Trong nước

Từ 1/7/2020, bạn có thể làm hộ chiếu ở bất cứ đâu mà không phải về quê

Theo quy định của Luật Xuất nhập, nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019, người có thẻ Căn cước công dân xin cấp hộ chiếu phổ thông lần đầu có thể thực hiện thủ tục cấp hộ chiếu ở cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi thuận lợi.

Ngày 22/11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam với tỉ lệ 92,55% đại biểu tán thành. Luật được thông qua có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2020.

Luật được thông qua gồm 9 chương, 52 điều, quy định về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam. Trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về xuất nhập cảnh và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Các bàn tiếp nhận hồ sơ cấp, đổi hộ chiếu. (Ảnh: Tuổi trẻ)

Luật Xuất nhập, nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019 có quy định: "Người có thẻ Căn cước công dân đề nghị cấp hộ chiếu lần đầu thực hiện tại cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi thuận lợi".

Như vậy, từ ngày 1/7/2020, người có thẻ Căn cước công dân xin cấp hộ chiếu phổ thông lần đầu có thể thực hiện thủ tục cấp hộ chiếu ở bất cứ đâu (hiện nay là nơi thường trú hoặc tạm trú).

Các trường hợp khác, đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông lần đầu vẫn thực hiện tại cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi thường trú hoặc nơi tạm trú như hiện hành.

Cụ thể, công dân Việt Nam ở trong nước đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông có thể nộp hồ sơ và nhận kết quả tại cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi thường trú hoặc nơi tạm trú.

Người đề nghị cấp hộ chiếu có thể trực tiếp nộp hồ sơ, gửi hồ sơ qua đường bưu điện hoặc ủy thác cho cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có tư cách pháp nhân trực tiếp nộp hồ sơ tại Công an tỉnh, thành phố nơi thường trú hoặc tạm trú.

Ngoài ra, Luật Xuất nhập cảnh của công dân Việt Nam còn nhiều điểm mới đáng chú ý khác, như liên quan đến thời hạn của giấy tờ xuất nhập cảnh, Luật quy định hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ có thời hạn từ 1 năm đến 5 năm. Có thể được gia hạn một lần không quá 3 năm.

Hộ chiếu phổ thông cấp cho người từ đủ 14 tuổi trở lên có thời hạn 10 năm và không được gia hạn.

Hộ chiếu phổ thông cấp cho người chưa đủ 14 tuổi có thời hạn 5 năm và không được gia hạn. Hộ chiếu phổ thông cấp theo thủ tục rút gọn có thời hạn không quá 12 tháng và không được gia hạn. Giấy thông hành có thời hạn không quá 12 tháng và không được gia hạn.

Luật cũng quy định, người từ đủ 14 tuổi trở lên có quyền lựa chọn cấp hộ chiếu có gắn chíp điện tử hoặc hộ chiếu không gắn chíp điện tử. Được xuất cảnh, nhập cảnh theo quy định của Luật này. Được bảo đảm bí mật cá nhân, bí mật gia đình trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, trừ trường hợp cung cấp thông tin, tài liệu theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, được yêu cầu cung cấp thông tin về xuất cảnh, nhập cảnh của mình. Yêu cầu cập nhật, chỉnh sửa thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, giấy tờ xuất nhập cảnh của mình để bảo đảm đầy đủ, chính xác. Sử dụng hộ chiếu của mình để thực hiện giao dịch hoặc thủ tục khác theo quy định của pháp luật. Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện, yêu cầu bồi thường theo quy định của pháp luật.

Luật quy định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.

Trong đó, Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; quy định dịch vụ công trực tuyến phục vụ cấp, quản lý, kiểm soát hộ chiếu của công dân Việt Nam. Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.

Tác giả: Hoàng Mai

Nguồn tin: Báo Người đưa tin

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok