Trong tỉnh

Trường mất an toàn, học sinh phải đi học nhờ

Hàng trăm học sinh ở huyện Quan Hóa, Thanh Hóa phải đi học nhờ do tình trạng sạt lở phía sau trường...

Sân của Trường PTDTBT - THCS Trung Thành chưa hoàn thành.

Tình trạng sạt lở nghiêm trọng phía sau Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú – THCS Trung Thành (huyện Quan Hóa, Thanh Hóa) khiến hàng trăm học sinh phải đi học nhờ ở trường khác.

Đóng cửa trường

Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú – THCS (PTDTBT - THCS) Trung Thành thuộc huyện vùng cao, biên giới nên đã được Nhà nước đầu tư, xây dựng khang trang, hiện đại với quy mô: Nhà hiệu bộ, 8 phòng học (2 tầng), 2 phòng học bộ môn; 5 phòng nhà công vụ; 10 phòng bán trú cho học sinh; hệ thống bếp; nhà ăn...

Tuy nhiên, từ đầu năm học đến nay, thầy và trò phải sơ tán, học nhờ tại Trường Tiểu học Trung Thành. Lý do ngôi trường này phải đóng cửa, bỏ hoang bởi hệ thống kè chống sạt lở trên mái ta-luy dương quả đồi phía sau trường sạt lở, nứt toác đe dọa an toàn.

Thầy Lê Văn Viện - Hiệu trưởng - trao đổi: Trước sự nguy hiểm đến tính mạng học sinh, giáo viên, nhà trường đã báo cáo chính quyền địa phương để di dời toàn bộ học sinh (178 em) sang học nhờ ở Trường Tiểu học Trung Thành, tại bản Phai. Trong đó, 46 em thuộc diện bán trú, trường bố trí ở nhờ nhà dân xung quanh trường để ổn định sinh hoạt và học tập sau giờ lên lớp.

“Đối với cán bộ, giáo viên, trước đây ở trong nhà công vụ, Ban Giám hiệu mượn địa điểm Trường Mầm non bản Phai (cách trường 2km) làm nơi ở. Mỗi khi họp hành, cũng phải nhờ nhà văn hóa bản Phai để thầy, cô giáo có chỗ tập trung...”, thầy Viện chia sẻ.

Tuy nhiên, do không tổ chức được bếp ăn bán trú nên nhà trường phải cấp tiền chế độ bán trú hàng tháng để học trò tự lo ăn, uống. Không chỉ học sinh bị xáo trộn nền nếp sinh hoạt mà gia đình, thầy cô cũng vất vả hơn trong công tác quản lý, hỗ trợ...

Chia sẻ khó khăn giữa các trường là điều tất yếu, tuy vậy việc hỗ trợ của Trường Tiểu học Trung Thành cũng đang trong cảnh “lá rách ít đùm lá rách nhiều”. Trường chỉ có 7 phòng học, nếu dồn đủ cho học sinh của Trường PTDTBT - THCS Trung Thành học hàng ngày thì sẽ thiếu phòng cho học sinh trường tiểu học. Trường đang phải dồn hết phòng thiết bị, văn phòng để có thêm phòng học, vì vậy lại khó khăn trong việc dạy theo Chương trình, sách giáo khoa mới khi phải học 2 ca/ngày, và dạy học cả vào thứ 7.

Thầy Trần Văn Tình - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trung Thành - cho biết: Điểm trường chính có 139 học sinh. Nếu không phải nhường phòng cho trường THCS, thì cơ sở vật chất cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu dạy và học. Nhưng hiện tại, phải nhường phòng học cho 178 học sinh trường THCS nên ảnh hưởng rất lớn đến việc bố trí phòng học, triển khai các hoạt động giáo dục khác.

“Biết rằng hỗ trợ thì sẽ thêm khó khăn, nhưng đứng trước thực tế Trường PTDTBT - THCS Trung Thành thì chúng tôi luôn động viên học sinh, giáo viên cùng cố gắng, chia sẻ…”, thầy Tình tâm sự.

Trường PTDTBT-THCS Trung Thành đóng cửa.

Bao giờ thầy, trò trở lại trường?

Được biết, công trình Trường PTDTBT - THCS Trung Thành do Ban quản lý dự án đầu tư huyện làm chủ đầu tư. Công ty Cổ phần Xây dựng thương mại Hưng Phúc An (có địa chỉ tại TP Thanh Hóa) là đơn vị thi công. Dự án nêu trên có 2 hợp phần, đó là: Công trình Trường PTDTBT - THCS Trung Thành, với tổng kinh phí xây dựng hơn 13,8 tỷ đồng. Còn hợp phần Xử lý khẩn cấp công trình công sở và khu bán trú Trường PTDTBT - THCS Trung Thành, có tổng vốn đầu tư 9,3 tỷ đồng.

Khi phát hiện tình trạng sạt lở diễn ra ngày càng nghiêm trọng, lãnh đạo huyện Quan Hóa yêu cầu nhà trường không cho học sinh ở lại khu bán trú để tránh hiểm họa. Đồng thời, yêu cầu các đơn vị có liên quan dựng biển cảnh báo khu vực nguy hiểm. Ông Phạm Bá Thoại - Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư huyện Quan Hóa - cho biết: Công trình chống sạt lở cụm công trình, gồm: Công sở xã Trung Thành và Trường PTDTBT - THCS Trung Thành, có các hạng mục: San lấp, kè, đường giao thông, rãnh thoát nước, với tổng vốn đầu tư 36,881 tỷ.

Sau khi xuất hiện tình trạng sạt lở mái kè chống sạt trượt nêu trên, huyện đã báo cáo về UBND tỉnh. Sau đó, UBND tỉnh giao các sở, đơn vị liên quan lên khảo sát. Các ngành đã mời 2 chuyên gia của Trường Đại học Giao thông Vận tải vào tổ chức khoan thăm dò, chụp siêu âm, thì phát hiện có túi nước ở trong lòng núi.

“Đơn vị khảo sát thiết kế, chủ đầu tư và đơn vị khoan thăm dò đang tiếp tục xử lý. Đến nay, đã hoàn thành khoan, quan trắc để xử lý. Tuy nhiên, phải chờ thời gian 1 năm quan trắc, nếu ổn định mới đưa học sinh về trường học…”, ông Thoại nói. Cũng theo ông Thoại, hệ thống tường rào của ngôi trường chưa có dự án đầu tư xây dựng. Còn hệ thống lan can cầu thang và sân trường nằm trong gói thầu, nhưng Công ty Hưng Phúc An vẫn không xử lý nốt do giám đốc đang “dính” đến pháp luật.

“Hiện, chủ đầu tư đang giữ lại 200 triệu đồng, chưa thanh toán đối với Công ty Hưng Phúc An, để yêu cầu công ty này hoàn thiện nốt hạng mục còn lại. Chủ đầu tư sẽ tiếp tục có văn bản yêu cầu nhà thầu lên hoàn thiện. Nếu công ty không thực hiện, thì chúng tôi sẽ chấm dứt hợp đồng theo quy định và mời nhà thầu khác vào hoàn thiện”, ông Thoại khẳng định.

“Rất mong các cơ quan chức năng lên kiểm tra, đánh giá và khắc phục hệ thống kè ta-luy dương đồi Pom Héo (Héo Còn Khoài) để sớm đưa học sinh trở lại trường, ổn định việc dạy học, sinh hoạt của cả giáo viên và học sinh. Bên cạnh đó, cũng mong cấp trên bổ sung các hạng mục còn lại, gồm: Sân trường, lan can cầu thang nhà 2 tầng và hệ thống tường rào của ngôi trường, khi đưa học sinh trở lại học tập để đảm bảo an toàn, thêm hoàn thiện các hạng mục trong trường học…”. - Ông Đinh Văn Kim (Chủ tịch UBND xã Trung Thành)

Tác giả: Thế Lượng

Nguồn tin: giaoducthoidai.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok