|
Mười tám tuổi, lứa tuổi đẹp nhất đời người, em lên xe hoa, và sau đó là những đứa con nối tiếp nhau ra đời. Trong mắt láng giềng, em là người vợ yêu chồng, người mẹ thương con, người con dâu hiếu thảo. Cuộc sống tuy không giàu có nhưng cũng không quá khổ nghèo bởi biết chắt chiu như hầu hết những gia đình nông thôn khác.
Rồi đột ngột một ngày, hai vợ chồng không tìm được tiếng nói chung, xích mích tích tụ ngày này qua ngày khác. Rồi cãi vã, rồi nước mắt. Vợ ôm hai đứa con bỏ về nhà ngoại. Trên đường về ngang qua một cây cầu. Dưới cây cầu là dòng sông nước chảy. Lúc đó người mẹ trẻ đã nghĩ gì? Chết là hết khổ? Mình chết rồi con ở lại ai chăm? Vậy là ba mẹ con cùng chết, hai đứa nhỏ hẳn là còn không kịp sợ hãi, còn một đứa trẻ vĩnh viễn không còn cơ hội cất tiếng khóc chào đời.
Có người đã gọi sự việc người mẹ ôm con cùng chết này là tột cùng của tội ác, bởi người lớn dại dột đã đành, còn lũ trẻ có tội tình gì đâu. Nhưng dù sao đi nữa, chúng ta chỉ là những người ngoài cuộc, thật khó để hình dung trong tâm trí người thai phụ trẻ lúc ấy đang bấn loạn hay cùng quẫn thế nào. Em ấy, nghĩ cho cùng, đáng giận nhưng cũng rất đáng thương.
Tôi vẫn tin rằng trước nỗi đau quá lớn này, người chồng ấy sẽ còn tự dằn vặt mình nhiều lắm. Dằn vặt giá mà mình thương vợ nhiều hơn, giá mà mình bớt đi nỏng nảy, giá mà khi vợ dắt con đi mình níu vợ con ở lại, giá mà... Cuộc sống luôn có những chữ “giá như” đầy đớn đau và tiếc nuối. Chỉ là khi nỗi đau đã hiện hữu trước mắt rồi mới phân tỏ đúng sai, cũng là lúc đưa mắt nhìn nhau lần cuối.
Vợ chồng, suy cho cùng chỉ là những người xa lạ, vì yêu thương mà gắn kết, vì nghĩa tình mà bên nhau. Những đứa con ra đời giống như một sợi dây gắn kết để hai chữ gia đình thêm bền chặt, bớt đi sự lỏng lẻo.
Vợ chồng, yêu thương thì kề cận, giận hờn thì cách xa. Đến bát đũa vô tri vô giác còn xô nhau huống chi hai người sống chung vốn không phải lúc nào cũng nhất đồng quan điểm. Mâu thuẫn nào cũng có nguyên nhân, có thể ngồi cùng nhau nói lời yêu thương, sao cùng nhau ngồi gỡ gạc những bất đồng lại khó khăn đến thế.
Những lúc vợ chồng giận nhau, hãy nhìn con cái làm điểm tựa. Chỉ cần nhìn con mình hát, con mình cười hay đang say nồng giấc ngủ, chắc chắn sẽ có thêm động lực để cố gắng, để yêu thương. Con cái không có quyền chọn mẹ chọn cha, nhưng cha mẹ có thể quyết định đem đến cho con mình bình yên hay sóng gió.
Vợ chồng, chỉ cần thấu hiểu nhau một chút, nhường nhịn nhau một chút, hiểu lầm rồi sẽ sáng tỏ, giận hờn rồi sẽ trôi qua. Còn thương thì lại chung giường, hết thương thì đường ai nấy bước. Con trẻ may mắn thì được hạnh phúc cùng mẹ cha dưới một mái nhà, bằng không thì đứa sống cùng cha, đứa về với mẹ. Hiện tại có thể là nước mắt, là mất mát đắng cay, nhưng tương lai còn dài phía trước. Phía trước ấy chắc chắn có nhiều nụ cười, phía trước là bầu trời đầy nắng. Chỉ cần sự sống còn tiếp diễn là còn hi vọng, cớ sao cứ phải tự đưa mình vào bước đường cùng.
Có một nhà văn đã từng viết: “Ở đời này không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có sức mạnh để vượt qua những ranh giới ấy”. Và hi vọng rằng những người làm cha làm mẹ nếu không còn thương nhau nữa thì thôi. Nhưng hãy bớt đi một chút ích kỉ, bớt đi một chút “cái tôi”, bớt đi sự nỏng nảy điên cuồng. Làm cha mẹ, trước khi nghĩ đến bản thân, hãy dành một phút nghĩ đến con của mình đã. Những đứa trẻ, những nụ non mới nhú, con sinh ra là để được yêu thương chứ không phải là công cụ để mẹ cha giải tỏa những trách hờn.
Tác giả: Lê Giang
Nguồn tin: Báo Dân trí