Kinh tế

Truy tìm nguồn gốc ruốc 'thượng hạng' được chế biến từ gà đông lạnh

Để tạo ra món ruốc khoái khẩu với nhiều người, các cơ sở chế biến đã bất chấp mọi thủ đoạn, “hô biến” những nguyên liệu bỏ đi thành món ăn thơm lừng. Hiện chưa ai thống kê được hàng ngày có bao nhiêu khách hàng đã và đang sử dụng sản phẩm kém chất lượng đó.

“Ma trận” ruốc bẩn

Ruốc hay còn gọi là chà bông là một loại thức ăn khô được chế biến từ thịt lợn nạc, thịt gà, cá... Tùy theo loại nguyên liệu đem chế biến mà có các tên gọi tương ứng như ruốc lợn, ruốc gà, ruốc cá, ruốc tôm, ruốc bò... Ruốc được coi là thức ăn tiện dụng nhưng điều nguy hiểm ở chỗ hiện nay trên thị trường xuất hiện ruốc kém chất lượng với giá rẻ giật mình.

Ghi nhận tại chợ đầu mối phía Nam Hà Nội, chợ Mai Động, chúng tôi không khỏi giật mình khi ruốc được bán buôn với giá cực rẻ. Thậm chí, có loại ruốc giá thấp nhất chỉ 100.000 đồng/kg, rẻ hơn cả 1kg thịt sống. Nhỉnh hơn thì có loại 120150.000 đồng/kg, cao nhất cũng chỉ 250.000 đồng/kg. Trong khi đó để làm được 1kg ruốc phải cần khoảng 3kg thịt. Với giá thịt lợn như hiện nay thì phải mất ít nhất 270.000 đồng nguyên liệu mới cho ra được 1kg ruốc và phải bán với giá từ 300 đến 350.000 đồng/kg thì mới có lợi nhuận.

Các loại ruốc gái rẻ người bán hay giới thiệu cho khách mua.

Trong vai người đang có nhu cầu mua ruốc số lượng lớn để về kinh doanh hàng ăn, chúng tôi liên hệ và tìm đến 1 cơ sở sản xuất ruốc tại Hà Nội. Cơ sở này chuyên cung cấp ruốc số lượng lớn tại chợ đầu mối phía Nam. Chị N., chủ cơ sở hào hứng chia sẻ: “Nhà chị loại ruốc nào cũng có nhưng nếu em kinh doanh thì không nên lấy loại đắt tiền. Nhiều nhà hàng, kể cả nhà hàng lớn đều lấy hàng của chị. Nếu em lấy, chị để em giá 10 (100.000 đồng/kg). Ở đây, chị chuyên đổ mối cho các chợ lớn, giá đã là 95.000 đồng/kg. Ngày nhiều, chị bán được cả tạ ruốc”.

Trong quá trình thu thập thông tin ở chợ Mai Động, khi chúng tôi hỏi mua ruốc bông, câu đầu tiên của người bán sẽ là: “Em mua về bán hay ăn? Nếu để ăn thì mua loại 250.000 đồng/kg, còn để bán thì mua loại 100- 150.000 đồng”. Chúng tôi thắc mắc ruốc gì mà rẻ thế, chủ quầy hàng quả quyết: “Đều là thịt lợn, thịt gà cả. Yên tâm đi, ở cái chợ này bán đắt thì không có người mua. Các em mua nhiều không? Nhà hàng họ toàn lấy của chị 10kg/lần. Vì bán ở chợ đầu mối, đổ buôn, chị mới bán giá đó”.

Khi chúng tôi nói mỗi tuần sẽ lấy 500.000 đồng tiền ruốc, chị N. mừng như “bắt được vàng”. Chính vì thế, khi PV đưa ra yêu cầu muốn được tận mắt chứng kiến quy trình chế biến ruốc, chị này hào hứng đưa chúng tôi đi tham quan trực tiếp cơ sở chế biến ruốc gà của mình. Vừa bước chân vào xưởng, mùi nước mắm chưng ruốc đã xộc vào mũi. Thời điểm chúng tôi đến cũng là lúc các nhân viên đang hoàn thành công đoạn cuối cùng: Rang ruốc.

