Giáo dục

Trường 200 người ngồi không, sao tự chủ được!

"Tôi biết có những trường tuyển sinh không được, nhưng bộ máy vẫn ngồi đó 200 người thì làm sao mà tự chủ được. Tôi cũng biết có những trường được như ngày hôm nay, phải trải qua quá trình lột xác rất đau đớn, nhất là việc tinh giản nhân sự".

Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP HCM cho biết như trên tại buổi Tọa đàm "Thực trạng và giải pháp hướng tới tự chủ tài chính của các trường CĐ, Trung cấp công lập trên địa bàn TP HCM".

Tại buổi tọa đàm, nhiều ý kiến của các trường chỉ ra, qua 10 năm thực hiện Nghị định 43 của Chính phủ về tự chủ tài chính, vẫn còn nhiều bất cập về tính tự chủ trong tổ chức bộ máy và nhân sự, quản lý và sử dụng tại sản, phân phối kết quả tài chính…

Bà Phạm Quang Trang Thủy, Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Kỹ thuật công nghệ Hùng Vương cho hay, theo Nghị định 43, trường được tự chủ từ năm 2007. Nghe từ tự chủ thì thường được hiểu là được tự chủ trong mọi vấn đề, được quyết nhiều vấn đề, nhưng trên thực tế vẫn còn quá nhiều yếu tố bị chi phối, lệ thuộc. Bà Thủy cho rằng, trường có thuận lợi là được tự quyết vấn đề kinh phí nhưng lại không được tự chủ về nhân sự. Lý do là trường vẫn lệ thuộc UBND quận 5 nên nhân sự vẫn do UBND quyết. "Như vậy liệu có tự chủ không khi trói buộc giữa kinh phí và nhân sự. Nếu anh dạy tốt thì tôi trả kinh phí cao, làm theo năng lực hưởng theo lao động. Nhưng nhân sự lại do phía khác quyết định. Điều này nảy sinh tình trạng những người không làm được việc vẫn ngồi nguyên chỗ đó"- bà Thủy nói.

Học viên học nấu ăn tại một trường dạy nghề

Một minh chứng khi trường được tự chủ hoàn toàn là bài học từ Trường CĐ Kỹ nghệ II, đây là trường được quyền tự quyết tất cả các hạng mục từ tuyển dụng, mở ngành, miễn nhiệm, bổ nhiệm hiệu trưởng…Bằng chứng là trước khi được tự chủ, biên chế của trường có cả hàng ngàn người, sau khi tự chủ, tinh gọn lại chỉ còn rất ít…cùng với chuyển đổi tư duy từ nền bao cấp sang kinh tế thị trường, lương của giáo viên đã tăng hơn hẳn. Đây cũng là trường chỉ đào tạo 45% chương trình học cho sinh viên. 55% còn lại sẽ do doanh nghiệp trực tiếp đào tạo.

Trong khi đó, Tiến sĩ Huỳnh Thanh Điền, thành viên Nhóm tư vấn đề án phát triển Công nghiệp hỗ trợ TP HCM nhận định, phần lớn các trường nghề hiện nay ngại khi lựa chọn mô hình tự chủ tài chính. Nếu cơ chế tự chủ tài chính áp đặt chung cho tất cả các trường nghề công lập đồng nghĩa với việc tạo ra một bộ lọc loại bỏ những trường không phù hợp, yếu kém. Khi đó sẽ tạo ra động lực để các trường nghề đổi mới chương trình, phương pháp đào tạo, nâng chất đội ngũ…để cạnh tranh trong việc thu hút học viên. Khi đó sẽ không còn tình trạng cào bằng trong phân bổ ngân sách, tránh lãng phí trong đầu tư. Lâu nay vẫn có trường xây cơ sở, mua thiết bị lớn nhưng không tuyển sinh được.

Theo ông Nguyễn Văn Lâm, chậm nhất đến ngày 31-12, các trường phải trình đề án tự chủ tài chính về các cơ quan chủ quản, về sở. Bây giờ bản thân các trường phải cứng rắn, tự quyết: Nếu cho tôi cái này thì tôi tự chủ, tự chịu trách nhiệm, không thì thôi. Chính các trường phải thoát khỏi sự trì trệ, cồng kềnh của bộ máy. Nếu không thể tự chủ thì phải chấp nhận chuyện sáp nhập, ở chung hay ở riêng là do các trường có tự vận động, chịu thay đổi hay không?

Tác giả: Đặng Trinh

Nguồn tin: Báo Người lao động

  Từ khóa: trường

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok