Thế giới

Truyền thông “bắt tay” tình báo Mỹ dàn dựng bê bối Russiagate?

Những thông tin mà tình báo Mỹ rò rỉ cho truyền thông nước này được cho là để dàn dựng bê bối Russiagate nhằm hạ uy tín của Nga.

Không có chuyện Nga can thiệp bầu cử Mỹ

Nhận định trên được nhà báo và cũng là tác giả sách nổi tiếng Max Blumenthal đưa ra trong bối cảnh, cựu Giám đốc Tình báo Quốc gia James Clapper- người bắt đầu làm việc cho CNN vào tháng 8/2017- đã rò rỉ một số thông tin cho phóng viên CNN Jake Tapper liên quan đến “Hồ sơ Steele” với những cáo buộc vô căn cứ nhằm vào Tổng thống Donald Trump- khi đó còn là ứng viên Tổng thống của đảng Cộng hòa.

Cựu Giám đốc Tình báo Quốc gia James Clapper. Ảnh: Reuters

“Hồ sơ Steele”- do cựu sĩ quan tình báo Anh Christopher Steele soạn thảo- được BuzzFeed công bố lần đầu hồi tháng 1, trong đó có những cáo buộc hết sức mơ hồ như “giới chức Nga đã hỗ trợ ứng viên Tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump trong vòng ít nhất 5 năm”.

Ngoài ra, “Hồ sơ Steele” cũng khẳng định, Điện Kremlin đã “cung cấp cho ông Trump và nhóm vận động tranh cử những thông tin tình báo giá trị về các đối thủ của ông Trump, trong đó có ứng viên Tổng thống đảng Dân chủ Hillary Clinton, trong vài năm qua”.

Cuối tuần trước, Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ đã công bố bản báo cáo dày 253 trang nêu rõ ông Clapper đã cố tình rò rỉ nhiều chi tiết về “Hồ sơ Steele” cho phóng viên CNN Tapper. Ban đầu, ông Clapper bác bỏ thông tin từ bản báo cáo này, tuy nhiên sau đó, ông đã phải thừa nhận hành vi sai trái của mình.

“Ông Clapper đã thừa nhận có thảo luận về “Hồ sơ Steele” với phóng viên CNN Jake Tapper và có thể còn trao đổi về chủ đề này với nhiều phóng viên và nhà báo khác”, vẫn theo báo cáo của Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ.

Bản báo cáo của Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ cũng khẳng định, “không có bằng chứng nào” cho thấy có sự “xung đột lợi ích” giữa nhóm vận động tranh cử của Tổng thống Mỹ Donald Trump với Nga.

Quy trình dàn dựng bê bối Russiagate

Theo nhà báo Max Blumenthal, việc cố tình rò rỉ thông tin để rồi lại tìm cách rũ bỏ trách nhiệm của mình trong vụ việc nói trên cho thấy “có sự bắt tay giữa giới truyền thông và cộng đồng tình báo Mỹ trong việc dàn dựng bê bối Russiagate [ám chỉ việc Nga can thiệp bầu cử Mỹ-ND]”.

Nhà báo Max Blumenthal nhận định, “Hồ sơ Steele” là “vật liệu hoàn hảo” để tình báo và truyền thông Mỹ hợp tác dàn dựng bê bối Russiagate và lý giải quá trình dàn dựng vụ bê bối này như sau:

“Khi còn là Giám đốc Tình báo Quốc gia, ông James Clapper quản lý cả CIA và FBI. “Hồ sơ Steele” xuất hiện ở Washington từ tháng 1/2017 và rất nhiều người bàn tán về nó nhưng không ai có được thông tin chi tiết.

Ông Clapper và cộng đồng tình báo Mỹ rất muốn thông tin về “Hồ sơ Steele” bị rò rỉ. Ngày 6/1, ông Clapper khi đó đã yêu cầu ông James Comey lúc đó là Giám đốc CIA báo cáo Tổng thống Trump về “Hồ sơ Steele”.

Cùng thời điểm đó, ông Clapper lại rò rỉ nội dung “Hồ sơ Steele” cho phóng viên CNN Tapper. Ông Tapper và nhóm của mình đã đưa tin rằng Tổng thống Trump là nhân vật được nhắc đến trong Hồ sơ do một điệp viên người Anh soạn thảo”.

“Tiếp đó, Buzzfeed công bố toàn bộ nội dung “Hồ sơ Steele”. Tổng thống Trump đã gọi đó là “tin tức giả mạo”. Ngay lập tức, truyền thông Mỹ “bùng nổ” thông tin về “Hồ sơ Steele” và đẩy “bê bối Russiagate lên một tầm cao mới. Phóng viên CNN Tapper sau đó chia sẻ trên Twitter khẳng định “tính chân thực” của “Hồ sơ Steele”, ông Blumenthal nói thêm.

Clapper sắp gặp “rắc rối nghiêm trọng” về pháp lý

Giáo sư luật tại Đại học George Washington Jonathan Turley cho rằng, vụ bê bối liên quan đến ông Clapper là “vấn đề hết sức nghiêm trọng”: “Ông Clapper đã thừa nhận ông có trao đổi với phóng viên CNN nhưng sau đó ông ấy lại khăng khăng cho rằng ông ấy không hề nói gì với giới truyền thông trước ngày 20/1 và giờ lại nói lại rằng, ông ấy có nói với phóng viên CNN từ hồi đầu tháng 1.

Bản thân CNN cũng đã đưa tin rằng, các quan chức cấp cao Mỹ đã xác nhận tính trung thực của thông tin trong “Hồ sơ Steele” và nếu trong số các quan chức nói trên có ông Clapper thì ông ấy sẽ gặp rắc rối lớn. Nhiều khả năng, ông ấy sẽ lại bị buộc tội khai man”.

Đây không phải là lần đầu tiên ông Clapper gặp rắc rối với Quốc hội Mỹ. Trước đó, hồi năm 2013, ông Clapper đã phải xin lỗi vì đã khẳng định trước Quốc hội Mỹ rằng Cơ quan Tình báo Quốc gia Mỹ không thu thập dữ liệu về người dân Mỹ./.

Tác giả: Trần Khánh

Nguồn tin: Báo VOV

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok