Vấn đề được đề cập tại hội nghị Tổng kết công tác xây dựng trường tiểu học thực hiện mô hình trường tiên tiến theo xu thế hội nhập khu vực và quốc tế do Sở GD-ĐT TPHCM tổ chức.
Bà Trương Diệu Thừa, hiệu trưởng Trường tiểu học Bàu Sen, quận 5 cho biết, ngoài những khó khăn chung khi thực hiện mô hình tiên tiến, trường gặp thực trạng nhiều học sinh không đóng tiền, nợ tiền học. Điều này dẫn đến việc tồn đọng học phí gây khó khăn cho hoạt động, đầu tư cơ sở vật chất của nhà trường.
Chưa kể, các trường phải chờ duyệt để được trang bị cơ sở vật chất, thiết bị. Trong khi vẫn thu tiền của phụ huynh học sinh nên nhiều trường phải chọn phương án... đi thuê thiết bị. Nhiều trường thực hiện mô hình tiên tiến nhưng vượt sĩ số so với tiêu chuẩn là 30 học sinh/lớp, có trường hợp sĩ số lên đến 37 học sinh.
Bà Lâm Hồng Lãm Thúy, Phó trưởng Phòng Giáo dục tiểu học, Sở GD-ĐT TPHCM cho biết, mô hình trường học tiên tiến tại TPHCM gặp những hạn chế như giáo viên tiếng Anh một số trường chưa đạt chứng chỉ B2 ngoại ngữ Anh theo chuẩn quốc tế, còn tình trạng thiếu giáo viên bộ môn, nhân viên. Cơ sở vật chất tại một số trường đã bắt đầu xuống cấp, một số trường vẫn tiếp tục phải chờ được trang bị thêm các thiết bị hiện đại như bảng tương tác, máy lạnh, máy vi tính...
Về kinh phí, trường được tổ chức trên cơ sở tài chính là kết hợp giữa ngân sách nhà nước bố trí theo định mức đầu tư/học sinh và xây dựng mức thu theo thỏa thuận với phụ huynh để trang trải chi phí đào tạo, nhưng không được quá 1,5 triệu đồng/học sinh/tháng.
Đối với khó khăn của các trường gặp phải, bà Lâm Hồng Lãm Thúy cho hay, các trường được chủ động trong công tác tuyển sinh sẽ thuận lợi hơn cho các trường để khắc phục tình trạng tồn nợ học phí trường tiên tiến, đảm bảo học sinh đầu vào không còn tình trạng học sinh khuyết tật, chậm phát triển trí tuệ vẫn phải đảm bảo chuẩn đầu ra tiếng Anh và Tin học vừa khó khăn cho học sinh và cả nhà trường.
Sở đề nghị các quận huyện cần cho phép các trường tiên tiến hội nhập được tuyển sinh các học sinh trên địa bàn đủ điều kiện tham gia mô hình chứ không nhất thiết phải theo địa bàn phường.
Hai năm liền, chỉ có thêm 1 trường đăng ký mô hình tiên tiến
Theo báo cáo của Sở GD-ĐT TPHCM, đến nay chỉ mới có 12 trường tiểu học đóng trên địa bàn 11 quận triển khai mô hình tiên tiến, tức là chưa đến 50% tổng số quận huyện ở thành phố thực hiện.
Trong hai năm qua, chỉ có một trường đăng ký mới là Trường Tiểu học Linh Chiểu (quận Thủ Đức), năm 2018-2019, không có thêm trường nào đăng ký. Trong khi đó, thành phố đặt ra mục tiêu phấn đấu xây dựng ở mỗi quận, huyện có ít nhất 3 trường ở mỗi cấp học thực hiện mô hình trường tiên tiến. Như vậy, mục tiêu này, theo ông Nguyễn Văn Hiếu - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, nhiều nguy cơ không thể hoàn thành xuất phát từ áp lực gia tăng dân số cơ học, áp lực tuyển sinh các lớp đầu cấp.
Nhiều quận huyện tiếp tục... hẹn vào năm sau mới có thể tính có thể thực hiện mô hình tiên tiến hay không vì không đủ chỗ học cho học sinh. Thực hiện ở một trường nào đó, nghĩa là phải "gạt" số học sinh sang các trường khác mà các trường cũng vốn đã rất quá tải. Các nơi cũng lúng túng chưa biết bố trí thế nào cho hợp lý để "tạo khoảng trống" để thực hiện mô hình trường tiến.
Ông Hiếu nhấn mạnh, với những trường đã xây dựng được mô hình trường tiên tiến hiện đại thì phải cố gắng duy trì sĩ số ở mức 30 học sinh/lớp. Bởi nếu để sĩ số tăng lên 36 đến 37 học sinh/lớp sẽ ảnh hưởng chất lượng dạy học.
Tình trạng "học sinh nghèo trong trường tiên tiến" không chỉ bây giờ mới được đề cập.
Ông Hiếu lưu ý việc thực hiện mô hình tiên tiến mà để xảy ra việc học sinh nợ tiền học phí thì các trường cần tính toán. Việc tuyển sinh nếu theo tuyến, theo phường thì rất khó để tuyển được theo tiêu chuẩn. Việc tuyển sinh cần được mở rộng trên địa bàn quận, dành cho đối tượng đáp ứng được yêu cầu, bên cạnh việc phải đảm bảo chỗ học cho con em trên địa bàn.
Tác giả: Hoài Nam
Nguồn tin: Báo Dân trí