Kinh tế

Tư duy mới trên vùng lúa xứ Nghệ

Sản xuất không hiệu quả, xu thế chán ruộng diễn ra ngay tại vựa lúa của Nghệ An - huyện Yên Thành. Nhưng đây lại là thời cơ cho những người biết tính toán làm ăn lớn vào cuộc, tạo sự đổi mới...

Họ xuất thân nhà nông, có người từng bôn ba đây đó, nay quay về tìm vàng mười từ đồng ruộng. Những cánh đồng bạt ngàn tít tắp không phụ công người.

Nhìn xa trông rộng

Huyện Yên Thành, nơi có những cánh đồng thẳng cánh cò bay, phì nhiêu, trù phú, được coi là vựa lúa lớn nhất của Nghệ An. Nhưng Yên Thành cũng được biết đến là huyện có số lượng người đi xuất khẩu lao động vào tốp đầu của tỉnh. Những người ở lại, làm ruộng chỉ là phụ, tất cả xoay sang công việc khác, buôn bán, thợ xây, mò cua bắt ốc, bán hàng rong tận các huyện xa trong tỉnh.

Nhờ cơ giới hóa, ông Quyền đã biến vùng đất “chết” thành vựa lúa lớn

Hết mùa vụ, khắp nơi trên vùng đất Nghệ An không khó để bắt gặp hình ảnh những người dân huyện lúa rời nhà đi làm ăn; sang cả Lào làm thêm kiếm tiền. Lao động trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn chiếm tỉ lệ cao nhưng nông nghiệp không đem lại nguồn thu chính cho nông dân huyện lúa.

Năm 2013, trong đợt dồn điền đổi thửa lần 2, không ít nông dân trả ruộng. Đó cũng là cơ hội để những ông chủ yêu ruộng bắt đầu công cuộc tích tụ, cải tạo điền địa.

Cánh đồng Cò của xã Viên Thành sau nhiều năm bị bỏ bê, trở thành vùng đất “chết”, chưa nắng đã khô, chưa mưa đã ngập, cồn vệ lô nhô, năng suất lúa vào dạng thấp nhất nhì xã. Trong khi ai cũng cố tránh cho được thì ông Trần Văn Quyền đứng đơn xin nhận. Riêng ruộng của gia đình ông nhận tại vùng này được 3.500m2.

Số ruộng đất của anh em họ hàng không làm, dồn lại được chừng 30.000m2 ông xin chuyển nhượng tất tần tật. Chưa dừng lại, ông khiến vợ con nóng mặt, bà con nói ra nói vào khi nhận khoán thêm 34.500m2 ruộng công ích của xã với giá 3.450.000 đồng/năm. Không ai hiểu ông Quyền sẽ làm gì với 6,8ha đất xa xấu, cồn vệ.

Dân làng bảo ông vung tiền qua cửa sổ khi bạo chi hàng trăm triệu đồng, thuê máy đào múc, cải tạo đồng ruộng, chia thành từng ô thửa, bao quanh là hệ thống kênh, mương tưới tiêu phục vụ sản xuất. Khi những thửa ruộng thành hình hài, bằng phẳng, mọi người mới trầm trồ, nhận ra ông là người biết nhìn xa, trông rộng.

Ông khiến mọi người ngả mũ thán phục khi đưa vùng đất “bỏ đi” này thành vùng sản xuất lúa năng suất đạt trên 7 tấn/ha/vụ. Mỗi năm, ông thu ngót nghét 100 tấn thóc, trừ các khoản chi phí, lãi ròng gần 150 triệu đồng.

Nhờ cơ giới hóa, ông Quyền đã biến vùng đất “chết” thành vựa lúa lớn
“Nhiều hộ dân, phần vì không còn thiết tha với ruộng đồng, phần vì ly hương đã chuyển nhượng lại đất cho tôi. Riêng các khoản đóng góp làm giao thông nội đồng tính theo đầu nhân khẩu theo Nghị định 64 cũng đã lên đến 50 - 60 triệu đồng. Cùng với đó, tôi đầu tư trên 400 triệu đồng để cải tạo điền địa, thuận tiện cho cơ giới hóa trong sản xuất, thu hoạch. Giờ là lúc bắt đầu thực hiện những dự định…”, ông Quyền phấn khởi.

Cách Viên Thành chừng vài chục km, chúng tôi tìm về xã Thọ Thành để tận mắt cơ ngơi tiền tỉ của lão nông Hồ Sỹ Quảng, Chủ nhiệm HTXNNDV Thọ Thành. Ông vỗ đùi đen đét khoe chiếc xe hơi Fortuner mới mua hơn 1 tỉ và ngôi nhà 2 tầng ngay trung tâm xã. Nhìn cung cách làm nông của ông ai cũng mê tít, tất cả những gì của một lão nông tri điền, lão nông thời hiện đại đều thể hiện hết ở con người này… Không ai nghĩ, ông sẽ lao vào làm ruộng sau khi xuất khẩu lao động ở trời Tây trở về.

Học kinh nghiệm... Hunggary

Sau hơn 10 năm oằn lưng kiếm tiền ở Hunggary, năm 2011, ông Hồ Sỹ Quảng về nước. Ai cũng nghĩ lão đi xuất khẩu lao động nhưng không chịu làm ăn nên trở về tay không. Người ta không thấy ông sắm sanh gì trong ngôi nhà tuềnh toàng, cũng chẳng thấy khoe của đi Tây về. Ông vẫn đi xe máy cà tàng, điều đáng nói là cái người từng bôn ba nước ngoài này lại rất chăm ra thăm đồng, bần thần trước những cánh đồng hoang hóa. Nhiều người ngỡ ông bị hâm.

Sau 2 năm cày cấy, đùng một cái, vợ con ông ngã ngửa khi ông nằng nặc đòi thầu khoán 20ha ruộng chiêm trũng công ích của xã. Vùng đất xa xấu này, nông dân quê lúa chăm bón tốt lắm họa hoằn mới có vụ năng suất đạt 1,5 tạ lúa/sào. Đã thế, từ lâu, nông dân Thọ Thành “từ mặt” vùng đất này vì gần như nó chỉ sản xuất được đúng 1 mùa lúa, thời gian còn lại nước ngập triền miên, cỏ dại mọc um tùm. Thế mà xã ra giá 70kg lúa/sào/năm, ông vẫn quyết nhận bằng được.

Rồi ông dốc bằng hết của nả đổ vào làm ruộng. Nhìn ông đầu tư, dân làng nghĩ chắc phải bỏ cả tỷ bạc. Tất cả đều nướng vào canh bạc này, đấy lại là điều ông vẫn thầm ước mơ, là hoài bão của cuộc đời.

Lão nông Hồ Sỹ Quảng kể chuyện trồng lúa kiếm nửa tỷ đồng mỗi năm
Vụ đầu, ông bỏ hơn 400 triệu đồng cải tạo, làm hệ thống tưới tiêu bao quanh 20ha ruộng, mua sắm máy cày công suất lớn. “Chịu chơi”, đầu tư hàng trăm triệu đồng mua sắm máy móc nên từ khâu cấy, chăm sóc, thu hoạch… tất tần tật đều được cơ giới hóa.

Rồi ông mò ra tận Bắc Giang, đặt vấn đề sản xuất giống cho Cty CP Giống cây trồng Bắc Giang.

Hai bên đạt được thỏa thuận, Cty CP GCT Bắc Giang cung ứng giống, kỹ thuật, ông là người trực tiếp sản xuất. Với nguyên tắc hợp tác 1kg thóc tươi thu ngay tại ruộng, phía Cty CP GCT Bắc Giang trả giá ngang 1kg thóc khô cùng thời điểm, ngay vụ đầu tiên ông thắng lớn, lãi ròng trên 400 triệu đồng. Ông bảo, nếu làm theo cách truyền thống, nai lưng ra, không cơ giới hóa thì nông dân chỉ lấy công làm lời. Điều ấy, ông thấm nhờ mấy năm lăn lộn ở Hunggary.

“Ở Hunggary, 1 nông dân có thể tự sản xuất được hàng chục, hàng trăm hecta lúa, còn ở quê mình, 5 - 6 lao động chỉ cấy vài ba sào ruộng. Trong khi nông dân Hunggary sống sung túc, nhàn nhã thì nông dân quê nhà luôn đầu tắt, mặt tối. Giá trị của sản xuất nông nghiệp lớn nằm ở chỗ cơ giới hóa được đưa vào sản xuất”.

Theo ông Quảng, nếu sản xuất nông nghiệp theo phương thức truyền thống, với mỗi sào (500m2), nông dân phải đầu tư bao gồm công làm đất 150 nghìn đồng (30kg thóc), tiền cấy 200.000 đồng (40kg thóc), thuê ruộng (35kg)…

Tổng chi phí cho mỗi sào lúa chiếm gần 600kg thóc/năm. Trong khi đó, năng suất lúa đạt 700 kg/sào/năm. Như vậy, nông dân chỉ lãi chừng 100kg thóc/sào/năm.

Tuy nhiên, khi làm nông nghiệp lớn, tất cả các chi phí đầu tư đều giảm: Vật tư phân bón và làm đất giảm 30%, cấy và gặt giảm 50%... Tính ra, mỗi hecta giảm chi phí được gần 10 triệu đồng.

“Riêng chi phí đầu tư, với 20ha, tôi đã tiết kiệm được 200 triệu nhờ cơ giới hóa trong quá trình sản xuất, thu hoạch. Bên cạnh đó, với việc Cty CP GCT Bắc Giang thu mua tận ruộng ngang với giá thóc khô, càng thêm lãi. Tính ra, mỗi năm, từ 20ha lúa, tôi lãi ròng gần nửa tỷ đồng”, ông Quảng phân tích.

Ông Quảng cũng cho rằng, để xuất hiện những cánh đồng lớn làm ăn có hiệu quả, nông dân cần được hưởng những chính sách ưu đãi trong vay vốn. Ngoài nguồn vốn ưu đãi, nông dân cũng cần được cởi trói trong chính sách về đất đai. Để đảm bảo an ninh lương thực, việc giữ vững và ổn định diện tích đất lúa là cần.

Nhưng có những vùng, nếu trồng lúa bằng mọi giá thì hiệu quả kinh tế quá thấp; hoặc nếu chỉ trồng 2 vụ lúa rồi bỏ không mấy tháng trời chờ vụ mới thì uổng phí. Người ta nghĩ ngay đến việc thả nuôi cá vụ 3, quy hoạch xây dựng hệ thống chuồng trại trên đất trồng lúa… Nhưng để làm được điều đó là cả một vấn đề lớn, bị coi phạm luật khi thay đổi hiện trạng đất lúa.

Ông Quảng nêu quan điểm và đầy tiếc nuối...

Tác giả bài viết: Văn Dũng

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok