Mới đây, Công an TP Thanh Hóa (tỉnh Thanh Hóa) tạm giữ hình sự Luật sư Trương Văn Công (36 tuổi), Trưởng Văn phòng luật sự Công và cộng sự (trụ sở tại thành phố Thanh Hóa) để điều tra hành vi Tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý.
Cùng hành vi trên với Công, ba đồng phạm khác cũng bị tạm giữ gồm Nguyễn Thị Thanh (25 tuổi, ở xã Tượng Lĩnh, huyện Nông Cống, Thanh Hóa), Nguyễn Văn Xuân (27 tuổi, ở xã Xuân Lộc, huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa) và Vũ Thị Điệp (25 tuổi, ở xã Chính Tâm, huyện Kim Sơn, Ninh Bình).
Theo cơ quan điều tra, Trương Văn Công là chủ một căn hộ ở chung cư Đông Phát (phường Đông Vệ, TP Thanh Hóa). Khoảng 5h sáng ngày 17/3, sau khi nhận được tin báo của người dân về việc căn hộ chung cư do luật sư Trương Văn Công làm chủ mở nhạc gây ồn ào, Công an phường Đông Vệ (thành phố Thanh Hóa) đã cử lực lượng đến kiểm tra hành chính.
Tại đây, lực lượng công an phát hiện, luật sư Trương Văn Công tổ chức tiệc ma túy cùng 6 người khác (4 nữ). Công an thu giữ tại chỗ một bộ dụng cụ sử dụng ketamin, 1 loa mini và nửa viên thuốc lắc màu xanh.
Kết quả kiểm tra nhanh cho thấy cả 7 người đều dương tính với ma túy. Công an phường Đông Vệ đã báo cho Công an thành phố Thanh Hóa, đồng thời tiến hành bắt giữ luật sư tổ chức sử dụng ma túy cùng 3 nghi phạm trên, 3 người còn lại đang được cho tại ngoại.
Các đối tượng sử dụng ma túy bị bắt quả tang. Ảnh: Báo Nhân dân |
Sự việc Trương Văn Công là luật sư, Trưởng Văn phòng luật sự Công và cộng sự (có trụ sở tại thành phố Thanh Hóa) và cũng là thành viên của Đoàn luật sư Thanh Hóa, vốn là người am hiểu pháp luật lại thản nhiên vi phạm pháp luật khiến dư luận bức xúc và yêu cầu cần xử lý nghiêm với những hành vi vi phạm này.
Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, bản thân ông và nhiều người cũng rất bất ngờ với vụ việc luật sư Trương Văn Công tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý bị công an phát hiện, bắt giữ. Đồng thời cho rằng, vụ việc này cần phải xác minh làm rõ hành vi, vai trò của từng đối tượng thì mới có căn cứ để xử lý theo quy định pháp luật.
Theo luật sư Cường, từ Bộ luật hình sự năm 1999 sửa đổi năm 2009, hành vi sử dụng trái phép chất ma túy được phi hình sự hóa, sẽ không được coi là tội phạm và chỉ bị xử phạt hành chính. Tuy nhiên, với hành vi tổ chức cho người khác sử dụng trái phép chất ma túy, đưa ma túy vào cơ thể của người khác, vẫn được xác định là hành vi nguy hiểm cho xã hội và vẫn bị xử lý bằng chế tài hình sự.
Để có căn cứ xử lý các đối tượng nêu trên về tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, cơ quan điều tra cần có căn cứ chứng minh những người này đã dương tính với ma túy. Đồng thời xác định ai là người đứng ra tổ chức cho người khác sử dụng trái phép chất ma túy.
Không phải tất cả những người dương tính với ma túy bị công an bắt giữ đều bị xử lý hình sự. Hành vi sử dụng trái phép chất ma túy chỉ bị xử phạt hành chính, chỉ có người nào chuẩn bị ma túy, công cụ, và các điều kiện vật chất khác cho người khác sử dụng trái phép chất ma túy, người đó mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo quy định của pháp luật, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy là một trong các hành vi sau đây: Chỉ huy, phân công, điều hành các hoạt động đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể người khác; Chỉ huy, phân công, điều hành việc chuẩn bị, cung cấp chất ma túy, địa điểm, phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sử dụng trái phép chất ma túy, tìm người sử dụng chất ma túy.
Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây theo sự chỉ huy, phân công, điều hành của người khác thì bị coi là đồng phạm về tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy: đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể người khác; cung cấp trái phép chất ma túy cho người khác để họ sử dụng trái phép chất ma túy; chuẩn bị chất ma túy dưới bất kỳ hình thức nào (mua, xin, tàng trữ, sản xuất…) nhằm đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể người khác;
Chuẩn bị địa điểm (thuê địa điểm, mượn địa điểm, sử dụng địa điểm không thuộc quyền chiếm hữu của mình hoặc đang do mình quản lý để làm nơi đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể người khác);
Chuẩn bị dụng cụ, phương tiện dùng vào việc sử dụng trái phép chất ma túy dưới bất kỳ hình thức nào (mua, xin, tàng trữ…) nhằm sử dụng để đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể người khác; tìm người sử dụng chất ma túy để đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể của họ.
Trường hợp những người nghiện ma túy tự mình sử dụng ma túy, tự mình chuẩn bị các điều kiện vật chất để sử dụng ma túy thì không bị xử lý hình sự mà chỉ bị xử phạt hành chính về hành vi sử dụng trái phép chất ma tuý.
“Trong vụ việc này, cơ quan điều tra cần xác minh làm rõ hành vi, vai trò của từng người để có việc phân loại, đánh giá làm căn cứ xử lý theo quy định của pháp luật. Để xử lý hình sự một trong những người bị bắt giữ nêu trên, cơ quan điều tra cần phải chứng minh được hành vi khách quan trong việc tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy như đã nêu ở trên”, Luật sư Đặng Văn Cường nêu ý kiến.
Đồng thời cho biết, tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy được quy định tại điều 255 bộ luật hình sự năm 2015. Theo đó, người nào tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy dưới bất kỳ hình thức nào, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm: a) Phạm tội 2 lần trở lên; b) Đối với 2 người trở lên; c) Đối với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 18 tuổi; d) Đối với phụ nữ mà biết là có thai; đ) Đối với người đang cai nghiện; e) Gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%; g) Gây bệnh nguy hiểm cho người khác; h) Tái phạm nguy hiểm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm: a) Gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên hoặc gây chết người; b) Gây tổn hại cho sức khoẻ cho 2 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%; c) Gây bệnh nguy hiểm cho 2 người trở lên; d) Đối với người dưới 13 tuổi.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm hoặc tù chung thân: Gây tổn hại cho sức khoẻ của 2 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên; b) Làm chết 2 người trở lên.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Luật sư Cường cho biết, đây mới là thông tin ban đầu của vụ việc, để khởi tố vụ án, khởi tố bị can, cơ quan điều tra cần thu thập các tài liệu, chứng cứ để chứng minh hành vi khách quan, ý thức chủ quan và các yêu tố khác như các kết quả xét nghiệm dương tính với ma túy và các vật chứng thu thập một cách hợp pháp theo quy định pháp luật.
Trong trường hợp có căn cứ cho thấy có người đã tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy đối với hai người trở lên thì sẽ phải đối mặt với hình phạt từ 7 năm đến 15 năm tù theo quy định tại khoản 2, điều 255 Bộ luật hình sự nêu trên. Việc quyết định ai phạm tội, phạm tội gì, hình phạt như thế nào sẽ do tòa án phán quyết trên cơ sở kết quả tranh tụng công khai tại phiên toà.
Luật sư Cường cũng cho rằng, trong vụ việc này có liên quan đến một luật sư của Đoàn luật sư tỉnh Thanh Hóa, bởi vậy Đoàn luật sư tỉnh Thanh Hóa, Ban bảo vệ quyền lợi cũng cần phải có ý kiến, xác minh thông tin làm rõ vấn đề này để thực hiện việc bảo vệ cũng như thực hiện công tác quản lý luật sư theo quy định pháp luật.
Trường hợp cần thiết, đoàn luật sư tỉnh Thanh Hóa sẽ cử luật sư để bào chữa cho thành viên của mình trong vụ án này để đảm bảo sự việc được giải quyết khách quan, công bằng, đúng pháp luật.
Tác giả: Tâm Đức
Nguồn tin: Báo Kiến thức