Theo đó, đối với thông tin nghi vấn CSGT “làm luật” ở cửa ngõ sân bay Tân sơn Nhất, Trung tá Phong khẳng định, ngay sau khi báo chí đăng tải, PC67 đã tiến hành hội ý, xác định các đơn vị, chiến sĩ liên quan. Qua đó đã mời 3 chiến sĩ thuộc Đội CSGT Tân Sơn Nhất lên làm việc, viết tường trình.
Đồng thời có báo cáo về Công an TPHCM và phân công cho Phòng thanh tra Công an TP chủ trì, lập tổ xác minh vụ việc để đảm bảo tính khách quan.
“Ba chiến sĩ đã hoàn thành bản tường trình, thừa nhận có mặt trong clip, còn lại Phòng thanh tra Công an TP đang xác minh. Và ngay ngày đầu tiên nắm thông tin, Phòng PC67 đã ra quyết định tạm đình chỉ công tác 3 chiến sĩ để làm rõ”, Trung tá Phong nói.
Người đàn ông xuất hiện trong clip khẳng định không quen biết với CSGT |
Trung tá Phong khẳng định, quan điểm của PC67 là không bao che đối với tất cả trường hợp có dấu hiệu vi phạm. Chúng tôi đã giáo dục, chúng tôi đã tập huấn, đã cho cam kết thì anh phải chấp hành, còn bây giờ anh vi phạm thì anh phải chịu trách nhiệm”.
Cũng theo Trung tá Phong, kể từ khi nắm giữ chức vụ trưởng phòng (tháng 12/2016), ông chưa xử lý trường hợp CSGT nào nhận mãi lộ.
Riêng đối với sự việc một thanh niên khi quay clip tổ CSGT Rạch Chiếc đang xử lý vi phạm tại khu vực cầu vượt Trạm 2 đã bị một người lạ mặt đuổi theo chặn đầu xe, dọa đánh, Trung tá Phong cho biết: “Người lạ đó qua xác minh biết được tên là Nguyễn Văn Hào, ngụ thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Người này cho biết làm nghề xe ôm và không có mối quan hệ gì với CSGT.
Theo tường trình của ông Hào với công an, khoảng 7h sáng 6/9, ông Hào bị một thanh niên va quẹt xe trước cổng KDL Suối Tiên (quận 9) nên đã truy đuổi theo. Sau đó, ông Hào chạy tới cầu vượt Trạm 2 trình báo với tổ CSGT đang làm nhiệm vụ tại đây. Khi đang trao đổi thì ông Hào phát hiện có một thanh niên giống người gây tai nạn nên đã truy đuổi.
“Ông Hào khẳng định không đánh thanh niên quay clip mà chỉ đề nghị tới tổ công tác để làm việc. 4 cán bộ chiến sĩ xuất hiện trong clip cũng tường trình không biết ông Hào”, Trung tá Phong thông tin.
Trung tá Huỳnh Trung Phong - Trưởng Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC67) Công an TPHCM trong buổi gặp gỡ báo chí chiều nay |
Riêng với thông tin người lạ thường xuyên xuất hiện gần các chốt giao thông và có mối liên quan ra sao, ông Phong thông tin. “Hiện nay người dân có một sự quan tâm rất lớn với lực lượng CSGT, do đó khi tổ công tác đang làm việc ở vị trí nào thì có nhiều người dân hiếu kì đứng xem CSGT xử lý như thế nào, tác nghiệp ra sao.
Ngoài ra, có trường hợp người dân khi di chuyển thấy CSGT nên dừng lại để né tránh, nhiều lúc lên tới 10 người. Có những người mặc đồ thường, đi xe máy để cảnh giới, thông tin cho các nhà xe rằng CSGT đang xử lý xe quá tải để họ đi đường khác. Có cả đối tượng theo dõi CSGT để hỗ trợ cho các đối tượng thanh thiếu niên tụ tập. Cơ quan chức năng đã từng xử lý trường hợp sử dụng mạng xã hội để thông báo cho các thanh niên có ý định tụ tập để giải tán”.
“Thậm chí, khi xử lý nồng độ cồn, kiểm tra hành chính ban đêm, CSGT vừa ra chưa được 2 phút thì đã có từ 3-4 chú xe ôm, họ không làm gì, đứng cách đó 10m, để CSGT xử lý rượu bia xong thì xin chở người vi phạm về. Trong một số trường hợp cũng có một số cán bộ chiến sĩ mặc thường phục, đó là lực lượng của chúng tôi hóa trang khi làm nhiệm vụ”, Trung tá Phong giải thích.
Trưởng phòng PC67 nhấn mạnh: "Chúng tôi không được phép cấm người dân quay phim CSGT. Người dân có quyền quay phim tổ công tác của chúng tôi nhưng không được cản trở chúng tôi làm việc. Chúng tôi mà làm rõ được có sự can thiệp của người lạ mặt vào việc tuần tra kiểm soát của tổ công tác xử lý vi phạm, chúng tôi sẽ xử lý nghiêm".
Tác giả: Đình Thảo
Nguồn tin: Báo Dân trí