Vừa đi, chị N. vừa nói: “Gà tươi được lọc chỉ lấy phần lườn rồi cho vào nồi đun với lượng nước vừa đủ. Đợi đến khi chỉ còn một ít nước thì sẽ lấy nước đó ra để sau này tưới vào thịt, ruốc sẽ ngọt hơn. Để ruốc tăng thêm cân nặng, thêm nhiều gia vị như mắm, đường. Một số cơ sở kinh doanh ruốc thường trộn thêm những loại thịt rẻ tiền. "Chiêu" đơn giản là trộn thêm ruốc gà (giá rẻ) vào ruốc lợn nhưng vẫn quảng cáo là “ruốc lợn nguyên chất” 100%. Chỉ có những người sản xuất như chúng tôi mới biết ruốc “xịn” đó chỉ có 1 nửa là thịt lợn, còn lại là thịt gà đông lạnh”.

Nguồn nguyên liệu “bí ẩn”

Khi chúng tôi thắc mắc cách phân biệt giữa loại ruốc lợn “thượng hạng” và loại ruốc có pha tỉ lệ ½ thịt lợn, ½ thịt gà đông lạnh, chị N. giải thích: “Em cứ yên tâm, ăn ruốc có pha gà đông lạnh hay ruốc nguyên độ thơm ngon vẫn như nhau. Người ăn không thể phát hiện ra được đâu. Chỉ có bọn chị, dân sành, kinh doanh lâu năm, nhìn sợi ruốc biết ngay thôi”. Vậy thịt gà làm ruốc được mua từ đâu, chúng tôi hỏi, chị N. thản nhiên nói chúng có xuất xứ từ Trung Quốc.

“Ngoài ra, bọn chị còn có thể lấy thịt gà đông lạnh từ siêu thị M.T. Với chị, cần bao nhiêu, siêu thị đều đáp ứng ngay. Nếu như yêu cầu ngày mai cho tôi khoảng 5 tạ gà đông lạnh thì chắc chắn, hàng sẽ được chuyển về cơ sở cho mình. Với họ, gà đông lạnh luôn có sẵn trong kho. Còn nếu cần gà tươi và lấy số lượng lớn thì phải báo trước mấy ngày để họ còn gom hàng”.

Nhiều người cũng đưa ra nghi ngờ loại gà mà một số cơ sở sử dụng để chế biến thành ruốc không chỉ có xuất xứ từ Trung Quốc mà họ còn tận dụng gà chết ở các trang trại để kiếm lời.

Chúng tôi dò hỏi địa chỉ cung cấp gà đông lạnh, chị N quả quyết: “Chị nói thật là bây giờ dù chị có cho số điện thoại, các em gọi đặt số lượng lớn họ cũng không bao giờ bán đâu. Những đầu mối này phải thực sự quen biết thì chủ hàng mới bán. Họ không bán ra thị trường, càng không bán lẻ mà chỉ bỏ cho mối quen với số lượng lớn. Bao nhiêu năm nay, ngày nào chị cũng đặt hàng 1 tạ thịt gà. Phải là “khách ruột”, họ mới tin và cung cấp gà nhanh như thế”.

Để kiểm chứng lại lời chị N. nói, chúng tôi đã gọi vào số điện thoại 0987xxx566 mà chị này cung cấp. Mặc dù chúng tôi có nói sẽ lấy gà với số lượng lớn và thường xuyên nhưng người ở đầu dây bên kia vẫn có vẻ băn khoăn và nói, xin “chỉ đạo” từ cấp trên. Tuy chúng tôi nói được chị N. giới thiệu, nhưng có lẽ vì cảnh giác nên sau đó, chủ nguồn hàng gà đông lạnh vẫn không liên hệ lại với PV.

Mới đây, đại diện đội Quản lý thị trường số 11, chi cục Quản lý thị trường Hà Nội thông tin đến báo ĐS&PL, đơn vị này vừa bắt giữ 4 tấn ruốc bẩn trộn bột mì và hóa chất khi đang trên đường vận chuyển từ TP.HCM ra Hà Nội để tiêu thụ. Loại ruốc này để tới vài năm cũng không hỏng, có nguy cơ gây hại tới sức khỏe của người tiêu dùng. Ruốc nhìn bên ngoài vàng óng, có mùi thơm rất hấp dẫn, ít ai có thể ngờ, giá bán một cân ruốc như vậy chỉ bằng 1/10 giá thành ruốc mà người tiêu dùng tự làm. Theo khai nhận của chủ 4 tấn ruốc vừa bị cơ quan chức năng bắt giữ thì ruốc chỉ có giá 40.000 đồng/kg. Sở dĩ ruốc có giá rẻ như vậy là do làm từ thịt gà giá rẻ có giá 18.000 nghìn đồng/kg, chỉ bằng 1/10 giá thịt gà tươi mua ngoài chợ!

Chị N. nói riêng với PV, ruốc gà có thể làm từ thịt kém chất lượng và người mua rất khó phát hiện. Theo đó, 3kg thịt gà sống sẽ chế biến được 1kg ruốc. Gà đông lạnh từ các cơ sở bán ế có giá rất rẻ nên ruốc mới có giá “bèo” như vậy.

Sẽ làm việc với các bộ phận để làm rõ

Để kiểm chứng thông tin chị N., bà chủ cơ sở chế biến ruốc nói, mua gà đông lạnh tại siêu thị M.T, PV báo ĐS&PL đã liên hệ với siêu thị này. Trả lời PV, đại diện truyền thông của siêu thị M.T khẳng định: “Chúng tôi hiện đang cung cấp một số mặt hàng thịt gà ra thị trường. Nhưng chúng tôi chưa biết cụ thể tên loại thịt gà nào bị phản ánh. Bởi trong siêu thị có rất nhiều loại thịt gà được bày bán. Đầu tiên siêu thị M.T xin tiếp nhận thông tin mà báo chí phản ánh. Chúng tôi sẽ làm việc với các bộ phận liên quan và sớm có phản hồi đến báo ĐS&PL”.

Điều 10. Các hành vi bị cấm (Luật Bảo vệ người tiêu dùng 2010)

1. Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ lừa dối hoặc gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng thông qua hoạt động quảng cáo hoặc che giấu, cung cấp thông tin không đầy đủ, sai lệch, không chính xác về một trong các nội dung sau đây:

a) Hàng hóa, dịch vụ mà tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp;

b) Uy tín, khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ;

c) Nội dung, đặc điểm giao dịch giữa người tiêu dùng với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.

2. Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ quấy rối người tiêu dùng thông qua tiếp thị hàng hóa, dịch vụ trái với ý muốn của người tiêu dùng từ 02 lần trở lên hoặc có hành vi khác gây cản trở, ảnh hưởng đến công việc, sinh hoạt bình thường của người tiêu dùng.

3. Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ ép buộc người tiêu dùng thông qua việc thực hiện một trong các hành vi sau đây:

a) Dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc các biện pháp khác gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, uy tín, nhân phẩm, tài sản của người tiêu dùng;

b) Lợi dụng hoàn cảnh khó khăn của người tiêu dùng hoặc lợi dụng thiên tai, dịch bệnh để ép buộc giao dịch.

4. Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thực hiện hoạt động xúc tiến thương mại, đề nghị giao dịch trực tiếp với đối tượng là người không có năng lực hành vi dân sự hoặc người mất năng lực hành vi dân sự.

5. Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ yêu cầu người tiêu dùng thanh toán hàng hóa, dịch vụ đã cung cấp mà không có thỏa thuận trước với người tiêu dùng.

6. Người tiêu dùng, tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ lợi dụng việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác.

7. Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ lợi dụng hoàn cảnh khó khăn của người tiêu dùng hoặc lợi dụng thiên tai, dịch bệnh để cung cấp hàng hóa, dịch vụ không bảo đảm chất lượng.

8. Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không bảo đảm chất lượng gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng.

Điều 11. Xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (Luật Bảo vệ người tiêu dùng 2010)

1. Cá nhân vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

2. Tổ chức vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

3. Cá nhân lợi dụng chức vụ, quyền hạn vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

4. Chính phủ quy định chi tiết việc xử phạt vi phạm hành chính trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo.

Tác giả bài viết: Lê Mạnh - Lê Duyên

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok