Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và em gái Kim Yo-jong (Ảnh: Reuters)
Theo Korea Herald, nền truyền thông có phần khép kín của Triều Tiên chính là một trong những nguyên nhân khiến quốc gia này trở nên bí ẩn trong hàng chục năm qua.
Khoảng 30 tờ báo, đài truyền hình, tạp chí Triều Tiên nằm dưới sự quản lý của Đảng Lao động cầm quyền và thường có nhiệm vụ tuyên truyền ý thức hệ và tư tưởng của đảng này.
Tuy nhiên, các chuyên gia đã nhận thấy sự chuyển dịch đáng kể kể từ khi ông Kim nhậm chức vào năm 2011. Nhà nghiên cứu Cheong Seong-chang của Viện Sejong, Hàn Quốc nhận định rằng vai trò của truyền thông Triều Tiên đã đa dạng hơn dưới thời ông Kim, không chỉ còn thuần túy là kênh nhằm tuyên truyền chính sách đối ngoại, tư tưởng của nhà nước Triều Tiên như trước kia.
Sự chuyển dịch
Thông thường, tốc độ không phải là yếu tố quan trọng nhất trong ngành báo chí Triều Tiên. Thực tế, các báo của Bình Nhưỡng như Rodong Sinmum thường đưa tin sau khi sự kiện diễn ra vài ngày.
Tuy nhiên, cả thế giới đã bất ngờ khi Rodong Sinmum, tờ báo lớn nhất Triều Tiên, đã đăng tải chùm ảnh của ông Kim đi dạo về đêm ở Singapore trên trang nhất vào ngày 12/6/2018, chỉ vài giờ sau khi ông Kim tham quan quốc đảo sư tử bên lề hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 1.
Joo Seong-ha, một cựu nhà báo Triều Tiên đào tẩu sang Hàn Quốc, gọi đây là điều chưa từng bao giờ xảy ra và đáng lưu ý. Ông Joo cho rằng Rodong Sinmum thậm chí còn đăng tải khung cảnh một thành phố nước ngoài, khác với cách đưa tin khép kín và có phần đơn điệu trước đó.
Một trong những lý do đằng sau sự thay đổi có thể liên quan tới bà Kim Yo-jong, em gái ông Kim Jong-un. Bà trở thành người đứng đầu cơ quan tuyên truyền của đảng Lao động từ tháng 11/2014.
“Kể từ khi bà Kim xuất hiện, phong cách đưa tin của truyền thông Triều Tiên đã thay đổi đáng kể. Ngoài những nội dung ca ngợi lãnh đạo, báo chí đã bắt đầu có các bài viết chỉ trích những đơn vị đã không hoàn thành nhiệm vụ được cấp trên giao phó”, ông Joo cho hay.
Nắm bắt xu hướng
Từ tháng 12/2014, Bình Nhưỡng đã tạo kênh Youtube riêng gọi là “Triều Tiên ngày nay” nhằm quảng bá “sự tiến bộ tuyệt vời, cảnh sắc tuyệt đẹp của Triều Tiên và cuộc sống của người dân”.
Theo ông Park Han-woo, giáo sư về truyền thông tại đại học Yeungnam cho biết sự xuất hiện của kênh Youtube cho thấy quan điểm về truyền thông của Bình Nhưỡng đã có sự thay đổi.
Ông Park đã phân tích 8.726 video mà kênh trên đã đăng tải từ tháng 12/2014 tới 8/2018 và chỉ ra một số thay đổi đáng kể trong nhiều năm qua. Cụ thể, các từ khóa “hòa bình” và “thống nhất” xuất hiện với tần suất tăng đáng kể trong bối cảnh quan hệ giữa 2 miền bán đảo Triều Tiên đã có dấu hiệu khởi sắc.
Ông Park cũng chỉ ra những từ khóa như “nhà máy”, “doanh nghiệp” và “khoa học” xuất hiện khá nhiều, động thái cho thấy hướng đi mới tiến đến phát triển kinh tế của Triều Tiên.
“Triều Tiên đã chuyển dịch từ các tin tức chỉ có mục đích tuyên truyền sang thu hút du khách tới tham quan và quảng bá các mặt hàng”, ông Park nhận xét.
Ngoài ra, Triều Tiên cũng áp dụng công nghệ mới và phong cách làm tin tức mới cho ngành truyền hình. Ví dụ, các biên tập viên của đài KCNA có thể đưa tin trên một phông nền sử dụng hình ảnh đồ họa thay vì ngồi trước một bức tranh lớn như trước đó.
“Truyền thông Triều Tiên đã cho thấy những dấu hiệu thay đổi nhằm mang lại cảm giác rằng họ là một quốc gia bình thường như bao quốc gia khác”, chuyên gia Cheong nhận định.
Tác giả: Đức Hoàng
Nguồn tin: Báo Dân trí