Giáo dục

Tự chủ đại học: Vướng vì “bình mới, rượu cũ”

Trước thềm năm học mới, câu chuyện về tự chủ đại học đang được nhiều trường quan tâm. Là chủ trương lớn và được nhiều kỳ vọng nhằm tạo ra sự đổi thay nhưng thực tế triển khai rất ì ạch, bởi “bình” thì mới mà “rượu” thì vẫn cũ…


6a TCPO
Chủ trương tự chủ tiến tới bỏ bộ chủ quản phải có lộ trình. Ảnh: Ngọc Châu.

Nghị quyết 77 của Chính phủ cho phép 14 trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) được tự chủ thí điểm trong giai đoạn 2014 – 2017. Trong số 14 trường được giao thí điểm, ĐH Công nghiệp Dệt may Hà Nội được Chính phủ cho thí điểm luôn cơ chế bỏ bộ chủ quản, tức là không trực thuộc bộ, ngành nào. Đây là trường duy nhất tại Việt Nam được thực hiện cơ chế này. Trước đó, ĐH Công nghiệp Dệt may Hà Nội thuộc tập đoàn Dệt may Việt Nam…Vậy sau 1 năm được bỏ bộ chủ quản, trường có được “cởi trói” hoàn toàn như mong muốn của Chính phủ?

TS Hoàng Xuân Hiệp, Hiệu trưởng trường ĐH Công nghiệp Dệt may Hà Nội cho biết tự chủ, bỏ bộ chủ quản là một mô hình mới nhưng vẫn được thực hiện trong quy chế, luật cũ. “Có 3 vấn đề liên quan đến tự chủ: đầu tư, nhân lực, tài chính. Nhưng nhân lực bổ nhiệm, trả lương vẫn nằm trong quy định, luật hiện hành. Đầu tư cũng chưa được tự chủ. Học phí thu vẫn theo khung quy định của nhà nước” – ông Hiệp cho hay. Cũng theo ông Hiệp, các Bộ ngành khác liên quan cứ “chiểu” theo luật để làm. “Chính vì vậy, trong thời gian tới, luật phải sửa, nếu không sẽ không triển khai được” – ông Hiệp khẳng định.

Lấy ví dụ về những khó khăn vướng mắc của các trường tự chủ, ông Hiệp cho biết, về bổ nhiệm nhân sự, trong quyết định thành lập trường vẫn quy định Bộ Công Thương chịu trách nhiệm bổ nhiệm Chủ tịch hội đồng trường nhiệm kỳ đầu. Bộ cũng công nhận hiệu trưởng. Phó hiệu trưởng vẫn do Tập đoàn dệt may Việt Nam bổ nhiệm. Về lương, quy định hiện nay các trường vẫn phải thực hiện là lương mềm không được quá 2 lần lương cứng. Như thế khó thu hút người tài về giảng dạy tại các trường.

Cụ thể hơn về khó khăn của các trường, ông Hiệp chia sẻ với Tiền Phong câu chuyện đi làm con dấu: “Trước khi đến Công an TP Hà Nội làm con dấu, chúng tôi đã được các chuyên viên ở Văn phòng Chính phủ khuyến cáo rất có thể sẽ không được làm. Đúng như dự đoán, Công an TP Hà Nội không cấp con dấu cho trường vì không biết thuộc bộ nào. Trong khi đó, quy định hiện nay, đối với các trường, vành ngoài con dấu là bộ chủ quản, vành trong là tên trường. Trường làm đơn, gửi Tập đoàn Dệt may, rồi Tập đoàn lại chuyển lên Văn phòng Chính phủ. Chuyện làm con dấu cũng mất vài tuần. Như thế để thấy, hiện nay, việc tự chủ, bỏ bộ chủ quản rất nhiều vấn đề cần tháo gỡ”.

Ông Hiệp cũng đề xuất, để “gỡ” được những vướng mắc hiện nay, phải xác định rõ bỏ bộ chủ quản để làm gì? Nếu tăng quyền tự chủ cho các trường ĐH, vậy phải gỡ tất cả các cơ chế đang ràng buộc này. “Như cơ chế về mặt nhân sự như thế nào? Về mặt tài chính, cơ chế tổ chức, trường quyết định gì? Nếu không quy định rõ, không trường nào dám làm” – ông Hiệp nói.

Khối Y dược tự chủ: Sinh viên sẽ không gánh nổi học phí

Trong số 14 trường được giao thí điểm tự chủ, không có trường nào thuộc khối Y, dược. Vậy các trường khối Y dược không được tự chủ hay không dám tự chủ? Trao đổi với Tiền Phong về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Quang Cường cho biết các trường Y trên thế giới đều đào tạo với mức học phí cao nhất trong tất cả các ngành nghề được đào tạo.

Do đó, muốn tự chủ được phải có tài chính. “Muốn vậy phải minh bạch. Trường nào đào tạo tốt sẽ tồn tại được. Tại sao những trường nổi tiếng ở Mỹ đều là các trường tư nhân? Vì hệ thống đánh giá của họ hết sức minh bạch. Còn ở Việt Nam, làm gì có mức đánh giá nào? Ví dụ như Y, lấy ngưỡng nào để nói trường này tốt, trường kia không tốt” – Thứ trưởng Lê Quang Cường cho hay.

Mặt khác, Thứ trưởng Cường cho rằng, học phí các trường Y của Việt Nam không được thu cao. Sinh viên đến các bệnh viện thực tập, các bệnh viện phải “gánh” bớt cho các trường một phần chi phí đào tạo từ găng tay y tế đến những thiết bị, dụng cụ y tế khác. Nếu tự chủ, trường sẽ phải trả các bệnh viện những khoản này. “Trong tương lai, chúng ta phải xây dựng gói đào tạo cho ngành Y. Chi phí rất lớn và sẽ gây hiệu ứng xã hội” - ông Cường khẳng định.

Phải có hành lang pháp lý về tự chủ

GS.Viện sĩ Đào Trọng Thi, nguyên Chủ nhiệm UBVHGDTTN&NĐ Quốc hội cho rằng chủ trương tự chủ tiến tới bỏ bộ chủ quản là một chủ trương đúng đắn. Nhưng phải có lộ trình, không được tùy tiện. Các trường muốn tự chủ được phải có hành lang pháp lý. Do đó, nếu bỏ bộ chủ quản, phải có quy định khác để thay thế. Nhưng bỏ bộ chủ quản không có nghĩa là buông lỏng quản lý mà giao quyền bộ chủ quản đó cho chủ thể khác là hội đồng trường. Vì vẫn giữ cơ chế một người làm, một người giám sát kiểm tra.

Vậy vai trò của Bộ GD&ĐT trong việc tự chủ ở đâu? Theo GS Đào Trọng Thi, bộ phải ban hành được văn bản quản lý. Hay nói cách khác ban hành hệ thống hành lang pháp lý. Bộ trở thành cơ quan giám sát kiểm tra việc thực hiện hành lang pháp lý đó. Nếu trường vi phạm sẽ xử lý.
Bộ Công Thương đang quản...…48 trường

Bộ Công Thương được cho là bộ chủ quản của nhiều trường ĐH, CĐ nhất hiện nay. Ông Phương Hoàng Kim, Vụ trưởng Vụ Phát triển nguồn nhân lực, Bộ Công Thương cho biết hiện bộ quản 48 cơ sở đào tạo, gồm 35 trường thuộc Bộ (9 trường đại học; 1 trường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; 25 trường cao đẳng), 13 trường trực thuộc các Tập đoàn, Tổng công ty của Bộ (2 trường đại học, 9 trường cao đẳng, 2 trường trung cấp).

Theo ông Kim, Bộ Công Thương chủ trương thu hẹp mạng lưới các trường trên cơ sở sáp nhập các trường cùng ngành nghề đào tạo hoặc trên cùng địa bàn. “Từ năm 2013 đến nay, từ hệ thống 51 trường, nay còn 48 trường. Dự kiến đến năm 2020, sẽ có thêm 05 trường được sáp nhập để giảm xuống còn 43 trường (trong đó có 30 trường trực thuộc Bộ)” – ông Phương Hoàng Kim cho hay.

Tác giả bài viết: Nghiêm Huê

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok