Giáo dục

Tự nguyện – Chiếc bánh có độc dành cho cha mẹ học sinh

Dưới đây là kiểm đếm các thể loại thu ở trường học qua con mắt của một thầy giáo. Xem qua, nhiều người sẽ phải giật mình vì nhiều thứ quá vô lý...

LTS: Cứ mỗi đầu năm học, bài ca tiền học là điệp khúc quen thuộc được nhắc đi nhắc lại tại các trường học.

Tuy nhiên, hiện nay do khâu công khai, minh bạch các khoản thu chi ở nhiều trường và chủ động đề xuất ý kiến của các phụ huynh thực hiện chưa tốt nên vẫn tạo đà cho lạm thu phát triển.

Trình bày sâu hơn về nguyên nhân, tác hại của những khoản lạm thu đầu năm này, thầy giáo Tùng Sơn (một giáo viên dạy học ở Hải Dương) đã có bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của mình.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả!


Từ nhiều năm nay, trong các trường học ở cấp phổ thông, nếu như phải đóng góp 10 khoản thì chỉ có 2-3 khoản là bắt buộc, còn lại là “tự nguyện”, nhưng chúng ta phải hiểu rằng, “tự nguyện” ở đây nghĩa là phát sinh.

Những khoản nào là tham gia bắt buộc (theo quy định)?

Đó là các khoản:

- Học phí: Với học sinh phổ thông, chỉ có cấp Tiểu học được miễn học phí (theo Luật Giáo dục 2005).

- Bảo hiểm y tế: Tất cả học sinh, sinh viên đang theo học tại các cơ sở giáo dục công lập đều bắt buộc phải tham gia bảo hiểm y tế.

- Bảo hiểm thân thể: Khoản này là tự nguyện, nhưng khi triển khai về các trường, nó thành một cuộc vận động và phụ huynh cũng nên tham gia (ví dục bảo hiểm Bảo Việt: 100.000đ/ học sinh/ năm).

Vậy tạm thời xếp bảo hiểm thân thể vào nhóm bắt buộc.

Những khoản nào là tự nguyện?

Đó là tất cả các khoản đóng góp còn lại trong danh mục các trường đề ra với cha mẹ học sinh.

Tự nguyện tức là đồng ý thì đóng mà không đồng ý thì thôi chứ không ai ép buộc được.

Chẳng hạn như các khoản: hỗ trợ nước uống hàng ngày; thuê lao công; hỗ trợ bảo trì máy tính; quỹ hội cha mẹ học sinh; xã hội hoá giáo dục…

Những khoản vừa kể trên đây, nhà trường chỉ được thu khi có sự đồng ý của cha mẹ học sinh.

20
Ảnh biếm họa lạm thu đầu năm (trên giaoduc.net.vn).

Nhưng thực tế, khi các trường đã đề ra là họ thu được, không những chỉ thu những khoản mang tính “thông lệ” mà cứ mỗi năm học lại có những khoản mới phát sinh khoét thủng hầu bao của các bậc phụ huynh.

Những khoản tự nguyện cũng không "ngầm" thu lợi cho giáo viên!

Nói vậy vì những khoản thu bắt buộc thì trường phải nộp đi để ngành chức năng quản lí, có phần trăm để lại nhưng không đáng kể; còn lại rất nhiều khoản thu khác nhà trường toàn quyền chi dùng việc nọ việc kia.

Thường là mỗi công việc chỉ dùng hết một phần của tổng thu khoản đó, số còn lại dùng vào việc gì thì… chỉ lãnh đạo nhà trường biết.



Chẳng hạn một trường có 500 học sinh, mỗi em đóng 100.000 thuê lao công thì tổng thu là 50 triệu, thế nhưng bác lao công chỉ được trả khoảng 1,5 - 2 triệu cho mỗi tháng.

Một năm học chi trả lao công khoảng 20 triệu, còn dôi ra khoảng 30 triệu thì… tất cả đều chịu không thể biết. Đương nhiên, số tiền dôi ra đó không thể chia đều cho giáo viên.

Tự nguyện ở đây là... không từ chối được!

Khi giáo viên chủ nhiệm phổ biến các khoản thu góp đầu năm, họ nói rất ít về những khoản bắt buộc vì những khoản đó không cần tuyên truyền thì cha mẹ học sinh vẫn nộp.

Giáo viên chủ nhiệm chủ yếu tuyên truyền cho các khoản mang tính chất tự nguyện; họ phải nói sao cho thật có lí, tức là việc thu tiền cho mục đích đó là hết sức cần thiết.

Ví như xã hội hoá là để mua sắm thiêt bị dạy con các bác; lao công là thuê người dọn vệ sinh, quét lớp; quỹ hội là để lấy tiền thưởng cho các con… tóm lại là không có khoản nào tiêu vớ vẩn.

Còn thực tế chi bao nhiêu trên tổng thu thì không thể nói và cũng đừng ai hỏi, đa số các cuộc họp diễn ra một chiều, ít khi có sự chủ động đề xuất ý kiến từ cha mẹ học sinh.

Có lẽ con người bây giờ là vậy, ở đâu cũng vậy; cái bệnh ngại đấu tranh đã lan toả khắp mọi nơi.

Cuối cùng, giáo viên hỏi “Các bác có nhất trí không?”, thế là đồng ý và các khoản tự nguyện không ai từ chối!

Chi hội trưởng cha mẹ học sinh là hạt nhân cho “tự nguyện”

Trước khi phổ biến các khoản thu trong buổi họp phụ huynh các lớp thì nhà trường đã có buổi họp với các chi hội trưởng cha mẹ học sinh của từng lớp.

Các chi hội trưởng này được ngắm và lựa chọn kĩ càng, họ phải là những người có tiếng nói và có kinh tế thuộc diện khá giả trong lớp, nếu là tầm cỡ đại gia càng tốt!

Đây là những hạt nhân của các lớp trong mọi phong trào trong đó có vấn đề đóng góp.

Nếu trong cuộc họp phụ huynh của lớp, giáo viên chủ nhiệm bị chất vấn và rơi vào thế bí thì những hạt nhân này sẵn sàng đứng lên khai thông bế tắc và quạt mát cho tất cả mọi người, ý kiến của chi hội trưởng có tác dụng bổ sung cho các khoản thu tự nguyện trở nên có lí hơn.

Chính vì thế, chi hội trưởng các lớp được nhà trường và giáo viên chủ nhiệm sử dụng làm con dao pha sắc bén trong vấn đề lạm thu.

Phía sau sự tự nguyện là biết bao nỗi lòng

Trở về sau buổi họp cha mẹ học sinh, các bà, các chị nặng trĩu suy tư.

Họ vừa phải lo kiếm đủ vài triệu nộp cho con, lại vừa phải buồn bực vì không thể vượt qua chính mình.

Họ buồn vì lúc họp có cả “bốn mặt một nhời” mà chẳng ai dám nói những điều không ưng ý.

Năm nào cũng vậy, mỗi lần đi họp phụ huynh đầu năm học về là các xóm lại xôn xao.

Buổi tối, các bà túm tụm nói chuyện trong bức xúc, các ông thì quay quanh ấm trà bàn luận về những khoản thu vượt quá khoản chi thực tế sẽ diễn ra trong năm học.

Có ông nói đổng ra phía ngoài: “Sao biết thế mà các bà không nói. Nói trong cuộc họp có hơn không? Cứ để về nhà mới…”. Chưa hết câu đã bị các bà choảng lại: “Ai dám nói? Biết hết đấy nhưng nói thế nào được. Sợ cô ấn tượng với con nhà mình…”.

Vậy là các mẹ biết cả, biết hết; rõ ràng nhà trường thu quá nhưng cứ tặc lưỡi cho qua?

Chẳng hạn, tiền nước uống đã có Nhà nước chi, phụ huynh chỉ đóng để hỗ trợ thêm, thế nhưng tính ra thì phụ huynh phải mua nước uống toàn phần, khoản nào cũng thế.

Các khoản đóng góp tự nguyện có hoàn toàn vì lợi ích học sinh?

Hiện nay, nhìn chung các trường học cơ sở vật chất còn nghèo nàn, nhất là các trường ở nông thôn.

Nếu lạm thu mà tu bổ hoàn cho điều kiện học tập và sinh hoạt của học trò thì chắc ai cũng vui, có điều là năm nào cũng thu từng ấy khoản (ngày càng nhiều khoản) nhưng trường chẳng thấy khang trang hơn.

Nhiều trường, nhà xe không có, tường nhà mốc thếch không quét vôi; trong lớp, quạt trần ít ỏi nóng bức vô cùng; nhà vệ sinh bốc mùi khó chịu; bảng cũ không thay. Thư viện thiếu sách, phòng y tế sơ sài…

Cái thiếu thốn kể cả ngày không hết, thậm chí, ngay cả cái ly, cái cốc uống nước của các em cũng không được đàng hoàng, hợp vệ sinh… vậy thì những khoản thu có tính tự nguyện ấy dùng để làm gì?

Lạm thu, thu quá chi tiêu cần thiết và sự vẽ vời các khoản đóng góp đến bao giờ mới chấm dứt?

Đóng góp là tự nguyện, vậy mà về nhà không vui, phải chăng, hai tiếng “tự nguyện” chỉ là chiếc bánh có độc dành cho cha mẹ học sinh?

Tác giả bài viết: Tùng Sơn

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok