Giáo dục

Trường nghề lo tuyển sinh, chưa lo chất lượng

Giáo dục nghề nghiệp cần các giải pháp đột phá để nâng cao chất lượng. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết đã nhập khẩu 34 chương trình để đổi mới trường nghề

Tuyển sinh ngày càng khó khăn, mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn nhiều bất cập, chưa quan tâm đúng mức đến việc xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo, cơ sở vật chất yếu kém, giáo trình đào tạo còn nhiều nội dung mang tính hình thức, chất lượng và hiệu quả đào tạo của nhiều cơ sở còn thấp… Đó là những bất cập của hệ thống giáo dục nghề nghiệp hiện nay.

Thiếu người học triền miên

Hiện nay, mạng lưới giáo dục nghề nghiệp có 1.989 cơ sở. Tất cả các tỉnh, thành đều có trường trung cấp, cao đẳng. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) thừa nhận quy mô tuyển sinh 5 năm qua chỉ đạt 9,1 triệu người, không đạt so với mục tiêu 9,6 triệu người và liên tục giảm qua các năm.

Hiệp hội các trường CĐ Kinh tế Kỹ thuật cho rằng hệ thống giáo dục gồm phổ thông, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục ĐH luồng đã thông nhưng hướng đi chưa rõ cho nên học sinh sau THPT cứ vào ĐH. Theo vị đại diện này, chìa khóa của giáo dục nghề nghiệp trước hết phải phân luồng thật mạnh, giáo dục ĐH cần phân tầng rõ để những học sinh theo giáo dục nghề nghiệp học lên ĐH hướng ứng dụng. Phải có người đến học đã rồi mới nói đến chất lượng.

Học sinh một trường nghề tại TP HCM trong giờ thực hành Ảnh: Tấn Thạnh
Ông Võ Quang Huệ, Tổng Giám đốc Công ty Bosch Việt Nam, cho biết trong một khảo sát của hiệp hội doanh nghiệp Đức người ta thấy rằng 88% đồng ý rằng học phải đi với hành, học phải thực tế. Do vậy, cần phải xác lập mối quan hệ chặt chẽ giữa trường nghề và nhà máy, chuẩn hóa chương trình đào tạo nghề.

PGS-TS Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), cho rằng thị trường lao động của CĐ khó khăn vì sự phát triển của khoa học kỹ thuật gắn với tự động hóa cao, các trường CĐ vì vậy khó thu hút thí sinh. Thống kê của bộ trong 3-4 năm gần đây thì chỉ tiêu các trường CĐ, trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) tuyển sinh được chỉ 50%-60%. Nếu một trường chỉ tuyển sinh được 300-400 sinh viên thì không có khí thế cho phát triển chất lượng. Năm qua, Bộ GD-ĐT đã làm mọi cách để giúp các trường tăng nguồn tuyển như bỏ điểm sàn, tốt nghiệp THPT là đủ điều kiện xét tuyển nhưng kết quả tuyển sinh vẫn rất hạn chế.

Ông Ga cho biết năm 2016, có hơn 100.000 thí sinh đủ điều kiện vào học ĐH nhưng không học ĐH, CĐ, TCCN và cũng không biết họ đi đâu. Theo ông Ga, vấn đề cốt lõi nhất của tuyển sinh là cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp.

Nhập khẩu 34 bộ chương trình

Ông Trần Thanh Hải, Hiệu trưởng Trường CĐ Viễn Đông, cho biết việc chuyển giao từ sự quản lý của Bộ GD-ĐT sang Bộ LĐ-TB-XH tạo ra những tồn đọng gây khó cho các trường. Ví dụ như việc mở ngành, hiện Bộ GD-ĐT không xử lý nữa nhưng chưa biết Bộ LĐ-TB-XH khi nào mới giải quyết.

Nhiều vấn đề khác như tiêu chuẩn giáo viên, chuyển đổi chương trình đào tạo của các trường vốn thuộc Bộ GD-ĐT là sự khó khăn. Đại diện Hiệp hội CĐ cộng đồng nói: Các trường CĐ thuộc Bộ GD-ĐT quản lý trước đây đào tạo theo niên chế hoặc tín chỉ.

Tuy nhiên, hiện có quy định là phải bảo đảm được chuẩn 30% lý thuyết, 70% thực hành. Vì thế, một động thái hết sức nặng nề là phải chuyển đổi chương trình đào tạo để đáp ứng yêu cầu. Vấn đề chuẩn nhà giáo hiện chưa có văn bản chính thức nhưng quy định có 3 dạng, gồm: nhà giáo dạy lý thuyết, nhà giáo dạy thực hành và nhà giáo dạy tích hợp. Trong đó, quy định nhà giáo dạy thực hành và nhà giáo dạy tích hợp phải có chứng chỉ kỹ năng nghề.

Vấn đề này áp dụng ra sao đối với các trường trước kia thuộc Bộ GD-ĐT trong khi nó chỉ tập trung ở một số ngành như cơ khí, điện tử và xây dựng, một số ngành khác chưa có, việc này giải quyết như thế nào?

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung cho biết tất cả báo cáo từ Quốc hội, Chính phủ đều đánh giá chất lượng đào tạo còn thấp cho nên phải tìm giải pháp để khắc phục. Mục tiêu làm sao để số người học nghề phải cao hơn, người ra trường phải có việc làm.

Về đột phá, ông Dung cho biết Bộ LĐ-TB-XH xác định 3 vấn đề. Cụ thể, từng bước phải tiến tới tự chủ, trường nào có điều kiện thực hiện ngay; dứt khoát đào tạo phải đồng hành với doanh nghiệp; tiến tới từng bước chuẩn quốc gia, khu vực và quốc tế. Bộ đã nhập khẩu 34 bộ chương trình và nếu không quyết liệt triển khai sẽ rất khó.

Phải nhanh chóng có hướng dẫn về tuyển sinh

Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết về chương trình đào tạo CĐ lâu nay, Bộ GD-ĐT giao cho các trường chủ động nên rất đa dạng và tiếp cận chuẩn mực quốc tế. Đội ngũ giảng dạy ở các trường CĐ thời gian qua nhờ các đề án đào tạo như 322, 911… nên nhiều giáo viên được đào tạo bài bản có trình độ cao, có thể tham gia cho sự phát triển của giáo dục nghề nghiệp. Ông cũng cho biết hệ thống CĐ và TCCN lâu nay về quản lý nhà nước đã có hệ thống văn bản rất hoàn thiện nên không khó khăn cho các trường khi Bộ LĐ-TB-XH chưa có văn bản quy định mới. Tuy nhiên, Bộ LĐ-TB-XH nên có văn bản nói rõ để các trường yên tâm. Ví dụ, tuyển sinh CĐ như thế nào cần văn bản hướng dẫn vì các trường đang chờ đợi.

Tác giả bài viết: Huy Lân

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok