Giáo dục

Trường ĐH Hoa Sen cầu cứu Thủ tướng

Chủ tịch hội đồng quản trị Trường ĐH Hoa Sen (TP.HCM), ông Trần Văn Tạo, vừa có đơn cầu cứu lên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị "cứu lấy Trường ĐH Hoa Sen".

Trong đơn có viết: “Trường ĐH Hoa Sen được thành lập từ năm 1991 đến nay, định hướng hoạt động theo cơ chế không vì lợi nhuận. Tuy nhiên, hiện nay những thành quả và vị thế của Trường ĐH Hoa Sen đang bị thách thức nghiêm trọng. Đặc biệt từ khi trường chuyển sang mô hình tư thục không vì lợi nhuận từ năm 2007, một vài cổ đông, đại diện cho nhóm lợi ích đã thu gom số lượng cổ phần, tự xưng chiếm 30% cổ phần (nhóm 30)”.

Thư cầu cứu của Trường ĐH Hoa Sen


“Vào tháng 8/2014, khi nhà trường áp dụng theo Luật Giáo dục đại học về các điều kiện đối với trường hoạt động không vì lợi nhuận, nhóm 30 đã đứng ra tổ chức Đại hội cổ đông bất thường, bãi nhiệm toàn bộ HĐQT và Ban kiểm soát nhằm dọn đường, biến trường Hoa Sen thành nơi kinh doanh giáo dục, phục vụ lợi ích nhóm”

Do Đại hội cổ đông bất thường được tổ chức bất hợp pháp, không đúng trình tự quy định của pháp luật, số cổ phần của đại biểu tham dự không đủ điều kiện hợp lệ và có sự tranh chấp nên UBND TP.HCM không công nhận kết của bầu HĐQT của Đại hội cổ đông bất thường.

Gần đây, nhóm 30 tiếp tục đề nghị UBND TP.HCM xem xét công nhận HĐQT do Đại hội cổ đông bất thường bầu ra, dựa trên kết quả của một vụ kiện về cổ tức có liên quan đến nhóm này mà trường đang đề nghị làm thủ tục giám đốc thẩm”.

Trong đơn cầu cứu Thủ tướng, ông Trần Văn Tạo nêu rõ “việc UBND TP.HCM có ý định xem xét công nhận HĐQT được bầu bất hợp pháp là hết sức nguy hiểm".

Theo ông Tạo, trước mắt, việc thay đổi ban lãnh đạo nhà trường vào thời điểm này vô cùng bất lợi cho hoạt động tuyển sinh và sự phát triển của trường.

Tranh chấp tại Trường ĐH Hoa Sen xảy ra từ năm 2014

Gần đây nhất, liên quan đến tranh chấp quyền lợi ở Trường ĐH Hoa Sen, TAND cấp cao tại TP.HCM đã mở phiên phúc thẩm xét xử vụ án kinh doanh thương mại liên quan đến tranh chấp giữa nguyên đơn là hai công ty là Công ty cổ phần I.Connect, Công ty Co-ordinate và bị đơn là Trường ĐH Hoa Sen.

Sau khi xem xét, TAND TP.HCM tuyên chấp nhận toàn bộ yêu cầu của phía nguyên đơn, buộc Trường ĐH Hoa Sen phải thanh toán cho I.Connect số tiền tạm ứng cổ tức năm 2013 và năm 2014 là 1,94 tỉ đồng (tương đương với hơn 2,49 triệu cổ phiếu, chiếm 26,5% vốn điều lệ) và hơn 111 triệu đồng tiền lãi; Đồng thời, phải thanh toán cho Co-ordinate số tiền tạm ứng cổ tức còn thiếu trong 2 năm trên là hơn 58 triệu đồng và hơn 3,3 triệu đồng tiền lãi.

Việc bị thua kiện, Trường ĐH Hoa Sen bị đẩy vào tình thế bất lợi khi nhóm 30 có thể đủ điều kiện đề nghị UBND TP.HCM xem xét công nhận HĐQT do Đại hội cổ đông bất thường nhóm bầu ra tại Đại hội cổ đông bất thường diễn ra tháng 8/2014.

Tác giả bài viết: Lê Huyền

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok