chim trĩ nhằm mục đích thương mại. Anh Vũ cho biết: “Là động vật hoang dã nhưng đặc điểm sinh trưởng của chim trĩ đỏ khá giống với gà. Chim vừa có thể bay, vừa đậu trên cành và bới đất kiếm ăn như gà nên rất dễ nuôi”. Thức ăn chính của chim trĩ là bắp hạt và ít rau cỏ. Chim trĩ nuôi từ 6 - 8 tháng bắt đầu đẻ trứng, mùa đẻ trứng từ tháng 2 - 8 âm lịch. Bình quân mỗi năm một con chim trĩ mái có thể đẻ từ 68 - 80 trứng.

“Số lượng trứng, thời gian đẻ của chim trĩ còn phụ thuộc vào chế độ cho ăn và kỹ thuật nuôi. Nếu cho ăn tăng lượng đạm, can xi... chim trĩ có thể đẻ quanh năm. Nhưng nếu “ép” chim đẻ nhiều sẽ ảnh hưởng đến chất lượng trứng và tuổi thọ chim trĩ mẹ”, anh Vũ cho biết.

Chim trĩ không biết ấp nên anh Vũ phải đem gửi vào lò ấp trứng, sau 25 ngày thì nở, tỷ lệ trứng nở đạt tới 80%, chi phí cho việc ấp là 5.000 đồng/trứng. Chim trĩ đỏ mới nở được mang về “úm” trong một khu chuồng trại đặc biệt và được sưởi ấm bằng bóng điện hoặc đèn sưởi. Khi có thể thích ứng với môi trường, chim được thả vào các chuồng nuôi. Để phòng ngừa dịch bệnh, trong 2 tháng đầu anh Vũ cho chim trĩ đỏ uống vắc xin theo định kỳ nên không bị dịch bệnh.
Khi biết vợ chồng anh Vũ có đàn chim trĩ đỏ khá lạ lẫm và đẹp mắt, nhiều người dân trong thôn đã tìm tới mua về nuôi làm cảnh. Chim trĩ mới nở ra trong vòng một tuần được bán với giá 70.000 đồng/con. Hơn một năm nay, ngoài việc bán chim giống, anh Vũ còn nuôi và bán chim trĩ thịt. Khi trưởng thành, chim trĩ trống có trọng lượng tối đa khoảng 1,7 kg, chim mái khoảng 1,2 kg.

Anh Vũ nói: “Chim trĩ thịt được các nhà hàng ở TP.Đà Lạt đặt mua. Nếu mua số lượng ít tôi mang đến tận nơi với giá 300.000 đồng/kg. Còn mua số lượng lớn và họ đưa xe xuống tận Mê Linh chở về thì tôi giảm giá”. Theo anh Vũ, chim trĩ có xương nhỏ, nên so với gà có cùng trọng lượng thì lượng thịt nhiều hơn; thịt chim trĩ ăn dai, thơm, chắc hơn thịt gà vì chim trĩ suốt ngày được vận động, bay nhảy trong khu vực nuôi.

Hiện nay, trang trại chăn nuôi chim trĩ đỏ của anh Vũ có số lượng lên tới 500 con, mỗi ngày đàn chim ngốn hết 20 kg bắp hạt. Anh Vũ chia sẻ: “Từ ngày chuyển sang nuôi chim trĩ tôi có thêm khoản thu nhập “phụ” khoảng 180 triệu đồng/năm, sau khi đã trừ các chi phí thức ăn, thuốc men... nên cuộc sống của gia đình ổn định hơn”. Nếu muốn liên lạc với anh để chia sẻ về nuôi chim trĩ thì có thể gọi số 01688366266.

Tác giả bài viết: Lâm Viên

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok