Liên quan đến vụ khách hàng bị nhân viên ngân hàng OCB chiếm đoạt tiền gửi, như Người Đưa Tin Pháp Luật đã đưa, từ tháng 9/2011, bà Huỳnh Tuyết Hằng đến Hội sở của OCB để thực hiện các giao dịch tiền gửi. Đến tháng 1/2019, bà Hằng đứng tên 1 sổ tiết kiệm với số tiền 4,7 tỉ đồng. Và chồng bà Hằng đứng tên một sổ tiết kiệm khác với số tiền 1 tỷ đồng.
Thế nhưng ngay sau đó, hai sổ tiết kiệm này được OCB trả lời là sổ giả và đổ hết trách nhiệm cho người có tên Vũ Phương Thảo. Việc đổ trách nhiệm đó được thể hiện qua văn bản số 398A/2020/CV-OCB ngày 30/3/2020 do OCB ban hành.
Công văn của OCB khẳng định rằng trách nhiệm không thuộc về Ngân hàng này |
Theo nội dung văn bản, việc đầu tiên OCB thông báo có nhận đơn tố cáo của bà Hằng vào ngày 23 và 25/3/2020, và thông báo thẩm quyền giải quyết đơn tố cáo không thuộc Ngân hàng này và đề nghị bà Hằng gửi đơn đến PC02 (Công an TP.HCM).
Trông tin trên Tòa án Nhân dân điện tử, Vũ Phương Thảo có mã nhân viên tại OCB là OCB07426, bị chấm dứt hợp đồng lao động từ ngày 14/5/2018. Vũ Phương Thảo từng giữ chức Trưởng Bộ phận – Trung tâm xử lý giao dịch tín dụng tại OCB.
Đáng chú ý, bà Hằng không phải khách hàng đầu tiên bị nhân viên ngân hàng lợi dụng chức vụ để chiếm đoạt tiền gửi. Trước đó cũng đã từng xảy ra vụ việc bà Chu Thị Bình - Phó chủ tịch kiêm Phó Tổng giám đốc CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú bị nhân viên ngân hàng Eximbank chi nhánh TP.HCM chiếm đoạt số tiền hơn 264 tỷ đồng.
Tuy sau đó nữ đại gia thủy sản miền Tây đã được đền bù cả gốc lẫn lãi là 360,4 tỷ đồng nhưng vụ việc cũng gióng lên hồi chuông cảnh báo về thực trạng nhiều nhân viên ngân hàng lợi dụng kẽ hở để chiếm đoạt tiền, tài sản của khách hàng. Dưới đây là một số vụ việc điển hình:
Giả chữ ký chiếm đoạt gần trăm tỷ
Ngày 7/11/2019, TAND TP.HCM đã mở phiên tòa xét xử và tuyên phạt bị cáo Nguyễn Phạm Gia Thọ, cán bộ Ngân hàng ANZ, mức án tù chung thân về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo cáo trạng, năm 2015, Thọ là Trưởng phòng quan hệ khách hàng thuộc Phòng giao dịch Nam Sài Gòn tại quận 7. Được giao nhiệm vụ huy động tiền gửi tiết kiệm, tư vấn bán bảo hiểm, đề xuất cho vay thế chấp sổ tiết kiệm,...
Tuy nhiên, lợi dụng chức vụ, quyền hạn, đối tượng này đã giả chữ ký của khách hàng có tài khoản tiết kiệm để đăng ký dịch vụ Internet Banking sau đó chuyển tiền của khách vào tài khoản của mình hoặc người thân, chiếm đoạt hơn 90 tỷ đồng.
Cựu Chủ tịch HĐQT quỹ tín dụng chiếm đoạt hơn 500 tỷ đồng
Ngày 21/11/2019, TAND tỉnh Đồng Nai cũng đưa ra xét xử sơ thẩm Võ Văn Nghĩa, cựu Chủ tịch HĐQT quỹ tín dụng nhân dân Tân Tiến, 19 năm tù về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Bị cáo Võ Văn Nghĩa tại phiên tòa |
Theo cáo trạng, năm 2004 Nghĩa thành lập Doanh nghiệp tư nhân Văn Tiến Nghĩa (phường Tân Biên, TP Biên Hòa) do Nghĩa làm giám đốc. Năm 2008, Nghĩa chuyển đổi thành Công ty TNHH MTV Văn Tiến Nghĩa (phường Tân Tiến, TP Biên Hòa) vẫn do Nghĩa làm giám đốc.
Năm 2011, Nghĩa thành lập Quỹ tín dụng nhân dân (QTD) Tân Tiến, đóng tại khu phố 7, phường Tân Tiến, TP Biên Hòa và giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị.
Đến năm 2017, Nghĩa thành lập tổng cộng 11 công ty chi nhánh để phục vụ hoạt động Công ty TNHH MTV Văn Tiến Nghĩa với mục đích tăng quy mô hoạt động, tự chủ trong kinh doanh, giảm bớt chi phí hoạt động, tăng lợi nhuận…
Tuy nhiên, thực chất các doanh nghiệp này không có vốn hoặc lấy từ nguồn vốn huy động của 3 QTD Tân Tiến, Dầu Giây và Thanh Bình chuyển sang để hoạt động và chiếm đoạt.
Từ tháng 6/2012 đến tháng 11/2017, Nghĩa có hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản bằng hình thức huy động vốn tại 3 QTD Tân Tiến, Thanh Bình và Dầu Giây với tổng số tiền 1,23 nghìn tỷ đồng của 6.310 sổ tiết kiệm. Sau đó, Nghĩa chỉ đạo nhân viên 3 QTD trên cho khách hàng vay thật trên 146 tỷ đồng.
Cụ thể, thông qua 11 công ty chi nhánh, Nghĩa trực tiếp làm và chỉ đạo nhân viên 3 QTD lập hồ sơ cho vay không có khách hàng thật tại QTD Tân Tiến và Dầu Giây để thực hiện chiếm đoạt trên 73 tỷ đồng; nâng khống hạn mức khi khách hàng vay vốn tại QTD Tân Tiến để chiếm đoạt trên 167 tỷ đồng, huy động vốn ngoài để ngoài hệ thống sổ sách kế toán tại QTD Tân Tiến để chiếm đoạt gần 320 tỷ đồng… Tổng cộng, Nghĩa chiếm đoạt số tiền trên 560 tỷ đồng.
Lãnh đạo OceanBank bắt tay nhân viên tham ô tài sản
Ngày 18/11/2019, Viện KSND tối cao đã ban hành cáo trạng truy tố 4 bị can nguyên là lãnh đạo, nhân viên của Ngân hàng TM TNHH MTV Đại Dương (OceanBank), chi nhánh Hải Phòng về tội tham ô tài sản, gồm: Trần Thị Kim Chi, nguyên giám đốc chi nhánh; Lê Vương Hoàng, nguyên kiểm soát viên; Nguyễn Thị Minh Huệ, nguyên Trưởng phòng Kế toán kho quỹ và Chu Văn Nha, nguyên thủ quỹ.
Các bị can: Nguyễn Thị Minh Huệ, Trần Thị Kim Chi (giữa) và Lê Vương Hoàng |
Theo cáo trạng, đầu tháng 9/2017, hàng chục khách hàng của OceanBank chi nhánh Hải Phòng mang sổ tiết kiệm đến rút tiền thì được nhân viên giao dịch cho biết số tiền của họ không có trên hệ thống. Cũng thời điểm này, 3 lãnh đạo và cán bộ của chi nhánh là Chi, Hoàng và Huệ đột ngột biến mất.
Cơ quan tố tụng xác định, từ 2012 – 8/2017, bị can Chi đã chỉ đạo Hoàng, Huệ, Nha tạo 109 phôi sổ tiết kiệm khống, tất toán khống, lập khống các hồ sơ vay cầm cố sổ tiết kiệm... để chiếm đoạt khoản tiền gửi gần 414 tỷ đồng để sử dụng cá nhân.
Trần Thị Kim Chi trực tiếp giả mạo chữ ký của 10 cá nhân trên chứng từ mở 75 sổ tiết kiệm, ký tư cách “trưởng đơn vị kinh doanh” trên 66 sổ tiết kiệm và ký duyệt 2 hồ sơ vay cầm cố sổ tiết kiệm của của khách hàng. Thực hiện chỉ đạo của Chi, Hoàng, Huệ đã giả mạo chữ ký của nhiều cá nhân để tạo phôi sổ tiết kiệm, các hồ sơ thủ tục kèm theo, hợp thức hóa các hồ sơ khống của khách hàng...
Qua đó các đối tượng đã chiếm đoạt của OceanBank chi nhánh Hải Phòng gần 414 tỷ đồng; đồng thời gây thiệt hại cho ngân hàng hơn 9,3 tỷ đồng (là tiền lãi của 107 sổ tiết kiệm của khách hàng, phát sinh từ thời điểm khách hàng nhận tiền lãi lần cuối cùng đến khi vụ án bị phát hiện, khởi tố.
Sau khi nhận được đơn tố cáo của người dân, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án; đến cuối tháng 9/2017 đã bắt giữ được 3 bị can này khi đang lẩn trốn ở TP.HCM .
PGĐ chi nhánh ngân hàng Tiên Phong tất toán khống 5 sổ tiết kiệm của khách hàng
Ngày 14/11, Cơ quan CSĐT Công an TP. Hà Nội vừa khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can Nguyễn Hoài Thương (tức Nguyễn Thu Trang, sinh năm 1984, trú tại phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) về tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”. Thương từng giữ chức Phó Giám đốc Chi nhánh kiêm Giám đốc Dịch vụ khách hàng Ngân hàng TMCP Tiên Phong chi nhánh Phạm Hùng.
Nguyễn Hoài Thương đã lợi dụng chức vụ, chỉ đạo nhân viên cấp dưới làm thủ tục để tất toán khống 5 sổ tiết kiệm của khách hàng, chiếm đoạt số tiền hàng chục tỷ đồng của ngân hàng này.
Bị can Nguyễn Hoài Thương |
Trước đó, cuối 2018, Công an TP. Hà Nội đã khởi tố bị can với hai đối tượng liên quan đến vụ lừa đảo chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng trong sổ tiết kiệm tại Ngân hàng Việt Á. Đối tượng chính trong vụ án là Nguyễn Thị Hà Thành. Thành chỉ là cộng tác viên huy động vốn cho một số ngân hàng. Với thủ đoạn là trả trước lãi suất và tiền thưởng cho khách hàng, hoặc gửi tiền chung theo hình thức đồng sở hữu để được hưởng lãi cao hơn, sau đó Thành giữ sổ tiết kiệm của khách rồi giả chữ ký để tất toán cho khoản vay khác.
Tác giả: Minh Lan (Tổng hợp)
Nguồn tin: Tạp chí Người Đưa Tin