Trưởng Ban tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính đánh giá cao công tác an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. |
Ngay sau khi Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI của Đảng thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước, Tỉnh ủy Thanh Hóa đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức học tập, quán triệt, triển khai thực hiện sâu rộng trong toàn đảng. Thanh Hóa đã vận dụng thực hiện nghiêm túc, sáng tạo, hiệu quả các định hướng lớn trong Cương lĩnh xây dựng đất nước năm 2011 và đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, đạt được kết quả toàn diện về kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
Theo đó tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân giai đoạn 2011-2020 ước đạt 10,8%/năm, riêng giai đoạn 2016-2020 ước đạt 13,6%/năm. Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, tổng huy động vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2011-2020 ước đạt 939.000 tỷ đồng. Giai đoạn này đã thu hút được 1.432 dự án đầu tư (76 dự án FDI).
Sản xuất nông nghiệp phát triển toàn diện. Sản lượng lương thực hằng năm ổn định ở mức 1,6 triệu tấn. Thu hút về đầu tư nông nghiệp đạt kết quả tích cực, toàn tỉnh có 915 doanh nghiệp và 604 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Đến hết năm 2018 toàn tỉnh có 2 huyện, 284 xã và 730 thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới. Thanh Hóa cũng đã xác định được 19 sản phẩm chủ lực và 58 sản phẩm lợi thế.
Sản xuất công nghiệp giai đoạn 2011-2020 tăng trưởng mạnh, giá trị sản xuất hằng năm đạt 18%. Riêng năm 2018 đạt 95.065 tỷ đồng, năm 2020 ước đạt 152.000 tỷ đồng gấp 4,9 lần năm 2010. Các ngành dịch vụ có bước phát triển nhanh. Kim ngạch xuất khẩu năm 2018 đạt 2,76 tỷ USD, hoạt động du lịch có bước phát triển khởi sắc, số lượng khách du lịch tăng bình quân hằng năm 14%, doanh thu tăng 29,5%. Thu ngân sách nhà nước tăng bình quân hằng năm 20,5%, trong đó năm 2018 đạt 23.464 tỷ đồng, đứng thứ 13 trên toàn quốc, dự kiến năm 2020 đạt 30.764 tỷ đồng.
Trưởng Ban tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính đề nghị tỉnh Thanh Hóa cần quy hoạch, xây dựng đội ngũ cán bộ đủ 3 độ tuổi, trong đó chú ý cơ cấu trẻ, nữ và người dân tộc. |
Về việc xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà, bản sắc dân tộc và nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa-xã hội, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng xây dựng đời sống văn hóa cơ sở gắn với xây dựng nông thôn mới, xây dựng đô thị văn minh, xây dựng tập thể và công dân kiểu mẫu. Tỉnh Thanh Hóa cũng chú trọng huy động các nguồn lực để đầu tư, bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa, đồng thời tăng cường tuyên truyền, giáo dục về truyền thống lịch sử, văn hóa quê hương, đất nước.
Về công tác sáp nhập, tinh gọn bộ máy, tỉnh Thanh Hóa đã sáp nhập, giảm được 1.578 thôn, tổ dân phố (giảm 26,4% thôn, tổ dân phố) và giảm tương ứng 9.468 cán bộ không chuyên trách thôn, tổ dân phố. Dự kiến đến hết tháng 11/2019, Thanh Hóa sẽ sáp nhập xong 66 xã kết hợp mở rộng địa giới hành chính nhiều thị trấn. Tỉnh đẩy mạnh nhất thể hóa, kiêm nhiệm một số chức danh, đến nay đã có 5 huyện nhất thể hóa chức danh Trưởng Ban Dân vận đồng thời là Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc, 27/27 huyện, thị, thành phố Trưởng Ban Tuyên giáo đồng thời là Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng chính trị cấp huyện, có 2.225/4.393 chi bộ thôn, tổ dân phố có Bí thư kiêm Trưởng thôn, tổ dân phố. Tỉnh Thanh Hóa cũng có 22/27 huyện, thị, thành phố đã bố trí 1 trong 3 chức danh chủ chốt không phải là người địa phương.
Tại buổi làm việc, tỉnh Thanh Hóa kiến nghị Trung ương tăng nguồn hỗ trợ đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng trong Khu kinh tế Nghi Sơn, nhất là hệ thống cảng biển, tạo thuận lợi cho thu hút đầu tư, đồng thời có chính sách đặc thù cho Khu kinh tế Nghi Sơn; đầu tư nâng cấp cảng hàng không Thọ Xuân, tạo điều kiện cho tỉnh phát triển...
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đã đánh giá cao những kết quả mà tỉnh Thanh Hóa đã đạt được trong giai đoạn 2011-2020, đặc biệt kinh tế - xã hội đã có những bước phát triển vượt bậc, qua đó an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo trên địa bàn tỉnh có chuyển biến tích cực. Tỉnh thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng, quyết liệt trong việc chỉnh đốn Đảng; an ninh quốc phòng giữ được ổn định, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội.
Đồng chí Phạm Minh Chính cũng lưu ý tỉnh Thanh Hóa cần xây dựng cán bộ đủ 3 độ tuổi, trong đó chú ý cơ cấu trẻ, dân tộc, nữ để chuẩn bị nhân sự cho Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa nhiệm kỳ 2020-2025.
Về thu ngân sách phải đa dạng hơn không chỉ trông chờ vào lọc hóa dầu Nghi Sơn. Thanh Hóa cũng cần cải thiện các chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh, chỉ số về mức độ hài lòng của người dân bởi đây là những chỉ số còn thấp so với bình quân của cả nước. Tỉnh cần đẩy mạnh tái cơ cấu ngành kinh tế, đặc biệt là ngành nông nghiệp và phải chọn được thế mạnh về cây, con để tập trung sản xuất, chăn nuôi, qua đó mới nâng cao đời sống cho người nông dân, giúp người dân thoát nghèo, và vươn lên làm giàu. Tỉnh cũng cần đẩy mạnh hợp tác công-tư để huy động nguồn vốn đầu tư phát triển kinh tế, xã hội, ưu tiên đầu tư cho các vùng còn kém phát triển như vùng sâu, vùng xa, vùng ven biển.
Tác giả: Trịnh Duy Hưng
Nguồn tin: Báo TTXVN