Giáo dục

Trường đại học tốp trên cuống cuồng lo thí sinh “ảo”

Chỉ còn 3 ngày nữa là hết thời hạn nhận hồ sơ xét tuyển đại học 2016, nhiều trường đại học tốp trên phía Bắc đã nhận tương đối nhiều hồ sơ nhưng đang cuống cuồng lo tỷ lệ “ảo”, bởi năm nay thí sinh được nộp hồ sơ cùng lúc 2 trường với 4 ngành.


truongdaihoctoptrencuongcuonglothisinhao
Thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển tại trường ĐH Kinh tế quốc dân

Trao đổi với PV Dân trí, ông Bùi Đức Triệu, trưởng phòng đào tạo trường ĐH Kinh tế quốc dân cho biết, các trường trong nhóm GX không đăng ký với Bộ GD&ĐT về tải dữ liệu về đăng ký xét tuyển trực tuyến để tham khảo nhưng tính đến ngày 9/8, trường nhận được hơn 3.500 bộ hồ sơ đăng ký trực tiếp tại trường và qua đường bưu điện. Còn 3 ngày nữa, thí sinh sẽ đến nộp hồ sơ đông nên dự kiến số lượng hồ sơ vào trường năm nay sẽ ổn

Theo ông Triệu, hồ sơ xét tuyển thí sinh nộp vào trường đều có mức điểm trên 20, rất ít hồ sơ dưới 20 điểm, mặc dù mức điểm sàn nhận hồ sơ xét tuyển là của trường là 17. Có rất nhiều hồ sơ thí sinh đạt trên 25 điểm nộp vào các ngành “hót” của trường.

Ông Triệu cho rằng, qua việc nhận hồ sơ như vậy, chứng tỏ thí sinh năm nay đã nắm rất rõ các quy định tuyển sinh, xác định năng lực của mình rất tốt để nộp vào ngành, vào trường phù hợp với mức điểm.

Tuy nhiên, điều lo lắng nhất của lãnh đạo trường ĐH Kinh tế quốc dân là tỷ lệ thí sinh “ảo” vì thí sinh được nộp hồ sơ cùng lúc 2 trường với 4 ngành nhưng chỉ được chọn 1 ngành, 1 trường để học. Ông Triệu khẳng định, năm nay chắc chắn tỷ lệ hồ sơ “ảo” rất cao, có thể lên tới 50% nên khó xác định bởi các trường xét tuyển theo nhiều hình thức. Mặc dù trường xét tuyển theo nhóm GX nhưng qua nhận hồ sơ cho thấy 50% thí sinh đăng ký nguyện vọng 2 ở trường ngoài nhóm.

Ông Triệu chia sẻ, nếu trường nhận số lượng thí sinh nhập học tăng lên 150% thì mới đáp ứng được nhu cầu và tránh “ảo”. Tuy nhiên, nếu trong trường hợp nhận nhiều, thí sinh đến vượt chỉ tiêu thì trường lại vi phạm quy định của bộ; nếu gọi theo số lượng chỉ tiêu nhưng thí sinh đến ít lại không tuyển đủ chỉ tiêu và phải thông báo xét tuyển nguyện vọng 2. Trong khi đó, nhà trường lại không muốn xét tuyển nguyện vọng 2.

Tương tự, Học viện Ngân hàng (thuộc nhóm GX), tính đến ngày 9/8, trường nhận được khoảng hơn 3.000 bộ hồ sơ ĐKXT. Mức điểm hồ sơ nộp vào trường đều trên 20 điểm.

Cùng tâm trạng lo tỷ lệ thí sinh “ảo”, ông Dũng cho rằng đây là vấn đề đau đầu của trường, mặc dù ra nhập nhóm GX có thể có giảm “ảo” nhưng chỉ được một phần. Ví dụ: thí sinh nộp nguyện vọng 1 vào Học viện ngân hàng nhưng nguyện vọng 2 nộp vào Học viện tài chính, ĐH Thương Mại… nên số lượng hồ sơ “ảo” khá lớn. Do đó, cần phải tính toán gọi nhập học như thế nào để tối ưu nhất với chỉ tiêu vì năm nay không có cơ sở để phân tích bởi thí sinh được nộp hồ sơ cùng lúc 2 trường với 4 ngành nhưng chỉ được chọn 1 ngành, 1 trường để học nên khó có phương án chống “ảo” hiệu quả. Nếu gọi đến nguyện vọng 2, nhà trường sẽ khó chọn được thí sinh giỏi, chất lượng sẽ thấp hơn nguyện vọng 1.

Đối với trường ngoài công lập như trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ đến thời điểm này trường cũng đã nhận được 4.000 hồ sơ đăng ký. Ông Vũ Văn Hóa, Phó Hiệu trưởng nhà trường lo lắng cho hay, năm nay tỷ lệ “ảo” rất cao nhưng hiện giờ khó có phương án nào tính toán được nên phải chờ sau xét tuyển đợt 1.

Phân tổ thí sinh trúng tuyển theo điểm

Khác với các trường trên để khắc phục tình trạng tỷ lệ thí sinh “ảo”, trao đổi với PV Dân trí, ông Đinh Văn Sơn, Hiệu trưởng trường ĐH Thương Mại cho biết, sau ngày 12/8 kết thúc nhận hồ sơ xét tuyển, nhà trường sẽ tổng hợp lại số lượng hồ sơ rồi phân tổ thí sinh trúng tuyển theo điểm.

Ví dụ, chỉ tiêu của nhà trường năm nay là 3.800, nhà trường nhận được khoảng gần 10.000 hồ sơ. Khi đó, trường đưa ra 3 tổ điểm để phân tích. Cụ thể: Với nhóm hồ sơ dưới 19 điểm, số lượng “ảo” sẽ rất ít và chỉ tính ảo là 5%; số nhóm hồ sơ có mức điểm từ 20 - 22 điểm sẽ có số lượng “ảo” cao, tính tỷ lệ “ảo” từ 20 - 30%; số nhóm hồ sơ từ 22 điểm trở lên, tỷ lệ “ảo” lại càng lớn, có thể lên tới 30 - 40% vì với mức điểm này, thí sinh có nhiều cơ hội đỗ vào những trường tốp cao hơn trường ĐH Thương Mại.

“Chỉ có biện pháp như vậy trường mới giảm được tỷ lệ “ảo” trong mùa tuyển sinh năm nay” - ông Sơn cho hay.

Về biện pháp chống “ảo”, thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết, Bộ GD&ĐT vẫn cho phép các trường có thể tải dữ liệu về đăng ký xét tuyển để tham khảo, nhưng dữ liệu này phải tuyệt đối bảo mật chứ không được công khai.

Bên cạnh đó, Bộ đã đưa ra những quy định khác nhằm bảo đảm các trường có thể yên tâm tuyển sinh mà không phải lo ngại tình trạng thí sinh “ảo”. Đơn cử, Bộ không quy định điểm xét tuyển đợt sau phải cao hơn đợt trước; sau khi có kết quả xét tuyển, thí sinh phải nộp giấy báo kết quả thi cho nhà trường để khẳng định vào học trường đó, điều này giúp trường biết chắc chắn có bao nhiêu thí sinh sẽ nhập học.

Tác giả bài viết: Hồng Hạnh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok