Với tư cách là Hiệu trưởng trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội, bà nói gì về chuyện bà Hồng Nhung - Giảng viên khoa Sân khấu có những phản ánh đầy bức xúc liên quan đến nhà trường trên mạng xã hội mới đây?
Trước hết, tôi phải nói đây là một việc làm thiếu suy nghĩ của cô Nguyễn Hồng Nhung và tôi không đồng tình với cách làm đó của cô bởi khi cô là một viên chức của nhà nước cũng như là một Đảng viên thì ít nhất cô phải hiểu và tuân thủ các nguyên tắc của tổ chức.
Có phản ánh, có đấu tranh hay thắc mắc gì thì cũng cần phải có trình tự từ dưới lên trên, từ thấp đến cao và có nhiều phương thức để phản ánh không phải như cách cô Hồng Nhung đang làm.
Tuy nhiên, sau khi sự việc xảy ra, chúng tôi đã ngay lập tức tổ chức một cuộc họp để làm rõ những vấn đề mà cô thắc mắc trong giấy đề nghị và đơn đề nghị cho các tổ chức đoàn thể trong nhà trường về việc lý do cô không được tham gia chấm thi tốt nghiệp năm 2017 vừa qua và các nội dung mà cô Nhung đã phản ánh trong clip livestream trên mạng xã hội hôm 11/9.
Bà Dương Minh Ánh - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội. Ảnh: Vietnamnet. |
Cuộc họp kéo dài 9 tiếng đồng hồ gồm có: Đảng uỷ, Ban giám hiệu, Công đoàn, Trưởng ban Thanh tra nhân dân, Bí thư chi bộ nơi cô Hồng Nhung sinh hoạt, Ban chủ nhiệm khoa Sân khấu và Múa, Trưởng phòng tài chính kế hoạch, Trưởng phòng hành chính quản trị, Phó phòng đào tạo, Phó phòng tổ chức và cô Nguyễn Hồng Nhung... Tôi xin nhấn mạnh, cuộc họp bàn đến rất nhiều vấn đề nhưng chủ yếu là làm rõ những vấn đề cô Nguyễn Hồng Nhung bức xúc phản ánh. Sau cuộc họp, chúng tôi đã có những kết luận ban đầu và tất cả đều được ghi rõ trong biên bản.
Liên quan đến việc bà Nguyễn Hồng Nhung tố NSND Anh Tú đã can thiệp dẫn đến việc bà Nhung không được ngồi trong hội đồng chấm thi tốt nghiệp, bà nói gì về điều này?
Tôi khẳng định không hề có chuyện NSND Anh Tú tác động hoặc can thiệp để nhà trường không cho cô Nhung ngồi vào hội đồng chấm thi tốt nghiệp khoa Sân khấu. NSND Anh Tú chỉ đề nghị cho phép được chấm thi lớp tốt nghiệp do mình hướng dẫn với những lý do là người hiểu, nắm vững khả năng, trình độ và đạo đức, ý thức về nghề của từng sinh viên mà anh đã hướng dẫn. Quan điểm của NSND Anh Tú là để đảm bảo đánh giá chính xác, công bằng phải đánh giá cả quá trình học tập cộng với những gì các sinh viên thể hiện trên sàn diễn mới ra được kết quả cuối cùng.
Tôi cho đấy là lý do chính đáng nên đã bàn bạc với đồng chí Trần Vũ Hoàng - lúc đó là được phân công là Chủ tịch Hội đồng tốt nghiệp rồi mới quyết định. Còn những thông tin khác do giảng viên Hồng Nhung trình bày tại cuộc họp chỉ mang tính cá nhân, cũng không thấy đưa ra minh chứng trong cuộc họp.
Đối với cô Hồng Nhung - lãnh đạo nhà trường luôn ghi nhận những đóng góp của cô trong suốt thời gian qua và cũng chưa bao giờ nói cô Nhung không đủ tư cách để ngồi hội đồng chấm thi tốt nghiệp vì thực tế trong các Hội đồng chấm thi trước đó của nhà trường cô Nhung vẫn tham gia ban chấm thi.
Còn đối với NSND Anh Tú hay NSND Hoàng Dũng, NSƯT Trần Đức, NSƯT Minh Vượng, NSƯT Lan Anh cùng nhiều nghệ sỹ và giảng viên khác.... tôi luôn trân trọng, mặc dù nhà trường cũng có rất nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, tiền giờ trả cho cộng tác viên rất ít nhưng họ đã luôn đồng hành, gắn bó với nhà trường trong suốt những năm qua cũng chỉ vì lòng yêu nghề, yêu sinh viên.
Họ đã giúp cho Khoa Sân khấu Điện ảnh và Múa đào tạo nhiều thế hệ sinh viên mà hiện nay đang là những diễn viên nòng cốt của các nhà hát trong cả nước. Để mời được các nghệ sỹ ấy tham gia giảng dạy với nhà trường đâu phải là dễ trong bối cảnh giảng viên của nhà trường đang thiếu như hiện nay. Chính vì vậy nhà trường vẫn rất mong muốn các nghệ sỹ tiếp tục cộng tác với nhà trường trong thời gian tới.
Về vấn đề cơ sở vật chất mà bà Nguyễn Hồng Nhung phản ánh thì sao thưa bà?
Phản ánh của cô Nhung về cơ sở vật chất của nhà trường đang thiếu và xuống cấp là đúng, tuy nhiên cô Nhung mới chỉ đề cập đến một vế, còn vế khác thì cô Nhung không đề cập đến.
Vào khoảng tháng 2/2017, khoa Sân khấu Điện ảnh & Múa đề nghị bổ sung thêm bàn, ghế cho chuyên ngành sân khấu đã được nhà trường đồng ý ngay tại cuộc họp giao ban và đưa vào kế hoạch mua sắm của nhà trường. Các đơn vị chức năng đang trong quá trình triển khai. Tuy nhiên, ngay trong cuộc họp Ban giám hiệu đã trao đổi với cô Nhung là do hạng mục này nằm trong danh mục mua sắm tập trung của thành phố nên phải phụ thuộc vào các quy định của thành phố về trình tự, thủ tục và thời gian. Bởi vậy nhà trường không thể tự chủ động triển khai. Theo hợp đồng thì đơn vị nhà thầu sẽ bàn giao bàn, ghế cho nhà trường vào ngày 20/9 tới đây.
Trong khoảng thời gian từ tháng 2 đến nay, nhà trường đã có hướng khắc phục bằng cách giao cho các phòng chức năng rà soát các đơn vị trong toàn trường gom bàn, ghế để cho sinh viên có chỗ ngồi học, khắc phục tạm thời khó khăn trên, do vậy có tình trạng một phòng nhiều loại ghế như vậy.
Còn về tình trạng thiếu phòng học cho chuyên ngành Sân khấu và chuyên ngành Múa là có vì theo đặc thù chuyên ngành này phòng học cần phải có diện tích rộng để vừa học lý thuyết, vừa học thực hành, vừa là sàn tập. Nhà trường đã dành cho khoa các phòng học lớn nhất của nhà trường đồng thời cho khoa sử dụng thêm Hội trường tầng 4 để giảng dạy. Nhà trường đã thống nhất chủ trương xin thành phố đầu tư xây dựng khu nhà C (hiện là các phòng học của khoa Sân khấu Điện ảnh & Múa và Khoa Mỹ thuật đang sử dụng) và trên thực tế nội dung này đã được nằm trong danh mục đầu tư công của thành phố. Trong phần thiết kế xây dựng có tăng thêm số phòng học lớn và đạt chuẩn cho khoa. Tuy nhiên, về kinh phí của thành phố trong thời gian gần đây gặp khó khăn nên cũng phải chờ.
Bà Nguyễn Hồng Nhung trả lời báo chí sau cuộc họp hôm 13/9 vừa qua. |
Nói đây không phải là thành phố không quan tâm đầu tư cơ sở vật chất cho nhà trường. Trong những năm qua, nhà trường đã được đầu tư nguồn ngoài ngân sách trang thiết bị hiện đại, hệ thống âm thanh nhà hát, nhạc cụ biểu diễn và phòng máy tính đa năng... Tuy nhiên, do các khu nhà đã xuống cấp sửa chỗ nọ lại hỏng chỗ kia nên việc đầu tư không được đồng bộ. Nguồn chi thường xuyên thì đang dần bị cắt giảm theo hướng giao tự chủ cho các trường nên việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học trong nguồn ngân sách chi thường xuyên cũng bị hạn chế. Trong khi đó nhà trường đào tạo nhiều chuyên ngành, mỗi chuyên ngành lại một đặc thù riêng, khoa nào cũng cần được đầu tư nên phải cân nhắc trong nguồn kinh phí hạn hẹp đó thì những gì cần thiết thì ưu tiên trước còn sẽ lại sẽ dần giải quyết sau.
Vậy trong cuộc họp, nhà trường đã giải quyết những vấn đề đó với bà Nguyễn Hồng Nhung như thế nào?
Trong cuộc họp ngày 13/9 vừa qua, chúng tôi tập trung để giải quyết giấy đề nghị và đơn đề nghị của cô Nhung về lý do cô không có trong ban chấm thi. Về cơ bản, cô Nhung chấp nhận với cách giải quyết và xử lý tình huống của Ban Giám hiệu nhà trường và Hội đồng tốt nghiệp vào thời điểm đó. Tuy nhiên, cô Nhung có đề nghị Ban chủ nhiệm khoa Sân khấu Điện ảnh & Múa trước khi đề xuất với Ban giám hiệu nhà trường về thành viên trong các Ban chấm thi của các cuộc thi, Ban chủ nhiệm khoa cần tham khảo giảng viên chuyên ngành sân khấu điện ảnh.
Còn những vấn đề khác mà cô Nhung nêu trên mạng xã hội đúng hay không cô ấy sẽ phải tự chịu trách nhiệm trước nhà trường và trước dư luận xã hội.
Theo bà, việc cô Hồng Nhung đưa sự việc như thế có vi phạm vào luật công chức và nội quy của nhà trường hay không?
Chúng ta sống và làm việc theo pháp luật. Cô Hồng Nhung vừa là viên chức, vừa là một Đảng viên thì cô ấy phải hiểu việc cô ấy làm và chịu trách nhiệm trước việc làm của mình. Về phía nhà trường sẽ có hướng xử lý phù hợp, theo đúng pháp luật của Nhà nước và quy định của nhà trường.
Cảm ơn bà đã chia sẻ thông tin.
Tác giả: Hà Tùng Long
Nguồn tin: Báo Dân trí