Giáo dục

Trường ĐH "sốc" vì thiếu sinh viên

Đại diện nhiều trường ĐH tỏ ra thất vọng vì số lượng sinh viên nhập học quá ít, lượng ảo cao, trong khi Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định phần mềm lọc ảo chạy tốt

Những hạn chế của công tác tuyển sinh năm nay trở thành chủ đề nóng của hội nghị tổng kết năm học 2016-2017 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2017-2018 tại các cơ sở giáo dục ĐH, các trường sư phạm, do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức ngày 11-8.

Gọi điện mời từng thí sinh nhập học

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, đến ngày 8-8, chỉ có 242.000 thí sinh trúng tuyển đợt 1 làm thủ tục xác nhận nhập học so với tổng chỉ tiêu tuyển sinh bằng kết quả kỳ thi THPT quốc gia là 352.000. Như vậy, con số 110.000 thí sinh được xác định trúng tuyển đã không đến nhập học.

Nhiều trường như Trường ĐH Giao thông Vận tải, Trường ĐH Xây dựng, Trường ĐH Thủy lợi, Trường ĐH Lao động - Thương binh và Xã hội… đều thiếu từ 300-800 chỉ tiêu. Lãnh đạo các trường này cho hay đã gọi điện cho từng thí sinh để mời nhập học nhưng họ đều chọn học trường khác hoặc không có nhu cầu. Nhiều trường "sốc" vì thiếu quá nhiều chỉ tiêu và điều này nằm ngoài dự kiến của trường trong mùa tuyển sinh năm nay, khi mà Bộ GD-ĐT khẳng định phần mềm lọc ảo đã hoạt động rất tốt.

Trước thực tế này, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định "chất lượng kéo theo số lượng", trường nào chất lượng tốt sẽ được nhiều người học quan tâm, lượng thí sinh trúng tuyển đăng ký nhập học cao hơn.

"Không quá khó hiểu trước hiện tượng có đến 110.000 thí sinh trúng tuyển nhưng không nhập học. Chúng ta cũng phải chấp nhận rằng các cơ sở giáo dục phải có sự cạnh tranh, phân tầng chất lượng. Các trường có chất lượng tốt thì thí sinh sẽ yên tâm hơn khi đăng ký nhập học" - ông Nhạ khẳng định.

Thí sinh nhận giấy báo nhập học vào Trường ĐH Sư phạm TP HCM Ảnh: Tấn Thạnh

Người đứng đầu ngành giáo dục cũng lưu ý các trường ĐH phải nhìn vào cung - cầu của thị trường để cải thiện, nâng cao chất lượng cũng như định hướng phát triển. Không phải ngành nào có thế mạnh là đổ xô đào tạo trong khi thị trường không cần. Có ngành năng lực đào tạo rất tốt nhưng thị trường không cần thì phải giảm, thậm chí đóng cửa.

Cùng chung quan điểm, TS Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, cho rằng nhiều trường có lượng thí sinh đến nhập học không như kỳ vọng do thí sinh có lựa chọn riêng. Vì vậy, các trường cần đầu tư hơn cho công tác tư vấn, nghiên cứu thị trường, truyền thông để tuyển sinh được thuận lợi.

Điều chỉnh chính sách ưu tiên

Liên quan đến vấn đề được quan tâm nhiều trong kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh 2017 như "mưa điểm 10" dẫn đến điểm chuẩn của nhiều trường quá cao, đến 30 điểm vẫn trượt nguyện vọng 1, ông Phùng Xuân Nhạ cho rằng cái được lớn nhất là việc thay đổi hình thức thi đã cho kết quả rất minh bạch, khách quan, giảm tốn kém cho xã hội. Số điểm 9-10 tuy nhiều hơn nhưng trung bình vẫn là 4-6 điểm chứ không hẳn là "mưa điểm 10".

Theo ông Nhạ, do áp dụng minh bạch, công khai thông tin trong tuyển sinh nên bộ cho thí sinh đăng ký nhiều nguyện vọng. Được công nghệ thông tin hỗ trợ rất tốt, nhiều thí sinh cùng đăng ký vào một số trường tốt, ngành hot như y, dược, công an, quân đội..., trong khi chỉ tiêu các trường này không tăng, thậm chí giảm tới 50%, nên điểm chuẩn các trường/ngành này cao là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, 2017 là năm đầu tiên triển khai đề thi trắc nghiệm chuẩn hóa, sang năm sẽ phải hoàn thiện về mặt kỹ thuật để đề thi phân hóa tốt hơn.

Nói thêm về vấn đề cộng điểm ưu tiên mà nhiều thí sinh và phụ huynh cho là bất cập, ông Nhạ nhận định đó là chủ trương tốt và đầy nhân văn, không chỉ ở nước ta mà nước khác cũng áp dụng. Và không chỉ cộng điểm ưu tiên khi thi mà còn có chính sách hỗ trợ, ưu tiên trong suốt quá trình. Tuy nhiên, tình hình đã thay đổi, khu vực 1-2-3 sự chênh lệch điều kiện đã khác xưa thì Bộ GD-ĐT sẽ lắng nghe để có điều chỉnh cho phù hợp.

Không tùy tiện mở trường sư phạm

Trước thực trạng điểm đầu vào của nhiều trường sư phạm quá thấp khiến xã hội lo lắng về chất lượng giáo viên trong tương lai, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng dư luận nên nhìn nhận toàn diện và thấu đáo. Bởi lẽ, không phải ngành sư phạm nào năm nay cũng có đầu vào quá thấp. Có những phân ngành điểm trúng tuyển vẫn khá cao hoặc ở mức tương đối nhưng cũng có phân ngành điểm thấp, nhất là ở các trường cao đẳng đào tạo ngành sư phạm.

Bên cạnh đó, qua theo dõi thực tế nhập học, đa số thí sinh đạt điểm thi cao hơn điểm trúng tuyển mà trường công bố. Người đứng đầu Bộ GD-ĐT cho rằng tới đây, cần quyết tâm thực hiện việc quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục ĐH và trường sư phạm một cách căn cơ có tính đến yếu tố thị trường và xu hướng phát triển đại học trên thế giới.

Tác giả: Yến Anh

Nguồn tin: Báo Người lao động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok