Giáo dục

Trường ĐH tỉnh phải tự sống

Khi trường ĐH phải tự chủ thì cũng là lúc các trường ĐH tỉnh lẻ đứng trước nguy cơ giải thể. Không chỉ vì tình trạng èo uột trong tuyển sinh, mà vì tư duy không còn ngân sách nhà nước thì không thể nào "sống" nổi!

Hàng loạt trường ĐH tỉnh lẻ đang không rõ số phận đi đâu về đâu khi rất nhiều trường không tuyển đủ chỉ tiêu. Các trường ĐH tỉnh hầu hết nâng cấp từ trường CĐ sư phạm và khi nâng cấp thành ĐH, các trường đều đào tạo đa ngành và cạnh tranh với các trường ĐH vùng, ĐH tại TP lớn như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng... Việc quy hoạch các trường ĐH không có trọng điểm đào tạo, trường địa phương đào tạo ngành nghề giống như trường TP lớn, dẫn đến việc thí sinh không chọn trường địa phương khi điểm chuẩn các trường ĐH ở TP lớn ngày càng "dễ chịu".

Điều đáng nói là hầu hết các trường ĐH đều có cơ sở vật chất tốt, mặt bằng trung tâm TP... Nhưng trường ĐH địa phương đã không thể tận dụng lợi thế này để phát triển. Trong khi nhiều ĐH tự chủ đã phải tự chuyển mình tìm con đường sống thì ĐH địa phương cũng không thể mãi trông chờ vào ngân sách nhà nước. Chính bản thân các trường ĐH phải nghĩ cách để tồn tại và phát triển. Một chuyên gia giáo dục cho rằng nếu không thể tồn tại được thì các trường mạnh dạn xin giải thể. Còn những trường vẫn muốn tồn tại thì phải vận động theo cơ chế thị trường.

Các chuyên gia tuyển sinh đều định hướng cho thí sinh chọn ĐH địa phương nhưng dường như các em vẫn quan tâm các ĐH tại TP lớn

Trường ĐH tỉnh có cơ sở vật chất tốt, đội ngũ tốt, tại sao không tìm cách để tăng nguồn thu? Chẳng hạn có thể mở các trung tâm đào tạo ngoại ngữ, các khóa ngắn hạn đào tạo nghề, đào tạo kỹ năng... Ngoài ra, còn có thể nghiên cứu khoa học, làm dự án cho các doanh nghiệp, địa phương… "Cần tận dụng nguồn lực của trường để tăng nguồn thu, từ đó có thể bớt phụ thuộc vào học phí của sinh viên" - chuyên gia này phân tích.

Các trường ĐH vốn nâng cấp từ trường CĐ sư phạm với thế mạnh sư phạm có thể mở các trường thực nghiệm bậc THCS và THPT tại địa phương. Chỉ cần mỗi bậc học tuyển 200-300 học sinh thì mỗi năm các trường này cũng đã có nguồn thu lớn, trong khi có thể tận dụng cơ sở vật chất và đội ngũ hiện có. Các trường này còn là nơi sinh viên sư phạm được thực tập, thử nghiệm phương pháp giáo dục mới... Thực tế, các trường Trung học Thực hành Sài Gòn (thuộc ĐH Sài Gòn), Trường THPT Năng khiếu (thuộc ĐHQG TP HCM), Trường THPT chuyên ĐH Vinh (thuộc ĐH Vinh)... đều tuyển học sinh giỏi và đào tạo rất tốt. Đây chính là nguồn thu lớn để các trường ĐH tỉnh cải thiện "số phận" của mình. Nguồn đào tạo này cũng có thể là nguồn tuyển của trường ĐH tỉnh khi chính sách tuyển thẳng, xét tuyển ngày mở rộng.

Chính các trường ĐH khi được tự chủ về tuyển sinh, đào tạo thì cần sắp xếp ngành nghề đào tạo phù hợp với nhu cầu địa phương, không chạy theo đa ngành như thời gian qua. Đào tạo theo đơn đặt hàng của địa phương, của doanh nghiệp cũng là một hướng đi tốt.

Như vậy, bài toán cho các trường ĐH tỉnh lẻ không phải không có lời giải mà lãnh đạo các trường này có "chịu" tìm lời giải cho mình hay không. Không thể mãi trông chờ nguồn ngân sách nhà nước, khi Luật Giáo dục ĐH đã đề cao vấn đề tự chủ. Nếu không tự thân vận động, trường ĐH tỉnh sẽ khó thoát khỏi cảnh "khốn khó triền miên".

Tác giả: Bảo Lâm

Nguồn tin: Báo Người lao động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok